Thủy đậu tấn công, hết vắc-xin ngừa bệnh!

15/02/2014 - 07:52

PNO - PN - Từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân bị thủy đậu tại TP.HCM lên đến hàng ngàn người. Nhưng hơn một năm nay, các bệnh viện công đã không còn vắc-xin; trong khi phòng khám tư vẫn còn, nhưng giá chích ngừa lại cao gấp đôi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thuy dau tan cong, het vac-xin ngua benh!

Chăm sóc một ca mắc bệnh thủy đậu tại khoa Nội A BV nhiệt đới TP.HCM

Cô giáo lẫn học trò đều mắc bệnh

Ngày 12/2, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận 40 bệnh nhân (BN) thủy đậu đến điều trị. Việc này đã gây náo động cuộc họp của ban giám đốc bệnh viện sáng 13/2. Tại khoa Nội A, nhiều BN nhập viện khi chưa đủ tuổi chích ngừa, hoặc cả gia đình có đến sáu người nhập viện cùng lúc, một số thai phụ cũng mắc bệnh. Thai phụ H.K.Th. (27 tuổi, mang thai 20 tuần) cho biết, chị là giáo viên của trường mầm non Cát Lái (Q.2), đã lây bệnh từ hai học trò. Chị lo lắng: “Có những lúc sốt đến 39 độ C, nằm miên man, ho và nhức đầu, ói liên tục. Vết bóng nước rất ngứa nhưng không dám gãi, sợ bóng nước lan ra và khi bể sẽ để lại sẹo. Giờ chỉ mong thai không bị ảnh hưởng”.

Khoa Nội A đang điều trị cho hai bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu chưa đủ tuổi chích ngừa (phải từ 12 tháng tuổi trở lên - PV). Mẹ của bé trai Ng.H.L. (10 tháng tuổi, ngụ Q.6) than: “Lúc đầu, bóng nước chỉ nổi ở hai bàn chân, bé tiêu chảy rồi tôi chở đến một số BV nhưng chẩn đoán không ra. Bác sĩ cho thuốc tiêu chảy uống nhưng càng lúc nốt bóng nước trổ ra càng nhiều. Sợ quá, gia đình chuyển bé đến ngay BV Bệnh Nhiệt đới mới biết bé bị thủy đậu”. Mẹ của bé L. cho biết, chị chưa từng bị thủy đậu và cũng không tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai. Nằm cùng phòng với bé L. là bé gái Ph.L. (chín tháng tuổi, ngụ Q.11) bị thủy đậu nặng hơn. Bé L. nổi các nốt bóng nước khắp người và ho nhiều hơn.

Thống kê từ Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới cho thấy, số BN đến khám bệnh thủy đậu bắt đầu tăng nhiều và nhanh kể từ tháng 10/2013. Nếu như tháng 10/2013 chỉ có 235 ca bệnh thì tháng 11 và tháng 12 lần lượt tăng lên 288 và 378. Nhưng đến tháng 1/2014 đã bật lên gần 600 BN và số BN trong tháng 2/2014 đang có xu hướng tăng mạnh hơn.

Thuy dau tan cong, het vac-xin ngua benh!

Một bệnh nhi bị thủy đậu dù chưa đến tuổi chích ngừa ( Chụp tại BV Nhi Đồng 2)

Tình hình người bệnh ồ ạt nhập viện do thủy đậu cũng diễn ra tương tự tại BV Nhi Đồng 2 TP.HCM. Trong tháng Một đã có trên 710 trẻ bị thủy đậu đến khám và chỉ trong 10 ngày đầu của tháng Hai đã có hơn 460 ca. Mẹ của bé trai L.Q. (18 tháng tuổi, ngụ huyện Cần Giờ) cho biết: “Con tôi đã chích ngừa đầy đủ hai mũi vắc-xin thủy đậu nhưng không hiểu sao bé vẫn mắc bệnh. Những nốt bóng nước nổi cả bên phía trong của mi mắt gây ngứa nên bé gãi, khiến mắt sưng húp. Bé bị ho, sốt liên miên nên dễ cáu gắt, chán ăn”. Ngồi ở giường bệnh kế bên, chị Thủy (mẹ của bé L.) trách móc: “Bé mới vừa đủ 12 tháng tuổi, khi đưa đi chích ngừa thì ở đâu cũng nói vắc-xin hết từ lâu”.

BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh thủy đậu do siêu vi gây ra, bệnh thường diễn ra theo mùa, khi thời tiết lạnh, ẩm chuyển sang ấm nóng thì sức đề kháng cơ thể giảm xuống. Khi bị thủy đậu, các bóng nước sẽ gây ngứa khó chịu và sau năm-bảy ngày khi bóng nước tróc vảy mới hết bệnh. Tuy nhiên, vì bóng nước quá ngứa nên người bệnh gãi thì bóng nước vỡ, dễ bị nhiễm trùng da và để lại sẹo xấu. Sang thương lan nhanh và có thể để lại các biến chứng như: nhiễm trùng máu, suy hô hấp, hôn mê, viêm phổi, viêm não và tử vong.

Còn theo BS Đặng Lê Dung Hạnh, Trưởng khoa khám A, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể bị suy dinh dưỡng, trẻ sinh ra nhẹ cân, sinh non, đầu nhỏ, mắt nhỏ. Và, nguy hiểm nhất là thai phụ sắp sinh mà bị thủy đậu sẽ lây cho trẻ vừa sinh ra. Lúc đó, sức đề kháng của trẻ yếu, trẻ càng dễ bị viêm phổi, suy hô hấp từ di chứng của bệnh thủy đậu. Vì bệnh lây qua đường hô hấp và dịch bóng nước nên cách phòng bệnh duy nhất hiện nay là chích vắc-xin ngừa bệnh; thế nhưng các BV đã hết vắc-xin.

“Công” hết, “tư” còn

Sáng 13/2, một số phụ huynh đưa con đến chích vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu thì cô tiếp tân của Viện Pasteur cho biết đã hết vắc-xin và chỉ tay lên một mẫu giấy nhỏ dán trên tường hướng dẫn: “Hiện tại Viện Pasteur hết vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu. Chúng tôi không rõ thời điểm nào có thuốc trở lại. Quý khách có nhu cầu liên hệ vào các số điện thoại sau: 38207150 hoặc 0974975531”.

Tương tự, tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, dù trên bảng niêm yết giá vắc-xin thủy đậu được thay đổi bằng giá mới với loại Varilrix là 410.000đ, và Okavax 480.000đ nhưng nhân viên ở đây cũng cho biết đã hết vắc-xin thủy đậu hơn một năm nay và không biết khi nào có lại. Nhiều BV công như BV Bệnh Nhiệt đới, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2... cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Thuy dau tan cong, het vac-xin ngua benh!

Viện Pasteur TP.HCM thông báo hết vắc-xin thủy đậu và không biết khi nào có lại

Dù các cơ sở công lập hết vắc-xin ngừa thủy đậu từ nhiều tháng nay nhưng ở phòng khám Family Medical Practise (Q.1) vẫn còn vắc-xin. Một nhân viên ở đây báo giá: “Phòng khám vẫn còn vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu, giá 55 USD (khoảng 1,1 triệu đồng)/mũi. Muốn chích vắc-xin hiệu quả phải chích hai mũi và cách nhau một tháng”. Rõ ràng giá vắc-xin ở phòng khám này đắt gấp ba lần so với giá vắc-xin niêm yết ở các BV công (Viện Pasteur TP.HCM chích Varilrix là 370.000đ/mũi, còn Okavax là 480.000đ/mũi). Khi chúng tôi hỏi có phải vắc-xin đang khan hiếm nên phòng khám Family Medical Practise đẩy giá lên không thì nhân viên ở đây cho rằng giá này đã có từ trước.

Vì sao các hãng dược không nhập vắc-xin thủy đậu về Việt Nam? Đại diện hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) và Sanofi Pasteur tại Việt Nam, là hai đơn vị đảm nhận việc phân phối vắc-xin ngừa thủy đậu đều cho biết khá chung chung: do một số hạn chế về năng lực sản xuất, gặp một số khó khăn trong việc cung ứng, vì kế hoạch kinh doanh… nên không nhập về Việt Nam. Ngoài ra, GSK còn cho biết, nhà máy sản xuất vắc-xin thủy đậu để phân phối cho Việt Nam và một số nước bị thiếu hụt do nuôi cấy vắc-xin không đạt. Riêng hãng dược Sanofi Pasteur đã chấm dứt việc nhập khẩu, phân phối vắc-xin Okavax do Công ty Biken của Nhật sản xuất và được Sanofi Pasteur phân phối. Theo chúng tôi được biết, các hãng dược sẽ không nhập vắc-xin thủy đậu về nữa vì số người mắc thủy đậu ở các nước phát triển không nhiều, việc sản xuất sẽ khó có lãi. Vì thế hiện nay các hãng dược đang nghiên cứu sản xuất vắc-xin thủy đậu gộp chung với mũi vắc-xin “ba trong một” là sởi, quai bị, rubella thành “bốn trong một”, người dân thì phải tiếp tục chờ!

BS Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng khoa Nội A, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM băn khoăn: đây là bệnh dễ lây qua đường hô hấp khi hắt hơi, nói chuyện hay hít phải mầm bệnh từ dịch tiết bóng nước. Bệnh có mức độ lây lan rất nhanh nhưng Việt Nam bị động ở khâu chủng ngừa, phòng bệnh vì tất cả vắc-xin ngừa thủy đậu đều nhập từ nước ngoài.

Vấn đề được đặt ra là để đối phó với dịch thủy đậu, tại sao Bộ Y tế không hợp tác với nước ngoài để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin thủy đậu như vắc-xin sởi đã sản xuất thành công, từ đó sẽ không còn tình trạng người dân có tiền vẫn không được chích vắc-xin? Hơn nữa, chỉ có tự chủ động sản xuất vắc-xin mới mong ngăn được bệnh thủy đậu, chứ không thể trông chờ vào các hãng dược nước ngoài. Tại sao ngành y tế không đưa vắc-xin thủy đậu vào chương trình tiêm chủng mở rộng để giảm số người mắc bệnh, đồng thời kiềm giá vắc-xin dịch vụ hoặc ít ra Bộ Y tế phải “cầm cương” trong việc nhập khẩu vắc-xin khi các hãng dược đang bị yếu tố lợi nhuận chi phối quá nhiều?

 Văn Thanh 

BS Nguyễn Trần Nam - Phó khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 2 khuyến cáo: Bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp bởi dịch tiết vùng hầu họng và bóng nước. Đặc biệt những đối tượng gồm: thai phụ, trẻ nhỏ dưới một tuổi, nhất là trẻ sơ sinh, người mắc bệnh mạn tính như: suy thận, viêm gan, nhiễm HIV, ung thư đang trong quá trình hóa trị... sử dụng thuốc ức chế miễn dịch rất dễ mắc bệnh. Người bệnh thường có biểu hiện: sốt nhẹ, đau người, ăn uống kém; trẻ hay quấy khóc, bóng nước nhỏ, nổi rải rác khắp cơ thể và lan nhanh. Trong bóng nước có dịch đục và các bóng nước thường liên kết với nhau, bóng nước to nhỏ không đồng đều trên nền da. Những người bị thủy đậu phải nghỉ học, nghỉ làm để cách ly, không lây bệnh cho cộng đồng. Bệnh này dễ nhầm với bệnh tay-chân-miệng, nhiễm trùng da, bệnh giời leo.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI