Tôi giả bộ làm dữ, đòi chia tay, ai ngờ anh... làm thiệt

09/01/2023 - 19:05

PNO - Biết đâu anh ấy cũng chỉ muốn "cho cháu một bài học" để cháu đừng làm mình làm mẩy khi bản thân chưa thể tự quyết chuyện gì.

Cô Hạnh Dung ơi,

Cháu rất yêu anh, nhưng tính anh và cháu có nhiều điểm khác biệt. Anh hơn cháu tới 8 tuổi nên có phần gia trưởng, luôn chủ động quyết định, còn cháu phải nghe theo. Thật ra, cháu thấy đa phần anh quyết định đúng, nhưng điều làm cháu bực là anh coi cháu như trẻ con, không bao giờ hỏi ý kiến hay lắng nghe ý kiến của cháu.

Bạn bè xúi cháu phải làm dữ để thay đổi anh. Cứ chiều theo ý anh mãi thì sẽ tới lúc anh không còn coi cháu ra gì và sẽ bị đàn áp hoài. Cháu nghe lời bạn, yêu cầu anh chia tay với lý do: tính tình không hợp. Ai ngờ, anh đồng ý ngay.

Từ đó đến nay đã 2 tuần, anh thật sự coi chuyện chia tay là chính thức. Cháu nhắn tin hay hỏi han gì, anh thích thì trả lời, không thì im luôn. Hỏi tiếp tới nữa thì anh bảo: Mình chia tay rồi, đừng dây dưa, sẽ rất mệt mỏi. Lần đầu tiên anh làm theo ý em thì em lại không vừa lòng là sao? 

Bây giờ cháu không biết phải làm sao để nối lại tình cảm với anh. Anh dứt khoát quá, cứ như chỉ chờ đợi cơ hội này. Hay anh chán cháu thật rồi hả cô?

Hoàng Hoa (TP Thủ Đức)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cháu Hoàng Hoa thân mến,

Sai lầm của cháu trong tình cảm này là ở chỗ: cháu để cho người khác quyết định thay mình mọi vấn đề, chứ không phải ở chỗ người yêu gia trưởng, như cháu nghĩ. Cô kết luận vậy vì đến một chuyện trọng đại như chia tay người yêu, cháu cũng để bạn bè "xúi" chứ có tự quyết định đâu.

Nếu là người lớn thật sự và có thể tự quyết định được mọi vấn đề một cách đúng đắn, cháu đã thể hiện điều đó với người yêu: nói ra những khác biệt giữa 2 người và đề nghị cùng nhau thay đổi để có thể đến gần nhau hơn, mang niềm vui cho nhau và gắn bó lâu dài.

Trong mọi vấn đề nảy sinh giữa 2 người, cháu có thể nêu ý kiến và tranh luận cho đến cùng những điều cháu thấy đúng đắn và muốn làm theo.

Thế nhưng, dù cháu thấy anh ấy quyết định đa phần là đúng, nhưng vì tính tự ái trẻ con mà cháu không muốn nghe, lại nghe lời bạn bè để quyết định một việc mà chỉ người trong cuộc, tức là cháu và anh ấy, mới hiểu là đúng sai, phù hợp hay không.

Anh ấy nói đúng đấy, một lần cháu tự quyết định thì cháu lại nghe lời người khác mà quyết định sai, thì cháu còn tiếc nuối điều gì? 

Đến tận lúc này, cháu vẫn không nhìn ra sai lầm của mình, vẫn chỉ vì tự ái mà dằn vặt bản thân bằng câu hỏi, phải chăng người đó đang "nhân cơ hội" này mà chia tay?

Có thể điều đó đúng, nếu lâu nay cháu luôn thể hiện bản thân như lần này. Nhưng cũng có thể không phải, biết đâu anh ấy cũng chỉ muốn "cho cháu một bài học" để cháu đừng làm mình làm mẩy khi bản thân chưa thể tự quyết chuyện gì.

Điều nào trong 2 điều trên là đúng, cũng chỉ có cháu phán đoán, phân tích được, để biết mình nên làm gì. Nếu thấy quá chừng khác biệt, quá chừng tự ái, quá chừng ấm ức, thì thôi, cháu hãy buông, để mà nghiền ngẫm bài học và có một bắt đầu mới mẻ, tốt đẹp, hài lòng hơn.

Còn nếu nhận thức được những cái sai của mình và muốn sửa, thì hãy thẳng thắn trò chuyện, nhận sai và thể hiện mong muốn được bắt đầu lại với những thay đổi của cả hai. Nếu cái sự “cho nhau bài học” của cháu và anh ấy giống nhau thì biết đâu “gương vỡ lại lành”.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI