TPHCM - đô thị hiện đại thiếu chỗ vui chơi

29/05/2023 - 06:29

PNO - Từ ngày khánh thành (18/5) đến nay, công viên du lịch sinh thái Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TPHCM) lúc nào cũng đông nghẹt người. Điều này phản ánh phần nào thực trạng của TPHCM lâu nay: thiếu không gian công cộng mát mẻ, rộng rãi để người dân đến vui chơi, thư giãn.

Bãi đất trống thành khu vui chơi

Chiều thứ Bảy, anh Nguyễn Lâm Thanh - 38 tuổi, ở phường Phước Long B, TP Thủ Đức - không biết chở con gái đi đâu ngoài đến bãi đất trống cách khu nhà trọ 500m để thả diều, hóng gió. 

Anh phân trần: “Đi siêu thị thì quá đông người, đi nhà sách thì cần nhiều thời gian để đọc sách cùng con, gần nhà lại không có công viên. Tôi đành chở con ra bãi đất trống này để thả diều. Nhiều người cũng ra đây tập lái xe hơi. Nói chung là mình cũng ráng cho con có cảm giác được đi chơi”.

Trên đường Đỗ Xuân Hợp, cách nhà anh Thanh khoảng 1km, cả tuần nay, có đoàn lô tô về hát, tổ chức trò chơi, thu tiền. Tối đến, người dân xung quanh tụ tập, có hôm đông nghịt, không còn chỗ ngồi, có hôm thưa thớt. Anh Thanh không đưa con gái đến đó do thấy âm thanh ồn ào, không chỗ đi vệ sinh, có nhiều người hút thuốc lá, không hợp với bé 7 tuổi. Anh Thanh và các công nhân thuê trọ gần nhà đều mong có một địa điểm rộng rãi, có cây xanh, có nhiều trò chơi vận động để đưa con đến vui chơi. 

Nhiều gia đình trải bạt ngồi chơi ở các con đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm - ẢNH: THÀNH LÂM
Nhiều gia đình trải bạt ngồi chơi ở các con đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh: Thành Lâm

TPHCM hiện có một số công viên công cộng nhưng tập trung ở nội thành và chủ yếu chỉ là khu đất rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây xanh để đi dạo, tập thể dục. Số khu vui chơi dành cho trẻ em vừa ít, vừa bị xuống cấp, cũ kỹ. Tình trạng người vô gia cư chiếm ghế, người bán hàng rong làm phiền, tình trạng phóng uế bừa bãi vẫn còn xảy ra ở các công viên khiến nhiều người e ngại. Có công viên hiện đại, hoành tráng nhưng lại thiếu bóng cây xanh, như công viên Mê Linh, công viên Bến Bạch Đằng (quận 1). 

Trong khi những không gian công cộng chưa thể đáp ứng được nhu cầu dạo chơi, thư giãn, giải trí cho người dân thì gầm cầu, đường đi bỗng trở thành khu vui chơi tự phát. 

Chiều thứ Bảy, trong cái nóng oi ả, rất đông người tụ tập ở gần chân cầu Ba Son (quận 1), cách công viên Mê Linh chỉ vài trăm mét, trèo qua lan can để ra bờ sông câu cá, đi bộ, chụp ảnh hoặc ngồi ăn uống. “Khu vui chơi” này nằm ở mép sông, khá nguy hiểm. 
 

Người dân tụ tập thả diều ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức vào chiều 20/5 - ẢNH: THÀNH LÂM
Người dân tụ tập thả diều ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức vào chiều 20/5 - Ảnh: Thành Lâm

Bên kia cầu Ba Son, hàng ngàn người tụ tập quanh những con đường như Trần Bạch Đằng, N11, D1, D10 (TP Thủ Đức) để thả diều, ăn uống. Nhiều bãi đất, bãi cỏ, những con đường nhỏ chưa được tráng nhựa cũng được tận dụng làm chỗ ngồi, chỗ chơi. Anh Thanh Phú (quận Bình Thạnh) chọn nơi tương đối vắng vẻ bên đường Trần Bạch Đằng để 2 đứa con nhỏ thả diều: “Để ở nhà, tụi nhỏ coi ti vi, chơi game hoài nên tôi phải đưa ra ngoài. Đến đây chơi cũng tiện vì gần nhà, chỉ cần mua 2 con diều ở Chợ Lớn gần 200.000 đồng”. 

Anh Phú đang nói bỗng dừng đột ngột do diều của con trai anh vướng vào trụ đèn gần đó. Việc thả diều ở đây không mấy an toàn cho người chơi lẫn người tham gia giao thông bởi trẻ chạy theo diều có thể bị xe tông, người chạy xe máy trên đường có thể bị dây diều cứa cổ. 

Mất hút chương trình nghệ thuật

TPHCM từng có nhiều dự án văn hóa, nghệ thuật cho không gian công cộng nhưng sau nhiều năm, vẫn chưa thành hiện thực. Sau hơn 10 năm được đề xuất, vẫn chưa có vườn tượng trong công viên Tao Đàn. Sau 6 năm, con đường âm nhạc vẫn còn bỏ ngỏ. Con đường di sản đờn ca tài tử Nam Bộ vẫn chưa có tín hiệu được hình thành. Hiện trong lĩnh vực văn hóa, chỉ có đường sách đã được hiện thực hóa và hoạt động hiệu quả. 

Với vị trí đắc địa, đường đi bộ Nguyễn Huệ được kỳ vọng là nơi phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân nhưng nay chỉ là nơi chủ yếu để đi dạo. Chỉ nhân các dịp lễ, nơi đây mới có chương trình nghệ thuật miễn phí. 

Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, vào mỗi tối thứ Bảy, đường đi bộ Nguyễn Huệ là điểm hẹn văn nghệ thu hút giới trẻ và du khách. Có 2 sân khấu “mộc” được tổ chức, một bên dành cho các loại hình nghệ thuật truyền thống và bên còn lại là sân chơi để những nghệ sĩ, nhóm nhạc đường phố biểu diễn. Khi dịch bệnh được kiểm soát, 2 sân khấu trên cũng không còn.

Giữa năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM khởi động dự án nghệ thuật Thành phố tình yêu - Lively Sài Gòn, gồm chuỗi các chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại kết hợp tương tác cảnh quan tại các không gian nghệ thuật của các điểm đến văn hóa, lịch sử, thể thao tiêu biểu của Sài Gòn - TPHCM. Chương trình được tổ chức định kỳ mỗi tháng 1 lần ở những địa danh nổi tiếng, quen thuộc. Nhưng, từ đêm nhạc cuối cùng được tổ chức vào tháng 11/2022 cho đến nay, dự án bỗng im bặt. Chương trình Có hẹn với Sài Gòn được tổ chức miễn phí tại bến Bạch Đằng vào mỗi cuối tuần, nay cũng chưa thấy tín hiệu khởi động lại.

Cần nhiều "điểm tạm dừng của đô thị"

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM - nhận định: “Không gian sinh hoạt văn hóa, giải trí công cộng ở TPHCM hiện tại vừa thiếu vừa yếu, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân”. 
 

Trường học bỏ hoang ở xã Quy Đức, huyện Bình Chánh được cải tạo thành công viên cho trẻ em - ẢNH: PHAN TUYỀN
Trường học bỏ hoang ở xã Quy Đức, huyện Bình Chánh được cải tạo thành công viên cho trẻ em - Ảnh: Phan Tuyền

Theo ông, số lượng và diện tích công viên không tăng trong nhiều năm. Những nơi đã có thì chưa có các sản phẩm, khu vực vui chơi đặc thù phù hợp cho các độ tuổi. Đường đi dạo, không gian dành cho biểu diễn nghệ thuật cộng đồng cũng thiếu. 

Ông phân tích thêm, trong khi các khu công cộng, miễn phí có nhiều hạn chế thì các khu vui chơi, sinh hoạt giải trí do tư nhân đầu tư thu phí khá cao, không phù hợp với túi tiền của người lao động bình dân. Sau đại dịch COVID-19, một số khu giải trí của tư nhân không còn hoạt động. Thực trạng thiếu không gian sinh hoạt văn hóa công cộng khiến nhiều gia đình gặp khó khăn khi hè đến, bởi không biết đưa con em đi đâu.

Ông Nguyễn Minh Hòa phân tích thêm: “Những không gian này có nhiều chức năng, trước hết là giúp người dân thư giãn. TPHCM là địa phương có nhịp sống nhanh, áp lực cuộc sống lớn nên việc xả được năng lượng tiêu cực là điều rất quan trọng. Những không gian này cũng tạo điều kiện để kết nối con người với nhau, tạo điều kiện để rèn luyện sức khỏe. Đây là phần mềm của đô thị, điểm tạm dừng của đô thị. TPHCM hiện có không gian này gần như ít nhất so với các đô thị ở Đông Nam Á”.

Thực tế, Đảng bộ, chính quyền cấp thành phố, cấp quận của TPHCM đã quan tâm đến vấn đề này từ nhiều nhiệm kỳ trước, nhưng việc đầu tư còn quá mỏng, bị cắt khúc, chưa đồng bộ. Các ban, ngành, đơn vị dường như vẫn hoạt động riêng rẽ, thiếu liên kết hoặc chưa đồng bộ, nhất quán. Theo ông Nguyễn Minh Hòa, nhất thiết phải đầu tư để tăng số lượng, diện tích và chất lượng các không gian văn hóa công cộng bằng các giải pháp như trả lại diện tích bị đem cho thuê của các công viên hiện hữu, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng công viên, nâng cấp các công viên hiện hữu, xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí… 

Thành Lâm - Diễm Mi

Tiết kiệm ngân sách, huy động nguồn lực xã hội làm công viên

Ngày 18/5, UBND huyện Hóc Môn đã tổ chức khánh thành công viên du lịch sinh thái với tổng mức đầu tư 70 tỉ đồng được lấy từ nguồn tiết kiệm ngân sách của UBND huyện. Công viên này có diện tích khoảng 6,1ha, có quảng trường trên bộ, quảng trường mặt nước, có hội quán, vườn hoa, có 6 nhà thủy tạ, có khu du lịch dịch vụ cùng nhiều công trình phụ trợ khác.

Ở huyện Bình Chánh, UBND huyện có chủ trương huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng các công trình vui chơi, giải trí công cộng. Trong năm 2022, UBND xã Quy Đức đã vận động người dân cải tạo 4 công trình bỏ hoang gồm trường học, văn phòng ấp thành công viên có máy tập thể dục, ghế đá, khu vui chơi thiếu nhi. 

Những năm qua, UBND quận Bình Tân cũng vận động người dân cải tạo bãi rác thành công viên, khu vui chơi, như bãi rác dọc kênh Tham Lương - Bến Cát (khu phố 15, phường Bình Hưng Hòa). Trong năm 2022, UBND quận này đã xây 1 công viên cây xanh với diện tích 3,3ha và sẽ xây thêm 1 công viên 1,5ha vào năm 2023.

H. Lâm - P. Tuyền

 

Hàn Quốc cải tạo công trình cũ thành điểm vui chơi 

Ở nhiều quốc gia, không gian công cộng (KGCC) được xem như “bộ mặt” của thành phố nên được chính quyền đặc biệt chú trọng. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc là hình mẫu về việc xây dựng KGCC theo cách độc đáo, tiết kiệm, đó là cải tạo các cơ sở hạ tầng đã bỏ hoang, xuống cấp. 

Seonyudo - công viên sinh thái đầu tiên ở Hàn Quốc - được cải tạo từ một nhà máy lọc nước nằm trên một bãi nổi của sông Hàn. Khi nhà máy này ngưng hoạt động và di dời đến chỗ khác vào năm 2000, nó được chuyển đổi thành công viên.

Các công trình trong nhà máy nước như trạm bơm gỉ sét được phục dựng thành một khu trưng bày nghệ thuật trong nhà kính, khu lọc nước được phục chế thành khu vui chơi cho trẻ em, trong đó các đường ống được làm thành cầu trượt. Bên trong công viên Seonyudo, còn có Bảo tàng Lịch sử sông Hàn, trưng bày các di sản văn hóa sông Hàn, cung cấp kiến thức về địa chất, các hệ sinh thái xung quanh công viên.

Một KGCC khác được cải tạo từ công trình cũ là công viên Seoullo 7017. “Ốc đảo” cho người đi bộ này thực chất là một cây cầu vượt được xây vào năm 1970 nhưng đóng cửa vào năm 2015. Thay vì phá dỡ, công trình được cải tạo thành một khu vườn trên cao dành cho người đi bộ với nhiều cầu thang, thang máy, thang cuốn và đường dốc kết nối vào các tòa nhà lân cận. Giờ đây, Seoullo 7017 trở thành địa điểm hấp dẫn người dân và du khách nhờ có nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu thư giãn, giải trí, vui chơi, ăn uống. 

Công trình KGCC được cải tạo một cách thần kỳ nhất ở Seoul có lẽ là suối nhân tạo Cheonggyecheon. Dòng suối dài 5,8km chảy qua trung tâm thành phố này vốn là một con đường cao tốc. Ở đây từng có con suối nhưng bị ô nhiễm nên bị san lấp để làm đường.

Từ ngày mất đi dòng suối, mùa hè, Seoul trở nên oi bức nên Thị trưởng Lee Myung Bak đã quyết định phá bỏ con đường cao tốc để khôi phục lại dòng suối. Từ năm 2005 đến nay, khu vực suối Cheonggyecheon trở thành địa điểm tụ tập công cộng lớn của người dân Seoul và là nơi diễn ra rất nhiều lễ hội văn hóa, những buổi trình diễn nghệ thuật, các cuộc triển lãm độc đáo.

H.Nhu (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI