Tôi không muốn về quê ăn Tết, nhưng lại sợ cha mẹ giận

31/01/2022 - 12:04

PNO - Trăm lý do đưa ra chẳng bằng những lời nói thật, phân tích cặn kẽ cho cha mẹ biết những điều khiến tụi em không yên tâm về quê ăn Tết.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Vợ chồng em vào thành phố lập nghiệp cũng mới chỉ được 5 năm. Tụi em hiện đang có một cháu nhỏ ba tuổi. Gia đình em chưa có nhà, hàng tháng vẫn phải trả tiền thuê một căn hộ chung cư nhỏ.

Đợt dịch hai tháng qua khiến vợ chồng em vô cùng vất vả vì tiền thuê nhà chủ không giảm cho đồng nào, trong khi chỉ còn một đầu lương chồng (cũng giảm 40%) cho mọi chi tiêu. Tụi em đã phải ăn vào khoản tiền tiết kiệm để dành mua nhà mà tháng nào hai đứa cũng nhín ra chút ít suốt mấy năm nay. 

Thời gian đó, bố mẹ ở quê hết sức lo lắng, thường xuyên gọi điện và không an tâm, nên tụi em luôn trấn an cha mẹ rằng mọi việc rất ổn, dịch bệnh khó khăn nhưng không ảnh hưởng  gì đến cuộc sống của gia đình em vân vân...

Tuy nhiên, bây giờ nghĩ đến việc về quê, tụi em rất mệt mỏi và lo lắng. Thứ nhất là nỗi lo về tiền. Tiền vé về quê, tiền biếu quà và mừng tuổi cha mẹ hai bên, các cô dì chú bác, tiền lì xì cho trẻ con... Toàn những khoản rất nặng, không dưới 20 triệu, đó là chưa kể tình hình bệnh dịch. 

Ngay ở Sài Gòn, em cũng hạn chế đi lại, giữ gìn khoảng cách với tất cả mọi người, giờ về tàu xe chen chúc làm sao tránh được. Rồi sợ chính mình mang bệnh về cho cha mẹ.

Thế nhưng ở quê bố mẹ em ngóng lắm, cứ giục mau về. Nay đã 29 Tết, ông bà vẫn còn chờ, bảo là tụi em về mùng mấy cũng được, miễn có về là ông bà vui rồi. Nhà nọ nhà kia con cháu đều đã về hết nên ông bà càng nôn nao chờ đợi. Em vẫn chưa nghĩ ra cớ nào để báo với ông bà là tụi em sẽ không về ăn Tết năm nay. 

Xin chị Hạnh Dung cho em vài lời khuyên để tụi em nói với cha mẹ hai bên, để cha mẹ yên lòng ăn Tết. Tụi em cũng không phải lo lắng, bồn chồn.

Hoài Phương

Hoài Phương thân mến,

Tết là dịp để đoàn tụ gia đình, để cha mẹ con cái ông bà cháu gặp nhau, để người nhà được nhìn thấy nhau, ôm nhau một cái, cảm nhận nụ cười, ánh mắt, sức khỏe của nhau. Hàng trăm lời thăm hỏi qua điện thoại, tin nhắn hay ngay cả video call cũng không bằng một vài ngày được ngồi cạnh nhau.

Tuy nhiên, năm nay, chắc không phải một mình gia đình em mà rất nhiều gia đình nhỏ của những người con xa quê đều phải cân nhắc chọn lựa giữa sự về quê ăn Tết hay ở lại Sài Gòn. Và đại đa số đều vì hai lý do như của các em.

Thu xếp để về quê được vẫn là điều tuyệt vời nhất. Sài Gòn vừa trải qua những ngày sinh tử căng thẳng. Được về với vòng tay gia đình là được tiếp thêm năng lượng cho một năm mới chắc sẽ còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, một năm dịch bệnh kéo dài đã làm kinh tế nhiều gia đình kiệt quệ, nhất là với những người trẻ, sống xa quê nhà như các em. Tình hình dịch bệnh hiện nay, nói theo báo đài là "diễn biến rất phức tạp". Dù có vắc xin bảo vệ, có giữ gìn, nhưng nhiều người vẫn mắc bệnh. Và điều đó càng đáng lo lắng và cân nhắc hơn, khi nhà có trẻ em, quê có cha mẹ già.

Trăm lý do đưa ra chẳng bằng những lời nói thật tình, phân tích cặn kẽ cho cha mẹ biết những điều khiến tụi em lo, không yên tâm để vượt đường xa về nhà. Có điều, nên tăng lý do về bệnh dịch, giảm bớt những trình bày về việc tiết kiệm tiền bạc, cho tế nhị chút, thì hay hơn.

Tụi em có thể chuyển tiền biếu cha mẹ ăn Tết, tiền mừng tuổi ông bà qua ngân hàng điện tử để ông bà cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc của con cái. Đưa con đi dạo chợ hoa, chụp hình hay gọi video call để ông bà nhìn thấy con cháu đang chuẩn bị một cái Tết vui vẻ và bình an như thế nào.

Các em hãy nhớ hết những tục lệ cúng giỗ của quê nhà để chuẩn bị cho tươm tất trong Sài Gòn, và báo cho ông bà biết, để cả nhà hiểu rằng tụi em kính trọng và giữ gìn truyền thống của gia đình, cũng là cách để người lớn thấy tụi em đã hoàn toàn trưởng thành và đang xây dựng một cuộc sống riêng bình an.

Nói tóm lại, hãy thật lòng trình bày với cha mẹ và giúp mọi người ở nhà yên tâm, tin tưởng vào các em. Tất nhiên, không được gặp con cháu, ông bà sẽ có buồn đôi chút là chuyện bình thường. Nhưng khi yên tâm rằng các em vui vẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc, chắc ông bà cũng  sẽ nguôi ngoai.

Các em cũng đừng quá lo lắng, bởi hạnh phúc của các em chắc chắn chính là hạnh phúc của ông bà. Chúc các em có một cái Tết tự lập đầu tiên vui vẻ.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn  gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

 

 

 

 

 

 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI