Tiêm vắc xin COVID-19 giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường

16/06/2021 - 12:12

PNO - Ông Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết, hiện đã có khoảng 1,5 triệu người tiêm vắc xin AstraZeneca. Việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là làm giảm nguy cơ tử vong và gánh nặng cho ngành y tế.

Phóng viên: Thưa ông, vừa qua, nhiều cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM mắc COVID-19 dù đã tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của việc tiêm ngừa này…

Ông Đặng Đức Anh: Cũng giống như các loại vắcxin giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, vắc-xin COVID-19 giúp cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch, chống lại virus gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên, tới nay, trên thế giới, không có loại vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ 100%. Các loại vắc xin phòng COVID-19 hiện nay có hiệu lực bảo vệ từ 60 - 95%, nghĩa là sau khi tiêm chủng, vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp có thể bị bệnh. 

 Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nhận thêm hơn 1 triệu liều vắc xin từ COVAX Facility
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nhận thêm hơn 1 triệu liều vắc xin từ COVAX Facility

Do đó, có thể có trường hợp một người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ngay trước hoặc sau khi tiêm vắc xin. Ngoài ra, nhiều trường hợp người mắc bệnh do chưa đủ thời gian để cơ thể sản sinh ra miễn dịch. Thông thường, sau mũi tiêm thứ nhất, từ 2-3 tuần, cơ thể mới sinh ra kháng thể và đạt hiệu quả cao nhất sau khi hoàn thành mũi tiêm thứ hai; chỉ có một số ít đã được tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh.

Tuy nhiên, cần lưu ý, khi tiêm vắc xin, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề. Hầu như cán bộ, nhân viên y tế ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM mắc COVID-19 tới nay không có biểu hiện bệnh, chỉ có một trường hợp có sốt nhẹ. Tình trạng lâm sàng rất khác so với các bệnh nhân COVID-19 khác đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có các trường hợp nặng, phải thở máy… Giả sử nếu bị nhiễm thì vắc xin vẫn có tác dụng làm bệnh cảnh lâm sàng nhẹ đi, giảm số ca bệnh nặng phải điều trị và nguy cơ tử vong, từ đó giảm gánh nặng cho ngành y tế, đồng thời giúp xã hội sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế. 

* Ông có thể nói cụ thể hơn về hiệu quả của vắc xin AstraZeneca mà Việt Nam đang triển khai tiêm chủng?

- Đối với vắc xin AstraZeneca, theo kết quả của một số nghiên cứu, sau khi tiêm một liều từ 22-90 ngày, vẫn có một số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng số trường hợp tử vong giảm đến 80% so với nhóm không tiêm. Sau khi tiêm đủ hai mũi, số trường hợp tử vong gần như bằng 0. Để đảm bảo hiệu quả tối đa của vắc xin, mỗi người cần phải được tiêm đầy đủ hai mũi vắc-xin và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70 - 85% để có miễn dịch cộng đồng. Sau khi tiêm chủng vắc xin, vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng trước đại dịch COVID-19.

* Vừa qua, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng. Xin ông cho biết, hiện Việt Nam đã nhập được bao nhiêu liều vắc xin và triển khai tiêm cho được bao nhiêu người, tiến độ tiêm chủng có bị chậm không? Đặc biệt, trong thời gian tới, khi lượng vắc xin dự kiến về “ồ ạt” thì kế hoạch tiêm chủng cho người dân như thế nào?

- Trước hết, phải khẳng định, với mật độ bao phủ lên tới 70 - 80% dân số Việt Nam, đây là chương trình tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước tới nay mà chúng ta thực hiện. Thời gian vừa qua, chúng tôi nhận được hơn 1,6 triệu liều vắc xin từ chương trình COVAX và đã phân bổ đi các tỉnh, thành cũng như một số đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, đồng thời chuyển 200.000 liều cho các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Số vắc xin còn lại không nhiều, các địa phương cũng đang triển khai và hoàn thành trong tháng Sáu này.

Vắc xin ngừa COVID-19 có hạn sử dụng tương đối ngắn, khoảng sáu tháng. Cơ sở sản xuất phải mất hai tháng mới chuyển vắc xin về tới Việt Nam nên chúng ta có khoảng 3-4 tháng triển khai. Đặc biệt, vắc xin Pfizer có điều kiện tương đối khó khăn, bảo quản ở -70oC. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của họ, vắc xin cũng có thể sử dụng ở 2-8oC trong vòng một tháng nên hy vọng chúng ta có thể triển khai được ở các địa phương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị của Bộ Quốc phòng để bảo quản, vận chuyển vắc xin tới các địa phương. 

* Ông có thông tin chi tiết về số lượng vắc xin sẽ “cập bến” trong thời gian tới?

- Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nhận thêm hơn 1 triệu liều vắc xin từ COVAX Facility, dự kiến vào cuối tháng Sáu và đầu tháng Bảy. Số vắc xin này sẽ được phân cho đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, đồng thời Chính phủ cũng đã mở rộng đối tượng tiêm chủng đối với các tỉnh có dịch.

Trong quý III/2021, dự kiến Công ty VNVC cũng sẽ nhập thêm được 2 triệu liều vắc xin AstraZeneca và phía Pfizer cũng sẽ chuyển cho Việt Nam 3 triệu liều. Số vắc xin còn lại mà Việt Nam đã ký kết mua từ các đơn vị sẽ về trong quý IV. Tuy nhiên, các đơn vị cung cấp có thể thay đổi thời gian vận chuyển vắc xin về Việt Nam bởi việc này còn tùy thuộc vào diễn biến chung của tình hình dịch bệnh trên thế giới. 

* Xin cảm ơn ông! 

Huyền Anh (thực hiện)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI