Tiếng Trung, Nga là ngoại ngữ thứ nhất: Trẻ con hay là những "con vịt"?

23/09/2016 - 13:57

PNO - Dù cho đứa trẻ đó học tiếng Nhật, Hàn hay Trung, Nga đi nữa thì chúng vẫn cần tiếng Anh nếu muốn tiếp cận túi khôn nhân loại.

Báo Phụ nữ TP.HCM đăng tải bài viết của chị Nguyễn Thị Thu - hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ môi trường Đại học Tsukuba, Nhật Bản liên quan đến đề án dạy tiếng Trung, Nga (kể cả Nhật, Hàn)…là ngoại ngữ thứ nhất.

Hãy tôn trọng tiếng nói của phụ huynh

Tôi xin được nói lên tiếng nói của mình với tư cách là một công dân, một người mẹ sẽ có con đi học tiểu học ở Việt Nam vài năm nữa. Tôi mong muốn bậc phụ huynh hãy dũng cảm chui ra khỏi sự thờ ơ để nói lên tiếng nói của chính mình trước vận mệnh và tương lai của con em chúng ta.

Cuộc đời con trẻ chỉ có 1 lần, không ai học lại tiểu học hay cấp 2 những 2-3 lần trong đời cả. Như một bà mẹ đã nói tâm hồn đứa trẻ như tờ giấy trắng nhưng viết rồi lại gạch đi viết lại vài lần thì sẽ thành tờ giấy nháp mất.

Chung quy chỉ có chúng ta, các bậc cha mẹ mới là người chịu trách nhiệm chính về cuộc đời của con cái mình. Đã bao đề án làm được vài năm rồi thất bại, hậu quả là những đứa trẻ phải gánh chịu... Tôi trả tiền để con cái được học những gì mà tôi tin rằng, nó thực sự hữu ích cho bản thân nó sau khi ra trường, chứ không phải học rồi để đấy, không phải biến thành những vật thí nghiệm cho đề án.

Tieng Trung, Nga la ngoai ngu thu nhat: Tre con hay la nhung
Chị Nguyễn Thị Thu - nghiên cứu sinh tiến sĩ môi trường Đại học Tsukuba, Nhật Bản.

Nếu tôi có con đang học mà bị ép vào đề án này, tôi sẽ phản đối. Không được tôi sẽ chuyển trường cho con.
Vì sao tôi phản đối đề án dạy Trung, Nga rồi Nhật, Hàn như ngoại ngữ thứ nhất?

Trẻ con hay là những "con vịt"?

- Tôi tưởng tượng đến hình ảnh những đứa trẻ bị đem ra thí điểm đề án chẳng khác gì những con vịt, hôm nay nó bị nhuộm lông màu đỏ, mai không thích các vị lại lôi ra nhuộm lông xanh, lông vàng.

Những con vịt bị nhồi nhét một mớ kiến thức đến mụ mị, chán nản chẳng thiết tha muốn học hành, miệng đầy chữ mà ra đời chẳng kêu nổi một tiếng cho ra hồn.

Xét về mặt đạo đức và nhân văn, việc để con trẻ trở thành vật thí điểm hết đề án này rồi chuyển sang đề án khác mà không cần quan tâm xem tương lai con em rồi sẽ ra sao.

Giáo dục của chúng ta đang gắng nhồi nhét để biến trẻ con thành những "chuyên gia cái gì cũng biết, cái gì cũng chấm mút qua một chút, rồi kết cục là ra đời chẳng biết cái gì, chẳng biết mình giỏi cái gì"?

Đề án tiếng Anh tiêu tốn 9400 tỉ trong 8 năm với kết quả là 90% học sinh thi dưới điểm 5, thậm chí không nói nổi câu tiếng Anh cho ra hồn, rồi tiếng Trung tiếng Nga, tiếng Nhật…

Tiếng Anh chúng ta đã làm quen cũng gần 30 năm mà kết quả còn như vậy. Thử hỏi làm sao chúng tôi tin được vào trình độ giáo viên và chương trình dạy với những môn ngoại ngữ khác. Điều quan trọng nhất là đứa trẻ cần học những gì để chúng có thể sử dụng được khi ra đời.

Tiếng Anh là chính, mọi ngoại ngữ khác chỉ là cánh cửa phụ

Tiếng Anh luôn là cánh cửa chính đưa Việt Nam tiếp cận với thế giới, mọi ngoại ngữ khác chỉ là cánh cửa phụ. Những nước nói tiếng Anh đều đang có nền kinh tế rất phát triển, gương đầu tiên là Singapore, rồi đến top các nước đang phát triển như Malaysia, hay Philipine.

Bản thân nước Nhật không giỏi tiếng Anh nhưng đất nước họ luôn nỗ lực không ngừng để nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh trong nhà trường. Đó là chưa kể nội lực của dân tộc họ đã quá mạnh để không cần dựa vào tiếng Anh vẫn có thể phát triển được.

Tôi bắt đầu học tiếng Nhật từ sau khi tốt nghiệp cấp 3 ở trường Nhật ngữ Đông Du, rồi qua Nhật du học, học thêm gần 2 năm tiếng Nhật để thi vào đại học. Tiếng Nhật chỉ thực sự hữu dụng cho giai đoạn 4 năm đại học, còn bắt đầu từ thạc sĩ đến tiến sĩ, tôi hầu như phải sử dụng tiếng Anh cho nghiên cứu để tiếp cận với các bài báo quốc tế và hội thảo khoa học. Chưa kể là những cuốn sách hay nhất, kho tàng kiến thức đều được viết bằng tiếng Anh.

Ở Nhật, hầu hết các đại học lớn đều có chương trình học bằng tiếng Anh và ngày càng quốc tế hóa nên hầu như học sinh từ master trở đi không cần biết tiếng Nhật vẫn có thể học được.

Dù cho đứa trẻ đó học tiếng Nhật, Hàn hay Trung, Nga đi nữa thì chúng vẫn cần phải có tiếng Anh nếu muốn tiếp cận túi khôn nhân loại. Vậy sao không để nó học tốt tiếng Anh đi rồi cho nó quyền tự do lựa chọn ngoại ngữ thứ hai là những tiếng còn lại. Chỉ khi đứa trẻ giỏi 1 môn, nó mới tự tin để thích học những môn còn lại.

Con tôi ở Nhật, chắc chắn khi về Việt Nam vào năm sau, nó nói tiếng Nhật giỏi hơn tiếng Anh. Nhưng tôi chưa bao giờ chọn tiếng Nhật làm ngoại ngữ thứ nhất cho con, dù sẽ vẫn duy trì tiếng Nhật cho con như ngoại ngữ thứ 2. Cũng vì những lí do tôi đã nói trên.

Các nước khác đều phổ cập tiếng Anh nên họ không cần nhân viên bản địa phải biết tiếng nước họ: Các nước khi đầu tư vào Việt Nam cũng như các quốc gia khác cũng chỉ cần nhân viên nói được tiếng Anh chứ không cần nói tiếng nước họ. Đơn giản là ở nước họ đã và đang tiến tới phổ cập hóa tiếng Anh rồi. Ví dụ những người Nhật đi công tác ở Việt Nam, hầu như họ đều nói được tiếng Anh để giao tiếp chứ không cần thuê nhân viên biết nói tiếng Nhật hoặc nhu cầu thuê rất ít.

Nguyễn Thị Thu


 

news_is_not_ads=
TIN MỚI