Tiếng rao "gieo" nhớ thương vào âm nhạc

11/09/2021 - 17:01

PNO - "Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm bơ", "Hột gà nướng, hột vịt lộn, hột vịt vữa, trứng cút lộn, bắp xào, vịt lộn xào me đây"... tiếng rao thân thuộc với người dân Sài Gòn được đưa vào nhiều ca khúc.

Không biết từ khi nào, tiếng rao hàng rong đã trở thành một trong những thanh âm quen thuộc với người dân Việt. Tiếng rao từ xe bán bánh mì, tiếng chào mời của người bán kem, bán chổi, bán bánh bò, bánh tiêu, đậu hủ nóng... đã đi cùng cùng nhiều thế hệ. Không chỉ tại Sài Gòn, mà ở một số địa phương, tiếng rao hàng rong là "đặc sản" để ai đi xa cũng nhớ về, hoặc ai ghé đến thăm thú một lần đều bị ấn tượng và nhớ thương da diết.

Trong thời gian Sài Gòn thực hiện giãn cách xã hội, tiếng rao từ những chuyến xe hàng rong là thanh âm mà nhiều người muốn được nghe lại. Bởi khi nào được nghe, dù chỉ loáng thoáng bên tai nhưng thanh âm này sẽ như một thông báo rằng Sài Gòn đã mạnh khoẻ hơn. Nhịp sống đã bắt đầu sôi động trở lại.

Thay tâm tư của nhiều khán giả, một số nhạc sĩ, ca sĩ đưa những tiếng rao hàng rong vào các sáng tác khi viết về Sài Gòn. Có sáng tác, tiếng rao như một thành tố quan trọng để giúp lấy cảm xúc người nghe tốt hơn, nhưng có ca khúc, việc đưa vào âm thanh tiếng rao chỉ nhằm mục đích tạo ra thứ âm nhạc đặc biệt, mang văn hoá đường phố Sài Gòn.

MV Sài Gòn lâu phai của rapper Dế Choắt:

 

Mới đây, rapper Dế Choắt ra ca khúc thứ 2 viết về Sài Gòn mùa dịch COVID-19. Khác với sáng tác đầu tiên mang tên Cô Vi đi xa, ca khúc thứ 2 - Sài Gòn lâu phai không có ca từ hay giai điệu hài hước, mà thay vào đó là tâm sự của một người trẻ từng có thời gian sinh sống tại Sài Gòn. 

Dế Choắt viết về nỗi đau của những người đã qua đời vì dịch bệnh, viết về Sài Gòn của những ngày đông đúc trước đây và bày tỏ tình cảm dành riêng cho mảnh đất từng dõi theo những năm tháng anh trưởng thành. Nam rapper cho biết ca khúc này khá nội tâm nên phù hợp cho những người sống chậm, không phải thứ nhạc sôi động và tươi vui. 

Trong Sài Gòn lâu phai, tiếng rao bánh mì được Dế Choắt chèn vào ở đầu ca khúc, bắt tai người nghe ngay từ đoạn intro. Sau tiếng rao, Dế Choắt phát triển nội dung nối tiếp khá phù hợp, ấn tượng: "Và anh lại viết cho Sài Gòn Ngày buồn tháng nhớ năm thương/Dịch COVID không một ai đón sao nỡ làm khó trăm đường".

MV Sài Gòn sẽ ổn thôi:

 

MV Sài Gòn sẽ ổn thôi chèn vào ca khúc nhiều âm thanh của phát thanh viên, giọng nói của một số lãnh đạo đang chỉ thị công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Tiếng rao hàng rong được chèn khá ngắn trong ca khúc, chỉ phụ hoạ cho ca từ nhưng cũng tạo được ấn tượng.

MV Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau:

 

Ca khúc Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau lồng ghép nhiều thanh âm tiếng rao, phản ánh đúng chuẩn đời sống của Sài Gòn ngày chưa có dịch COVID-19 ghé ngang. Nhưng trong sự xôn xao ấy là nỗi buồn vì đã quá lâu, người dân chưa được nghe lại tiếng rao và cũng nhiều tiếng rao rời Sài Gòn đi mất.

Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau là ca khúc mang nhiều tâm sự về cuộc sống và tình người trong đại dịch. Sáng tác được viết dựa trên câu chuyện có thật của một nhóm thiện nguyện, chuyên trao tặng lương thực, thực phẩm cho bà con khó khăn ở Sài Gòn. Đối với các thành viên trong nhóm thiện nguyện này, tiếng rao Sài Gòn là âm thanh đặc biệt, gợi nhiều hoài niệm cũng như ước mơ, mơ một ngày sớm thôi, những tiếng rao biểu trưng cho một thành phố tràn trề nhựa sống, được vang vọng trở lại.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI