“Tia chớp” anh hùng sẵn sàng lóe lên trong tất cả nhân quần

13/05/2020 - 09:20

PNO - Tâm điểm của bộ phim là bài giảng nhỏ về chủ nghĩa anh hùng theo cách nhìn mỉa mai đến lạnh lùng nhưng đầy sự chân thành của người Mỹ.

Không chỉ có tất cả yếu tố của một hài kịch giải trí tuyệt vời, bộ phim Anh hùng của đạo diễn Stephen Frears còn đọng lại nơi khán giả một phản ứng dằn vặt khác lạ, bởi thông điệp kỳ quặc thuộc thể trào phúng “nặng đô” của tác phẩm.

Bắt đầu với gương mặt “đau ban” của Dustin Hoffman trong vai Bernie LaPlante, một mẫu đàn ông tồi tệ. Cả đời gã là chuỗi thất bại ê chề: bị vợ “ném” ra ngoài, một kẻ thua cuộc, thất hứa với con trai, tay lừa đảo bị bạn bè xa lánh và “tương lai” là một án tù lơ lửng vì thói ăn cắp vặt.

Vào đêm mưa gió, xe hư, Bernie thất thểu trên con đường vắng, tình cờ chứng kiến tai nạn máy bay khủng khiếp ngay trước mặt. Hết sức miễn cưỡng, gã trở thành người duy nhất có thể cứu những hành khách đang mắc kẹt trong chiếc phi cơ chuẩn bị phát nổ.

Poster phim
Poster phim

Thực hiện “nghĩa cử” bất đắc dĩ xong, Bernie nhanh chóng biến khỏi hiện trường với chỉ một chiếc giày còn lại, cùng vài món tài sản “hôi của”. Trong số những người được cứu, có nữ phóng viên truyền hình Gale Gayley (do Geena Davis thủ vai) rất cảm kích trước hành động cao cả. Do trời tối và không nhận diện được khuôn mặt đầy bùn lúc đó của Bernie, cô đã phát động chiến dịch đi tìm “Thiên thần của chuyến bay 104”. Cả nước “lên đồng” với người đàn ông vô danh ở Chicago đã cứu mạng 54 con người.

Đến khi nhà đài tung phần thưởng trị giá một triệu USD thì người hùng bèn lộ diện. Thế nhưng, đó lại là John Bubber, một mẫu đàn ông tồi tệ khác, cũng là một vai để đời của Andy Garcia điển trai. Kẻ vô gia cư quanh năm ăn ngủ trên xe, hành nghề lái taxi kiếm sống đã cho “anh hùng thiệt” đi nhờ xe vào đêm mưa định mệnh. Bernie đã kể cho Bubber về câu chuyện khó tin của mình, thậm chí, gã còn tặng nốt chiếc giày của mình cho tay tài xế cơ hội. Nhờ vậy, người mạo danh có bằng chứng thuyết phục cho việc bỗng chốc trở thành hình tượng hoàn hảo của một anh hùng.

Diễn trò tử tế khi gợi ý cho các nhà báo nên mang chăn ấm cho người vô gia cư ngay tại buổi họp báo đầu tiên, Bubber đã gây xúc động mạnh. Hắn trở thành “thánh sống” với hàng loạt hoạt động gắn liền với truyền thông sau đó để tiếp tục tạo ra những phép mầu.

Éo le thay, trong khi phải hằng ngày chứng kiến Bubber chiếm “hào quang” của mình trên báo chí, truyền hình, “thiên thần” thực sự của chuyến bay 104 ngày càng lún sâu vào vũng lầy lao lý. Nhưng chính thói xấu trộm cắp của Bernie lại tạo nên bước ngoặt của đời gã. Lúc cứu cô phóng viên, gã đã nhanh tay “thó” luôn chiếc ví của nàng.

Tiêu xài hết tiền mặt, Bernie còn tìm cách tuồn các thẻ tín dụng cho bọn tiêu thụ đồ gian. Nút thắt của câu chuyện anh hùng là đây. Cảnh sát cũng như nữ ký giả Gale dần truy ra uẩn khúc này. Ban đầu, khi biết về nhân thân của Bernie, cô tin một kẻ như gã đang tống tiền “người hùng” bởi suy đoán có thể Bubber đã cuỗm ví của mình chỉ vì quá túng quẫn, rồi bán cho Bernie.

Dân chúng dậy sóng với tường thuật trực tiếp việc “ân nhân vĩ đại” Bubber trèo ra bờ tường một cao ốc toan tự tử. Gale chỉ còn nước phải lôi chính Bernie đến thuyết phục Bubber. Cuộc trao đổi giữa hai kẻ tào lao - diễn ra ở trên cao với phía dưới là quần chúng - kết thúc với một “giao kèo”. Bernie xấu xa đề nghị Bubber tồi tệ cứ tiếp tục “đóng vai” người hùng. Gã sẽ giấu kín bí mật động trời, miễn là “vị anh hùng” phải chu cấp tiền bạc cho đứa con trai gã cho đến khi nó vào đại học.

Hài kịch vô song do Frears tạo ra qua việc thể hiện kịch bản xuất sắc của David Webb Peoples “nặng đô” đến nỗi, nếu được viết ra dưới dạng tiểu thuyết, có lẽ Anh hùng của điện ảnh Mỹ sẽ còn nổi danh hơn cả bộ phim. Từ thời điểm gặp lại nhau trên cao, dường như cả Dustin Hoffman lẫn Andy Garcia đã quên nhân vật của họ. Chuyển biến tâm lý thay đổi khiến cả hai tên đàn ông trở nên đa cảm, rúc vào niềm cô đơn vĩnh hằng.

Hoffman tận hưởng một vai thực sự xấu. Tuy thấp hèn suốt một đời, nhưng những bầm giập trong cuộc sống không phá vỡ được nhân tính Bernie vào hoàn cảnh cấp thiết, cũng như hình ảnh người cha. Con người đầy rẫy mâu thuẫn ấy luôn bất lực trong trách nhiệm tạo dựng một tương lai đàng hoàng cho con cái. Các thói xấu vẫn lấn át, lòng tham vẫn trỗi dậy, ngay cả trong lúc xả thân dũng cảm, nhưng bao giờ gã cũng dạy dỗ điều chính trực cho thằng bé.

Hình ảnh kẻ “ăn mày vinh quang” Bubber qua Garcia cũng lẫn lộn tốt xấu. Trong lúc sắm vai “người hùng” dối trá, chính hắn cũng phải ngạc nhiên về sự quan tâm không hề diễn kịch của mình với người nghèo. Có thể xuất phát từ chính sự đồng cảm khốn khó hoặc cũng có khi hắn bị thôi thúc vô thức để làm điều thiện lành. “Tôi cho rằng có một vị anh hùng trong tất cả chúng ta”, sự châm biếm lên đến đỉnh điểm khi Bubber phát biểu giữa những phân cảnh thực thi vai trò “đại sứ tình yêu”, khiến người xem liên tục cười một cách mếu máo.

Có một tông màu rất tối, nhiều tranh luận khác nhau về bộ phim vào thời điểm ra đời năm 1992. Oái oăm là những mười năm sau, khi Hero của Trương Nghệ Mưu ra đời, người ta mới có được sự so sánh chủ nghĩa anh hùng giữa Đông và Tây. Một đàng được diễn tả hoành tráng trong một tác phẩm chính kịch, chuyển tải những đạo lý thâm sâu về vua tôi, chân mệnh thống nhất thiên hạ… Một đàng, những “anh hùng tình cờ” được người Mỹ đề cao bằng sự hài hước lại là một nỗ lực nhằm giải thích thực tế mỉa mai rằng, ai trong chúng ta cũng có thể làm người hùng. Và, thông điệp lạc quan của bộ phim cũng nêu bật sự hoài nghi thú vị về các “bí ẩn” của những điều được cho là anh hùng. 

Đoàn Phó Ba

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI