Ở đây không nói lớn, rừng mới chịu mở lòng
 |
Những cánh cò trắng muốt bên thảm rừng xanh |
Tôi đến Tràm Chim khi Đồng Tháp Mười đang khẽ chuyển mùa. Nước bắt đầu rút, để lộ những thảm cỏ xanh óng, những bãi bồi nhô lên dưới nắng. Mùa nước nổi chưa dứt, mùa khô cũng vừa chạm. Không gian nhuốm màu giao mùa, một nửa hoài niệm, một nửa thức tỉnh. Tràm Chim khi ấy như một cô gái miền Tây vừa qua cơn mưa, tóc còn ướt nước, mắt đã long lanh nắng.
Chiếc xuồng máy kéo thuyền gỗ đưa khách chầm chậm lướt qua những kênh rạch đan dày. Hai bên, rừng tràm trải dài miên man, không cao vút như cây rừng phía Bắc, không rậm rạp như rừng U Minh, mà dịu dàng, duyên dáng với thân cây trắng ngà thẳng tắp, những phiến lá nhỏ nghiêng nhẹ trong con gió đồng bằng.
 |
Màu xanh của tự nhiên căng đầy sức sống |
 |
Rừng tràm hun hút, biếc xanh |
Vào sâu, không khí càng thêm mát lành. Gió không mạnh nhưng đủ để tà áo lay động, đủ để nghe rõ tiếng nước lạch tạch vỗ mạn thuyền, tiếng lá chạm nhau khe khẽ, và tiếng chim kêu đều đều. Tất thảy đều như hơi thở của rừng.
Ở Tràm Chim, người ta không vội. Thiên nhiên ở đây dạy con người biết lắng nghe, biết dừng lại. Mỗi khúc rẽ của dòng kênh là một bất ngờ: vạt bèo tấm xanh mướt trải dài như tấm thảm nhung, đàn chim nhỏ sà xuống bắt cá rồi vụt bay lên không trung.
Cồng cộc sải cánh trên nền trời, le le chao lượn sát mặt nước, cò trắng phau đứng im lìm giữa rừng như nốt lặng. Có lúc, tôi ngỡ mình đang trôi giữa bức tranh: sắc xanh là chủ đạo, âm thanh là tiếng vọng của gió, của nước, của các loài sinh vật rừng. Chị hướng dẫn viên nói khẽ, như sợ làm vỡ đi sự tĩnh lặng: “Ở đây không nói lớn, chim sợ. Mình đi nhẹ, rừng mới chịu mở lòng”.
 |
Chị hướng dẫn viên thơ thới giữa lòng Tràm Chim |
 |
Du khách tận hưởng thiên nhiên trong trẻo |
Đến giữa rừng, máy xuồng được tắt hẳn. Không còn tiếng động cơ, không còn sóng nước. Chỉ còn những giao tiếp của thiên nhiên: gió luồn qua tán tràm, nước vỗ lách tách, xa xa, tiếng chim vang vọng, khan mà thanh, gắt mà vang. Người ta bảo, nếu có duyên, sẽ thấy sếu đầu đỏ, loài chim quý hiếm và là biểu tượng của vùng đất này.
Không dễ để thấy chúng, nhưng chỉ một cánh sếu bay ngang thôi, là cả vùng rừng như lặng đi. Người Tràm Chim tin rằng nơi nào còn sếu trở về, nơi đó còn đủ thanh sạch để sự sống nương náu. Tôi không gặp được, nhưng chỉ cần ngồi giữa rừng, lặng lẽ như vậy thôi, đã đủ thấy mình được gột rửa khỏi bụi bặm phố thị.
Dưới chân rừng là hệ sinh thái trù phú: cỏ năng, lúa ma, sen, súng, rau muống, đưng, lát... chen nhau sinh trưởng. Mỗi mùa, Tràm Chim lại thay áo mới: mùa nước nổi trắng xóa đồng, mùa khô rực sắc xanh cỏ cây và những vệt hồng của sen. Thiên nhiên nơi đây không cần tạo tác. Nó sinh ra để dịu dàng. Để chữa lành.
Một cánh chim chao liệng cũng đủ khiến lòng nhẹ đi
 |
Vũ điệu của thiên nhiên |
Và rừng thì không ngủ. Mỗi khoảnh khắc, Tràm Chim đều đang vận động. Một cánh chim bay qua, một dòng nước đổi màu theo nắng, tất cả như một vở diễn thiên nhiên không hồi kết. Cảnh vật khiến tôi nghĩ đến sự kiên nhẫn lặng lẽ - điều mà con người thời nay dễ đánh mất giữa những chuyến đi để vội vã check-in, những hình ảnh phải rực rỡ, những tiếng gọi phải “viral”.
Người dân quanh Tràm Chim sống thuận theo vòng quay trời đất. Họ không đốt rừng, không vét sạch cá tôm, không chặt tràm lấy gỗ. Họ tin rằng, giữ được rừng là giữ được phúc phần. Người lái xuồng kể giản dị, khiến tôi bâng khuâng mãi: “Ở đây nước nuôi cá, có cá thì chim bay về, chim về là rừng còn sống. Tụi tôi sống nhờ vậy”. Không cần lý thuyết sinh thái cao siêu, chỉ cần câu nói ấy cũng đủ để hiểu vì sao Tràm Chim vẫn còn nguyên vẹn đến hôm nay.
 |
Tràm Chim - nhìn từ đài quan sát |
Chiều xuống, lên đài quan sát. Từ trên cao, rừng như tấm thảm màu loang, xanh thẫm của tràm, hồng phơn phớt của sen, vàng óng của lúa trời. Chim bắt đầu về tổ sau một ngày kiếm ăn. Đàn đàn sải cánh thành hình mũi tên, tiếng gọi nhau vang vọng giữa tầng không. Cảnh tượng ấy khiến tôi lặng người, không phải vì choáng ngợp, mà vì xúc động: Cái đẹp nơi này trong trẻo quá! Cả bình yên và hiếm hoi giữa đời sống ngày càng ít nhiều xô lệch.
Ở Tràm Chim, chim không chỉ là một phần của hệ sinh thái, mà là linh hồn của mảnh đất này. Chúng hiện diện khắp nơi: trên tán tràm, giữa đầm lầy, trong làn sương sớm, dưới ánh chiều tà. Mỗi loài một dáng hình, một thanh âm, một nhịp sống - như thể rừng đang cất lên bản giao hưởng riêng, từ rộn ràng đến lặng sâu.
Có những loài chim quen thuộc: cò, vạc, le le, cồng cộc… Nhưng ở Tràm Chim, chúng không chỉ là cái tên trong sách sinh học. Chúng là biểu tượng của mùa màng, của nhịp điệu sống, của sự hồi sinh. Mùa chim về đông, từng đàn phủ kín bầu trời, đậu trắng lau lách. Tiếng kêu vang lên như khúc hát đồng bằng, có nhịp, có hồi, khiến lòng người chùng lại.
Chim đến rồi đi theo mùa. Nhưng chúng để lại điều gì đó rất lạ, một sự tĩnh lặng động đậy, một cảm giác rằng nơi này vẫn còn hoang sơ, vẫn còn nguyên vẹn những điều mà con người không thể dựng lại bằng xi măng, bê tông hay sắt thép. Ở Tràm Chim, chỉ cần ngồi nhìn một cánh chim chao liệng giữa hoàng hôn, là đã đủ khiến lòng mình nhẹ đi một nhịp.
 |
Hoàng hôn ở Tràm Chim như một bức tranh trong thơ Đường - "Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc" |
Rời Tràm Chim khi mặt trời đã ngả bóng về rừng. Trời nhuộm màu mật ong, bóng tràm in dài mặt nước. Cánh chim cuối cùng khuất sau bụi cỏ cao. Tràm Chim không giữ chân người bằng dịch vụ hào nhoáng. Nơi đây níu bước bằng sự tử tế và lặng thầm của đất trời, như một người bạn cũ không nói gì nhiều, chỉ cần hiện diện là đã đủ khiến ta muốn quay lại, sống chậm, và lắng nghe thêm một lần nữa.
Uông Ngọc