“Tôi muốn là người giám hộ chính mình”

30/10/2016 - 10:16

PNO - Khi đoàn thể thao Saudi Arabia gửi hai nữ vận động viên đến London tham dự Olympic 2012, các giáo sĩ trong nước đã chỉ trích họ là… “gái mại dâm”. 

Suốt ba tháng qua, trên mạng xã hội, phụ nữ ở Saudi Arabia đã kêu gọi phá bỏ quy định buộc họ phải có sự cho phép của người giám hộ (là nam giới trong gia đình) mới được làm những việc hết sức… bình thường. 15.000 người đã ký tên vào bản kiến nghị, một con số ấn tượng khiến mọi người phải nhìn lại quy định giám hộ đã lỗi thời ở Saudi Arabia.

Trong chiến dịch này, thông điệp được nhiều phụ nữ Saudi Arabia nêu lên là: “Tôi muốn là người giám hộ chính mình”, “Tôi muốn là một công dân bình thường, có quyền với bản thân tôi”.

Khác với phụ nữ ở những xã hội bình quyền, phụ nữ Saudi Arabia không có quyền tuyệt đối với bản thân. Luật pháp nước này quy định, mỗi phụ nữ phải có một người giám hộ là nam giới. Sự ràng buộc này kéo dài từ lúc họ sinh ra đến khi qua đời. Nếu chưa lấy chồng, họ cần sự cho phép của người cha. Nếu chồng qua đời, họ cần sự cho phép của con trai hoặc sự đồng ý của người thân là nam giới, thường được gọi là “mahram”. Người phụ nữ không thể kiếm việc, thuê nhà, điều trị bệnh, đi du lịch, tổ chức lễ cưới… nếu người giám hộ chưa đồng ý.

“Toi muon la nguoi giam ho chinh minh”
Có quá nhiều thứ phụ nữ Saudi Arabia không được phép làm - Ảnh: IBT

Nhà hoạt động Aziza al-Yousef, lãnh đạo chiến dịch trên cho biết: “Vấn đề quan trọng nhất là tìm kiếm quyền công dân đầy đủ cho phụ nữ trong mọi khía cạnh cuộc sống. Phụ nữ cần được đối xử như người trưởng thành”. Hiện nay, trong nhiều gia đình, phụ nữ là người đem lại thu nhập chính. Thu nhập của họ thậm chí cao hơn nam giới. Một báo cáo công bố hồi đầu năm cho thấy, tiền lương trả theo giờ của phụ nữ Saudi Arabia hiện cao hơn 6,1% so với mức lương của nam giới.

Năm ngoái, Saudi Arabia còn đưa ra đề xuất ấu trĩ về việc đăng cai tổ chức một kỳ Olympic không có phụ nữ tham gia. Hoàng tử Fahad bin Jalawi al-Saud thừa nhận: “Xã hội của chúng tôi rất bảo thủ”. Khi đoàn thể thao Saudi Arabia gửi hai nữ vận động viên đến London tham dự Olympic 2012, các giáo sĩ trong nước đã chỉ trích họ là… “gái mại dâm”. Những nữ vận động viên này khi thi đấu vẫn có nam giám hộ, dù người này chẳng biết gì về thể thao.

Tháng 12/2015, hai phụ nữ đã được bầu vào bộ máy công quyền ở Saudi Arabia sau khi giành được ghế trong các cuộc bầu cử hội đồng thành phố ở Mecca và Al-Jawf. Đây là lần đầu tiên phụ nữ Saudi Arabia được bỏ phiếu và được ra ứng cử - một cột mốc quan trọng ở đất nước có vô vàn giới hạn với phụ nữ. Phụ nữ nước này luôn phải mặc áo choàng dài màu đen (abaya) và choàng khăn đội đầu che mặt mỗi khi ra ngoài. Thứ duy nhất họ được phép để lộ ra là đôi mắt.

Cảnh sát tôn giáo có nhiệm vụ phạt những phụ nữ để lộ da thịt hoặc trang điểm quá nhiều. Họ bị giới hạn thời gian tiếp xúc với đàn ông. Đây là lý do khiến phần lớn công trình công cộng như văn phòng, ngân hàng, trường đại học đều có lối vào riêng biệt cho nam và nữ. Phụ nữ còn bị cấm đến hồ bơi vì không được phép nhìn đàn ông trong trang phục bơi. Họ không thể thử quần áo trong cửa hàng vì việc này bị cho là nguyên nhân khiến đàn ông phạm tội… xâm hại. Đây cũng là quốc gia duy nhất mà phụ nữ không có quyền lái xe.

Dự kiến, văn phòng của Quốc vương Saudi Arabia sẽ xem xét kiến nghị có 15.000 chữ ký này. Đây không phải lần đầu tiên chiến dịch loại bỏ người giám hộ được phát động. Nhà hoạt động Aziza al-Yousef đã thực hiện chiến dịch này từ 5 năm trước, hiệu ứng xã hội, dư luận trong và ngoài nước ngày càng ủng hộ. Yousef nói: “Chúng tôi luôn hy vọng. Nếu không có hy vọng, chúng tôi sẽ không thể theo đuổi ước mơ đến một ngày mình hoàn toàn tự do sống cuộc đời của mình”.

Anh Thông (Theo Saudi Gazette, Independent, The Week)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI