Một ngày cuối tháng Ba, học sinh khối Bốn Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) và Trường tiểu học Dongsan (Hàn Quốc) đã cùng nhau học tập, trao đổi về văn hóa, địa lý và cuộc sống của mỗi nước thông qua nền tảng Zoom.
Suốt buổi giao lưu, tất cả học sinh đều dùng tiếng Anh, không khí vô cùng sôi động và hào hứng. Kết thúc tiết học, nhiều học sinh bày tỏ sự thích thú khi được kết nối với những bạn từ một đất nước xa xôi. Đây là chương trình “Trường học kết nối”, thúc đẩy hợp tác quốc tế sau khi 2 trường ký kết biên bản thỏa thuận vào cuối năm 2024.
Học sinh tiểu học tự tin giao tiếp tiếng Anh
Cũng trong tháng Ba, phụ huynh lớp 3/1, Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1) háo hức đến trường để học toán cùng con, nhưng điều khác biệt là giờ học này hoàn toàn bằng tiếng Anh. Người đứng lớp là thầy giáo người Mỹ Dewald và cô Phương Thi - giáo viên tiếng Anh của trường, dạy các nội dung về phép nhân.
 |
Học sinh lớp Hai Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1) học toán bằng tiếng Anh - ẢNH: T.H. |
Tại lớp 2/2 và 2/3, bài học về các hình dạng, hình khối cũng được thầy giáo người Mỹ Jeremiah Ruppe và thầy Hùng Sơn - giáo viên tiếng Anh của trường - dạy. Kết thúc giờ học, cả phụ huynh và học sinh đều rất hứng thú, đặt ra nhiều câu hỏi cho các giáo viên.
Cô Huỳnh Nguyên Yến Nhi - Tổ trưởng tổ tiếng Anh nhà trường - cho biết, qua những giờ học mở, nhà trường mong muốn phụ huynh biết được việc học toán bằng tiếng Anh khác gì với học toán bằng tiếng Việt. Đồng thời giúp phụ huynh hiểu rằng chương trình mới đã thay đổi cách dạy, cách học, phương pháp giảng dạy như thế nào…
Bà Phạm Thị Ngọc Điệp - Phó hiệu trưởng nhà trường - cũng thông tin, mục tiêu của lớp học mở là để phụ huynh trực tiếp quan sát, tham gia cùng con vào những loại hình tiếng Anh của trường. Qua đây, phụ huynh biết được năng lực của con, cùng giáo viên bồi dưỡng, phát huy tối đa năng lực này để tiến tới đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Trước đó, học sinh lớp 6/5 Trường THCS Minh Đức (quận 1) cũng được học giờ toán bằng tiếng Anh. Người đứng lớp thầy Trương Quốc Ân, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm của lớp. Tiết học với bài: “Ba điểm thẳng hàng và ba điểm không thẳng hàng” được mở đầu bằng việc giới thiệu một số ứng dụng điểm thẳng hàng trong đời sống. Sau đó, thầy chia lớp thành 6 nhóm để làm việc. Mọi trao đổi, câu hỏi, câu trả lời và các trò chơi trong tiết học đều bằng tiếng Anh... Cuối buổi học, hầuhết học sinh đều rất vui khi hiểu được những câu tiếng Anh mà thầy nói, cũng hiểu được kiến thức môn toán mà thầy dạy.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay: 10 năm trở lại đây, tiếng Anh đã trở thành thế mạnh của học sinh TPHCM. Học sinh sử dụng tiếng Anh như một phương tiện giao tiếp hằng ngày, là một trong những điều kiện quan trọng để giáo dục đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Trước đó, từ năm học 1998-1999, TPHCM đã triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường. Chương trình sử dụng giáo trình nước ngoài với nội dung sinh động, lôi cuốn. Tháng 11/2014, UBND TPHCM phê duyệt đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” tại các trường công lập. Tính đến cuối năm học 2023-2024, toàn thành phố có hơn 40.000 học sinh đang theo học với 100% giáo viên nước ngoài.
Ngoài ra, năm học 2006-2007, thành phố cũng thí điểm mô hình trường tiên tiến, đến nay đã có 69 trường được chấp thuận thực hiện. Các trường đi theo chủ trương hội nhập quốc tế, chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, dạy học tích hợp, thường xuyên tổ chức nhiều buổi giao lưu, hợp tác quốc tế về giáo dục, văn hóa, học thuật... với các trường ở nước ngoài. Những thành quả này đều là nền tảng để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.
Tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh
Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là một trong những nội dung mới của Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Đào tạo tiếng Anh bắt đầu từ sinh viên sư phạm Về lâu dài, tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền nhận định, để tạo môi trường song ngữ, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cũng cần có trình độ tiếng Anh nhất định. Muốn như vậy, đòi hỏi phải có một chương trình đào tạo bắt nguồn từ trường đại học sư phạm, đào tạo ban đầu cho đội ngũ sinh viên sư phạm. Sau đó là chương trình bồi dưỡng liên tục của các sở, ban, ngành đối với đội ngũ giáo viên đang công tác trong nhà trường. |
Tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 vào tháng 8/2024, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề xuất, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, nhằm phát huy tối đa các nguồn lực, tiếp tục vai trò tiên phong trong các chương trình nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh phổ thông.
Từ sau đề xuất của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, TPHCM đã bắt đầu xây dựng dự thảo tiêu chí đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Khi hoàn tất, sở dự kiến thí điểm ở một số trường học từ năm học 2025-2026.
Tiêu chí sẽ quy định cụ thể số môn học bằng tiếng Anh, thời lượng học sinh sử dụng tiếng Anh… Việc thí điểm dự kiến dùng một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước, kết hợp xã hội hóa, tập trung các yêu cầu về nâng cao năng lực giáo viên, trang bị cơ sở vật chất dạy học hiện đại.
Ở vai trò giáo viên, thầy giáo Nguyễn Trung Hiếu - dạy môn tiếng Anh của Trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4) - còn băn khoăn khi chất lượng dạy bộ môn tiếng Anh ở từng địa phương, từng trường học hiện chưa đồng bộ. Chưa kể, việc dạy ngôn ngữ có tính năng khiếu, có giáo viên mạnh về giao tiếp, có người mạnh về phiên dịch. Nếu học sinh học đúng thầy cô mạnh về giao tiếp thì phát triển kỹ năng nghe nói tốt hơn.
Từ đó, thầy đề xuất: “Để thực hiện tốt đề án, cần đảm bảo yếu tố cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và số lượng học sinh mỗi lớp - dưới 35 em/lớp. Vì nếu nhiều hơn thì giáo viên dễ quá tải, khó đạt được chất lượng mong muốn. Mặt khác, mỗi học sinh có khả năng học tập khác nhau nên cần cá nhân hóa yêu cầu cần đạt để học sinh không bị áp lực”.
Bà Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4) - cũng cho hay, để tạo ra môi trường giao tiếp tiếng Anh, thầy cô không chỉ dạy tiếng Anh mà còn lồng ghép tiếng Anh vào các hoạt động giáo dục STEM, STEAM, tạo điều kiện cho học sinh ứng dụng ngoại ngữ vào các môn học khác và tình huống giao tiếp trong thực tế.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) - thông tin, trường sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa các câu lạc bộ (CLB), cuộc thi, hoạt động về tiếng Anh để học sinh rèn luyện nghe nói, giao tiếp tự tin hơn. “Trong khi chờ hướng dẫn cụ thể từ ngành, trường đang chủ động, từng bước thực hiện việc này dựa trên những năng lực, thế mạnh của mình” - bà nói.
Nâng cao năng lực tiếng Anh của giáo viên là chìa khóa thành công Là đơn vị theo mô hình tiên tiến, hội nhập quốc tế, bà Trần Bé Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) - cho biết, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu với các trường tiểu học quốc tế, gần nhất là Singapore và Hàn Quốc. Sắp tới, bên cạnh CLB cho học sinh, trường dự định thành lập CLB giao tiếp tiếng Anh cho giáo viên, để tất cả thầy cô biết cách giao tiếp căn bản, có phản xạ nghe - nói. Bà nhận định: “Lộ trình đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai tuy khó nhưng nếu từng bước làm thì sẽ thực hiện được. Ngành giáo dục cần tạo thuận lợi cho các trường về lực lượng giáo viên tiếng Anh nòng cốt, phải có chế độ đãi ngộ và làm việc tốt để thu hút người giỏi, hỗ trợ phát triển cho học sinh và giáo viên toàn trường”. Bà Nguyễn Đoan Trang cũng thừa nhận nhiều giáo viên ở các môn khác chưa tự tin về khả năng tiếng Anh của mình nên không thể giảng dạy. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua, trường đã giới thiệu và hỗ trợ 5 thầy cô giảng dạy môn toán và khoa học tự nhiên tham gia những khóa nghiệp vụ của trường đại học về cách thức dạy bằng tiếng Anh. Đây sẽ là đội ngũ cốt cán để hỗ trợ các giáo viên khác chủ động, tự tin hơn. Trong tương lai, trường khuyến khích giáo viên dành thời gian tham khảo tài liệu bằng tiếng Anh ở các cuộc họp chuyên môn. Qua đó, tăng vốn từ vựng tiếng Anh kiến thức chuyên ngành. |
Trang Thư
Kỳ tới: Quả ngọt từ phong trào học sinh nghiên cứu khoa học