TP.HCM thu hút 'tài năng đặc biệt': Cần phá bỏ cơ chế xin - cho

05/09/2018 - 21:42

PNO - Nhiều câu chuyện được đặt ra tại hội nghị phản biện xã hội đối với đề án thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt, diễn ra chiều 5/9 tại TP.HCM.

Cụ thể, các nhóm lĩnh vực thuộc Đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu giai đoạn 2018-2022 bao gồm: khoa học và công nghệ, hoạch định chính sách và xây dựng hạ tầng đô thị, dịch vụ công (giáo dục, y tế), văn hóa - nghệ thuật và thể dục, thể thao.

Theo đó, tài năng đặc biệt được định nghĩa là sự tổng hợp các phẩm chất, trình độ, tri thức và năng lực đặc biệt của một cá nhân để hoàn thành một hoặc một số nhiệm vụ nhất định trong một ngành, lĩnh vực cụ thể với kết quả xuất sắc vượt trội và có tính sáng tạo tiêu biểu so với mặt bằng chung của xã hội.

Các tài năng đặc biệt sẽ được hỗ trợ ban đầu (áp dụng một lần) 50 triệu đồng; đồng thời, được hưởng mức sinh hoạt phí 20 - 30 triệu đồng/tháng, bao gồm tiền lương hằng tháng và các khoản phụ cấp. Ngoài ra, chính sách tiền thưởng cho những tài năng đặc biệt sẽ được phân chia theo các nhóm đặc thù.

Cụ thể, với các vị trí thu hút để thực hiện sản phẩm, công trình cụ thể được phê duyệt, được hưởng mức tiền thưởng không thấp hơn 50 triệu đồng/người/công trình và tối đa 1 tỉ đồng/người/công trình. Với nhóm nhiều người, mức hỗ trợ không thấp hơn 30 triệu đồng/người/công trình và tổng số tiền phụ cấp không quá 1,5 tỉ đồng. Với các vị trí còn lại, người có tài năng đặc biệt hưởng mức tối đa 1 tỉ đồng/người.

TP.HCM thu hut 'tai nang dac biet': Can pha bo co che xin - cho
Hội nghị phản biện nhiều vấn đề liên quan tới Đề án thu hút, bổi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt

Cần thận trọng!

Những năm qua, đã có không ít văn bản, chủ trương về thu hút, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực cao, nhiều địa phương “trải thảm đỏ” để thu hút, sử dụng nguồn chất xám của trí thức Việt Nam. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Văn Biên, Hội Sinh học: “Nói thẳng ra, những kết quả thu được rất khiêm tốn so với những kỳ vọng đặt ra”.

PGS.TS Phạm Văn Biên dẫn chứng: Trong 4 năm (2014 - 2017), TP.HCM chỉ thu hút 15 chuyên gia (2 người Việt Nam, 5 người nước ngoài, 8 Việt kiều), tới nay chỉ còn 10 người làm việc, chất lượng công việc cũng không phải là hiệu quả lắm. Hay từ năm 2016, thành phố mời các trí thức Việt kiều tham gia “Ngân hàng ý tưởng”, “gỡ rối”, giải quyết một số vấn đề nổi cộm cho thành phố. Ngay lập tức, có 47 ý tưởng được đưa vào “ngân hàng”, nhưng tới nay chưa có ý tưởng nào đi vào thực tiễn cả.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM đưa ra con số khá giật mình: Trong tổng số 616 người thuộc Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP.Đà Nẵng từ năm 2004 đến nay, chỉ có 460 người trở về làm việc, 156 người không rõ đi đâu. Đặc biệt, trong số 460 người trở về, có tới hơn 100 người làm đơn xin rút khỏi đề án. Rất nhiều trong số đó đã phải giải quyết việc chấm dứt cam kết bằng con đường tòa án. Theo thống kê của TAND TP.Đà Nẵng, từ tháng 10/2014 đến 30/4/2015, Tòa án đã thụ lý 15 vụ kiện liên quan đến việc TP.Đà Nẵng khởi kiện các học viên tham gia đề án vi phạm hợp đồng.

PGS.TS Phạm Văn Biên chỉ rõ, thất bại của Đà Nẵng là bài học lớn không chỉ cho TP.HCM mà còn cả những địa phương khác. Theo ông, trước khi đưa ra tiếp những văn bản, chủ trương mới, cần xem xét một cách nghiêm túc, toàn diện, mổ xẻ những nguyên nhân thất bại để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, trượt vào vết xe cũ.

TP.HCM thu hut 'tai nang dac biet': Can pha bo co che xin - cho
PGS. TS Phạm Văn Biên

“Không ai trả mức lương 20- 30 triệu đồng cho tài năng đặc biệt cả”

Tại hội nghị phản biện, nhiều ý kiến cho rằng, cụm từ “tài năng đặc biệt” nghe có vẻ to tát quá, nên sửa lại bằng “người có tài năng”, “nhân tài”… cho phù hợp với tình hình thực tế.

PGS.TS Phạm Văn Biên kể, nếu đúng là “tài năng đặc biệt” như định nghĩa của đề án thì ở nước ngoài, "lương" của họ có thể tới 10.000 - 20.000 USD/tháng chứ không phải ở mức 20-30 triệu đồng/tháng như ở ta. Trong khi đó, nghệ sĩ Quyền Linh chia sẻ, người có tài năng nhiều, nhưng người tài năng đặc biệt rất hiếm. Họ đặc biệt nên rất dễ nhận ra, không cần đi tìm. Hơn nữa, không có ai trả mức “lương” cho tài năng đặc biệt 20-30 triệu đồng/tháng cả. Số tiền mà họ nhận được bên ngoài có khi hàng trăm triệu đồng/tháng, sao “dây” vào đề án này rồi phụ thuộc trăm đường để làm gì.

Quyền Linh nhấn mạnh, trong việc chiêu mộ này, cần phá bỏ cơ chế xin - cho. Phải đi mời, thậm chí năn nỉ người tài về, chứ không phải “thu hút”, theo kiểu “xin - cho”, gửi văn bản đến, yêu cầu họ thi tuyển như đề án đề cập.  

Anh hiến kế: “Phải tìm nhân tài trên từng… centimét, từ thành phố, về huyện, xã, thôn/ấp… Nên thành lập ban truyền thông để đi tìm những người có tài. Hơn nữa, để đề án đến được sâu rộng với người dân. Sở dĩ những chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình, chẳng hạn như Vietnam's Got Talent được nhiều người biết đến là bởi người ta làm theo hướng đó. Nếu như tình hình hiện tại, chỉ có một bộ phận nhỏ tiếp cận được đề án này”.

TP.HCM thu hut 'tai nang dac biet': Can pha bo co che xin - cho
Nghệ sĩ Quyền Linh

Đầu tư có điểm nhấn, không dàn trải

Một số đại biểu bày tỏ về nhóm đối tượng của dự án vẫn còn chung chung, cần đưa ra những dự án ưu tiên, cụ thể, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm của thành phố ở giai đoạn hiện tại, tránh đầu tư dàn trải, thiếu điểm nhấn. Người tài nào giải quyết được nạn kẹt xe? Ai có kế chống ngập thành phố? Ai phát triển được văn hóa truyền thống?...  Sau khi tìm ra, đầu tư thì phải trao quyền quyết định để nhân tài phát huy được hết ý tưởng của mình.

Ngoài ra, do mỗi lĩnh vực, ngành nghề đều có những đặc thù khác nhau về cách chiêu mộ, thu hút cũng như cách phát huy, thành phố không nên ghép chung các lĩnh vực vào cùng một đề án khiên cưỡng, thiếu hợp lý. Việc tuyển chọn nên linh hoạt, tránh cứng nhắc như tuyển công chức, cán bộ.

Luật sư Hậu đặt ra câu hỏi, làm thế nào để đảm bảo công bằng, khách quan trong quá trình thu hút, tuyển dụng và sử dụng nhân tài? Trong thực tế, hiện tượng “con ông cháu cha”, “kéo bè kéo phái” vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nhất là khi đề án đưa ra những lợi ích, chính sách hấp dẫn. Đây là câu chuyện khá nhạy cảm, phải đặt ra chế tài nghiêm khắc với các hiện tượng làm dụng đề án để trục lợi

TS Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đặt ra việc thay đổi cơ chế “khuyến khích ngược”, nghĩa là “làm tốt thì bị phạt, làm không tốt thì được thưởng” như hiện nay. TS Du nhận xét: “Đây không phải là cơ chế dành cho người tài”. Có như thế mới tránh được tình trạng lãng phí chất xám nhân tài, sau khi được tuyển dụng, chỉ biết “đi pha trà, photocophy”.

Hiện, các cơ quan, đơn vị của thành phố đã đề xuất thu hút người có “tài năng đặc biệt” vào 57 vị trí với tổng số lượng tuyển chọn dự kiến 199 người (giai đoạn 2018 - 2020 là 88 người, giai đoạn 2020 - 2022 là 111 người). Thời điểm cụ thể thực hiện chính sách này sẽ được xác định sau khi lấy ý kiến phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, ý kiến của Thường vụ Thành ủy và HĐND TP.HCM.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI