Cuộc chơi của giai điệu và bệ đỡ cho sự thành công

08/09/2021 - 12:55

PNO - Nhiều ca khúc của các nhạc sĩ Việt Nam bất ngờ “trỗi dậy” gây sốt trong nước và quốc tế nhờ phần giai điệu được phối lại bắt tai. Từ đó cho thấy sự ảnh hưởng ngày càng lớn của những nhà sản xuất âm nhạc, người đứng sau sự thành công của các sản phẩm.

Những giai điệu gây nghiện
Cứ chill thôi phiên bản remix (phối lại giai điệu) của DJ TuSo & LEA đã ghi tên vào top 200 Ca khúc phổ biến nhất trên Shazam (ứng dụng nhận diện/tìm kiếm bài hát qua giai điệu, hiện có trên một tỷ người dùng trên toàn thế giới) tại 20 thành phố thuộc các quốc gia như: Nga, Venezuela, Peru, Kazakhstan. Ngoài ra, bản remix của ca khúc cũng đang nhận được sự yêu thích trên nền tảng TikTok (xếp hạng 22) ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Thụy Điển… Phiên bản gốc vốn đã mang những giai điệu khá tươi vui. DJ TuSo & LEA phối lại với tiết tấu nhanh và mang vào những nét đặc trưng của âm nhạc điện tử càng khiến người nghe phấn khởi.

MV Cứ chill thôi lọt vào top 200 Ca khúc phổ biến nhất trên Shazam
MV Cứ chill thôi lọt vào top 200 Ca khúc phổ biến nhất trên Shazam

Hai phút hơn của rapper Pháo nổi tiếng trên toàn cầu, đặc biệt được giới trẻ tại Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... yêu thích. Bài hát ra mắt tháng 11/2019, do Pháo sáng tác và thể hiện, nhưng không được chú ý. Sau đó, DJ Masew phối lại theo phong cách future bass xen lẫn chút ma mị ra mắt tháng 2/2020 mới tạo nên cơn sốt trong nước. Chín tháng sau, DJ Kaiz lại thực hiện thêm bản phối mới đậm chất vinahouse (nhạc điện tử thường gắn liền với văn hóa hộp đêm), đã giúp bài hát thực sự “bùng nổ”. Hiện, bản phối này đạt 200 triệu lượt xem trên YouTube. 

Đò sang ngangChiều đồng quê là hai ca khúc trữ tình, quê hương ra mắt cách đây nhiều năm. Trung tuần tháng Bảy, chúng gây sốt trên YouTube và các mạng xã hội với sự thể hiện của H2K, Kunzing. Giọng hát của hai cái tên mới toanh này chỉ ở mức vừa đủ nghe, nhưng bản phối lại khiến người nghe thích thú, khi vẫn giữ được âm hưởng đồng quê, trữ tình, nhưng kết hợp thêm những giai điệu điện tử hiện đại. Một số đoạn H2K xử lý khá thú vị, khi chồng nhiều âm thanh nhạc cụ lên nhau, đưa đẩy tiết tấu nhanh chậm đan xen.

Đầu tháng Tám vừa qua, bảng xếp hạng trending YouTube chứng kiến sự lên ngôi ngoạn mục của Cưới thôi, một sản phẩm kết hợp giữa Masiu và Masew. Chỉ trong chưa đầy một ngày ra mắt, sản phẩm này đã leo gần 20 bậc để vươn lên top đầu xu hướng tìm kiếm. Đặc biệt, tác phẩm này chỉ có giai điệu chứ không có lời.

Hai phút hơn - Pháo, DJ Tuso, LEA:

 

 

Orinn Remix cũng là địa chỉ nghe nhạc quen thuộc của khán giả. Kênh thu hút hơn ba triệu người đăng ký. Tại đây, khán giả có thể tìm thấy những ca khúc quen thuộc với bản phối được làm mới hoàn toàn. Trong đó, phần lớn mang phong cách âm nhạc điện tử hiện đại, giai điệu trẻ trung, bắt tai.

Những “phù thủy” đứng sau sản phẩm

Trước đây, khi nhắc đến một sản phẩm, thường chỉ có tên ca sĩ hoặc nhạc sĩ được đề cập. Nhưng gần đây đã thấy tên nhà sản xuất (NSX) được đặt ngang hàng với ca sĩ. Bấy nhiêu cũng đủ thấy sự ảnh hưởng ngày càng lớn của những người được xem là “phù thủy”, đứng sau sự thành công của các sản phẩm đình đám. Thậm chí, tại các thị trường lớn, ca sĩ chỉ cần đầu tư tiền, NSX sẽ lo toàn bộ từ đầu đến cuối. Hiện, hình thức này cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. 

Một bài hát hoàn chỉnh chỉ có thể ra mắt sau khi qua các công đoạn: sáng tác, demo, phối khí, thu âm, mix và mastering. Mix là khâu dùng kỹ thuật để trộn phối âm thanh, còn mastering là việc xử lý tiểu tiết trong giọng hát, bản phối, đo âm lượng, độ lớn, làm rõ không gian ca khúc để phát lên các nền tảng, hoặc trên các thiết bị nghe nhạc để âm thanh đúng như mong muốn của ca sĩ.

NSX âm nhạc sẽ quản lý hết những khâu này, hoặc có thể trực tiếp tham gia một công đoạn, thường có thể rơi vào khâu phối khí, hoặc sáng tác, vì đây là hai công đoạn thường dễ nắm bắt tinh thần, điều khiển tác phẩm nhất. 

Chi phí sản xuất ca khúc ở thị trường Việt Nam vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực châu Á như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Với vị trí ngày càng được xem trọng, đội ngũ, NSX âm nhạc cũng được thụ hưởng thù lao ngày càng tương xứng. Một NSX cho biết, thù lao của một NSX có tiếng dao động khoảng 30-40 triệu đồng/sản phẩm, và mức thù lao này sẽ tăng tùy theo danh tiếng. 

Theo nhạc sĩ Hoài Sa, áp lực của NSX âm nhạc tại Việt Nam không quá lớn. Chẳng hạn như Âu, Mỹ, hay Hàn Quốc, nơi những hợp đồng làm nhạc trị giá hàng triệu USD, NSX có thể đánh mất sự nghiệp nếu sản phẩm tệ. Nhưng tại Việt Nam, NSX thất bại, vẫn luôn có cơ hội làm lại. Đây là điểm thuận lợi rất lớn.

Cưới thôi - Masew:

 

 

Sự tiện dụng của mô hình phòng thu tại nhà (chi phí thấp, dụng cụ đơn giản) hiện đã giúp rất nhiều người có thể trở thành NSX âm nhạc. Bên cạnh đó, công nghệ số, sự phát triển của các phần mềm đã giúp việc sản xuất âm nhạc Việt Nam dần bắt kịp sự phát triển của thị trường thế giới, nhất là với mảng âm nhạc số, điện tử đang thịnh hành - nơi thiết bị, phần mềm đóng vai trò rất quan trọng. Đây cũng là hướng đi phù hợp, khi việc đầu tư cho những phòng thu, dàn nhạc triệu đô như thế giới vẫn là điều khó với thị trường Việt Nam, nơi mà giá trị kinh tế của âm nhạc vẫn chưa thực sự cao. 

Các NSX âm nhạc Việt Nam, đặc biệt những NSX trẻ khá nhanh nhạy với xu hướng thế giới. Đây là điều tích cực, nhưng đôi khi lại khiến NSX quên đi khả năng định hướng, xây dựng thị trường. Và việc chạy theo xu hướng lại không tìm được cái riêng, dễ khiến NSX bị đuối khi đi đường dài, và thị trường âm nhạc cũng không có bản sắc.

NSX Only C cho rằng lượt xem, hiệu ứng đám đông là tín hiệu vui với người làm nhạc, không phải là tiêu chuẩn, hay thước đo để xác định giá trị âm nhạc và chạy theo. Phong cách, chất lượng là điều quan trọng hàng đầu với một NSX. Theo nhạc sĩ Hoài Sa, điều quan trọng nhất là NSX âm nhạc phải có tầm nhìn để định hướng khi nhận làm sản phẩm, xây dựng đường đi cho nghệ sĩ. Đây là những điều còn thiếu ở một số NSX.

NSX Only C chia sẻ: “Về mặt sáng tạo, tôi tin người Việt không hề thua kém. Tuy nhiên, khâu sản xuất của chúng ta vẫn đang trong quá trình chuyên nghiệp hóa. Chẳng hạn như khâu mixing, mastering, hai thành tố rất quan trọng của việc sản xuất, hiện mới dần được quan tâm đầu tư. Phim ảnh có chuẩn về hình ảnh như 4K, 8K, thì âm nhạc cũng có những tiêu chuẩn nhất định về âm thanh. Trong tương lai, chúng ta cần hoàn thiện hơn nữa”. 

Trung Sơn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI