Trải nghiệm mùa hè: Dạy trẻ gắn kết với thiên nhiên

12/06/2022 - 06:32

PNO - Thế giới thiên nhiên có thể là người thầy đầu tiên, những khám phá đầu tiên và là tình yêu đầu tiên của chúng ta - của loài người.

Mẹ thiên nhiên dạy cho chúng ta bài học về sự gắn kết và tôn trọng muôn loài, về tính khiêm nhường khi đứng trước sự kỳ thú của núi sông… Chính vì vậy, giáo dục phương Tây luôn đưa hoạt động ngoại khóa ngoài trời vào chương trình học cho trẻ từ mẫu giáo và cấp độ tăng dần theo độ tuổi từ thăm nông trại, làm vườn đến những chuyến đi rừng…

nghỉ hè là dịp để gia đình tôi giúp con mình có được những trải nghiệm thực tế với thiên nhiên
Nghỉ hè là dịp để trẻ em có được những trải nghiệm thực tế với thiên nhiên (ảnh minh họa)

Ở Việt Nam, môn học ngoại khóa khám phá thiên nhiên một cách thực tế và trực quan chưa được đưa vào chương trình học. Đặc biệt, những đứa trẻ lớn lên ở thành phố càng thiệt thòi so với trẻ vùng quê. Vì vậy, nghỉ hè là dịp để gia đình tôi giúp con mình có được những trải nghiệm thực tế với thiên nhiên.

Năm ngoái, ngay khi hết giãn cách xã hội, chúng tôi cũng kịp đưa con đi bộ xuyên rừng leo lên đỉnh Lang Biang. Hành trình đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh khoảng 10km, kéo dài 5 giờ, gồm cả thời gian nghỉ ngơi và ăn trưa dọc đường. Đó là chuyến leo núi đầu tiên của con trai nên tôi cứ đinh ninh con sẽ mệt và chuẩn bị trước tinh thần để động viên. Nhưng khi chuyến đi diễn ra, tôi nhận thấy điều ngược lại. 

Tuy còn nhỏ, nhưng do quen chạy nhảy nên con trai tôi lúc nào cũng đi trước cha mẹ khá xa. Đến những đoạn khó, cậu bé còn đưa tay ra đỡ mẹ. Tôi thực sự cảm động. Tôi cũng thích nhìn cách mà con trai động viên mẹ: “Mẹ ơi, ráng lên, gần đến đỉnh núi rồi!”. Thỉnh thoảng, nghe con yêu cầu chú hướng dẫn cho nghỉ chân, tôi biết cậu bé cũng mệt nhưng không than phiền. Sự quan tâm chân thành đến người khác và tinh thần vượt khó này trẻ con thể hiện rất rõ qua những chuyến đi.

Bên cạnh sự hăng hái, con còn để ý đến mọi thứ dọc đường đi. Khi thấy những cây trơ gốc, con hỏi tôi: “Sao người ta không để cây được sống vậy mẹ?”. Hay khi thấy một vài cọng rác, ban đầu theo thói quen, con cũng nhặt lên và đưa cho chú hướng dẫn nhưng càng lúc thấy rác càng nhiều và không thể nhặt hết, cậu bé chỉ cảm thán: “Sao người ta không bảo vệ trái đất của mình!”.

Sau chuyến leo núi, gia đình tôi còn thám hiểm hang núi lửa ở tỉnh Đắk Nông. Con trai là người nhỏ nhất đoàn nhưng do được học về tinh thần khám phá và độc lập, bé không làm phiền bất kỳ cô chú nào trong đoàn và cư xử như một thành viên trưởng thành. Có những chỗ trèo hơi cao, con được ba và các chú hướng dẫn giúp đỡ để vượt chướng ngại vật.

Đáng nhớ nhất là khi đi sâu vào hang núi lửa, hướng dẫn viên yêu cầu cả đoàn tắt điện thoại, dừng lại và im lặng tuyệt đối để cảm nhận sự tĩnh lặng. Tất cả chúng tôi làm theo, đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được bóng tối dưới hang sâu một cách trọn vẹn, chỉ nghe hơi thở của chính mình. Và con trai tôi, chỉ hơn tám tuổi khi ấy đã có trải nghiệm đặc biệt này.

Làm sao để con trẻ phát triển tất cả giác quan, khả năng quan sát, khám phá, vượt khó, khả năng tận hưởng cuộc sống với tất cả sự giản dị và thô mộc nhất, tinh thần hợp tác…? Tất cả những điều này con trẻ sẽ được học thông qua các chuyến dã ngoại.

Cuộc sống hiện đại đã lấy đi của trẻ con cơ hội được gần gũi thiên nhiên. Suốt năm học, trẻ đã được học nhiều kiến thức từ sách vở, mùa hè là thời điểm để trẻ được học thực tế từ mẹ thiên nhiên.

Nhất Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI