Thương trái bần quê

12/10/2021 - 07:51

PNO - Lớn lên, đi Nam đi Bắc, nước này nước kia, thưởng thức nhiều của ngon vật lạ nhưng vẫn không có món ăn nào giữ lại trong ký ức tôi thứ dư vị độc đáo đậm tình quê như trái bần chua thời thơ ấu.

Nắng đỏ gắt rồi mưa giông về. Những ngày trời đất ẩm ương giao mùa thế này dễ khiến đứa con gái nhạy thời tiết như tôi sụt sùi, cảm sốt. Biết tôi sợ thuốc Tây, má sai thằng Út chạy xuống triền sông chỗ đầu doi tìm hái mấy trái bần chín, tuốt thêm mớ bông điên điển đầu mùa về nấu canh chua với mớ bông súng mới hái.

Đây là bài thuốc vã mồ hôi hạ sốt dân gian được truyền miệng từ bà nội tôi.

Rời phố về quê đã mấy tháng nay vì dịch bệnh hoành hành, rất lâu rồi sau nhiều năm phiêu bạt, tôi mới được thưởng thức lại món canh chua bần. Không dưng lòng tôi cứ bồi hồi, bâng khuâng: vị quê sao mà đậm đà, tha thiết quá!

Hồi đó, dưới bến sông quê tôi, bần dĩa mọc nhiều lắm. Không ai biết chúng có mặt tự bao giờ. Má kể hồi má theo ba về xứ này đã thấy dáng cây bần khắc khổ soi bóng xuống mặt sông, thân nhánh chen chúc cùng mấy đám lá nước. Buổi trưa oi nắng, mấy chú thím bán đồ hàng bông gác chèo đậu dưới tán bần thổi lửa nấu cơm. Những chiều mưa rả rích, tàu ghe thương hồ cũng xuôi về đây nương náu. 

Bần thân gỗ giòn, cành lá tua tủa; rễ phụ mọc thành từng cụm quanh gốc nhọn như chông chĩa thẳng lên mặt nước, rễ chính cắm sâu vào lòng đất để đỡ nâng cây. Ở cái thời thiếu củi phải nấu cơm bằng rơm, bà nội tôi vẫn thường nhặt nhạnh nhánh bần để chụm suốt mùa nước lũ. 

Vụ hè thu xong, khi nước tràn đồng cũng là lúc mùa bần chín rộ. Mấy chị em tôi vẫn thường rủ nhau ra sông hái bần về cho má nấu canh chua. Cái món canh chua bần này coi dân dã vậy nhưng lại rất đưa cơm, nhất là ăn kèm món cá kho khô với tóp mỡ nữa thì hết ý.

Món canh chua bần có vị chua đằm, thanh
Món canh chua bần có vị chua đằm, thanh

Cách nấu món canh chua bần của má cũng cực kỳ đơn giản. Cứ bắc nồi nước cho sôi, bỏ vài ba trái bần chín vào nấu mềm rồi vớt ra dầm lấy nước chua.

Rau bổi tùy thích, có gì dùng nấy: từ điên điển, bông súng, rau muống ruộng, bắp chuối, bông so đũa, rau nhút cho đến lục bình non… đều là những thứ rau rất dễ tìm ngoài bờ đê, mương nước. Đợi nước sôi già thì thả cá vô cho ngọt.

Ngon nhất là nấu với cá ngát, cá tra bần, cá bông lau. Không có mấy loại cá đó thì cá lóc, cá trê hay một nắm tép đất cũng ngon không kém. Chờ cá vừa chín tới thì thả rau bổi vào, nêm nếm vừa ăn, rắc thêm ít rau tần dày lá cùng mấy khoanh ớt sừng trâu rồi đem ra thưởng thức.

Món canh mang ra, vị chua đằm, thanh chứ không gắt. Giữa trưa ngày oi bức mà được một chén canh chua bần để húp giải nhiệt thì không còn gì bằng. 

Vụ hè thu xong, khi nước tràn đồng cũng là lúc mùa bần chín rộ
Vụ hè thu xong, khi nước tràn đồng cũng là lúc mùa bần chín rộ

Đối với những đứa trẻ thơ nơi đồng quê lam lũ như chúng tôi, chế biến trái bần thành món ăn là quá công phu. Lũ nhỏ bọn tôi thưởng thức món quà vặt trời ban này theo cách đơn giản hơn. Cứ mỗi lần đi ruộng hoặc đi học về, dẹp cặp sách, đồ đạc xong là chúng tôi đầu trần, chân đất chạy ùa ra triền sông hái trái. Đứa trèo bần, đứa cầm nón lá hứng dưới gốc cây. Trái bần chua quẹt vội vào vạt áo vải xô chấm với muối hột rồi đưa lên miệng cắn.

Quê nghèo, quà vặt thiếu thốn, trái bần ăn với muối hột vừa chát vừa mặn vừa chua, vậy mà bọn tôi thấy ngon đến lạ lùng. Những tiếng cười nắc nẻ. Những cái miệng dính mủ bần đen thui, những cái nhăn mặt rùng mình ở cái thuở hồn nhiên ấy làm đầy trong tôi cả một trời kỷ niệm.

Sau này, đi Nam đi Bắc, nước này nước kia, thưởng thức nhiều của ngon vật lạ nhưng vẫn không có món ăn nào giữ lại trong ký ức tôi thứ dư vị độc đáo đậm tình quê như trái bần chua thời thơ ấu.

Bông bần góp ngon vào những bữa cơm quê  với món gỏi vô cùng đặc sắc: gỏi nhụy bông bần
Bông bần góp ngon vào những bữa cơm quê với món gỏi vô cùng đặc sắc: gỏi nhụy bông bần

Mùa mưa là mùa hoa bần nở. Hoa bần ngoài tím phớt hồng, trong lại trắng tinh khiết, đẹp lạ lùng. Hình ảnh bông bần khoe sắc gần gũi với người dân miền sông nước đến nỗi xuất hiện nhiều trong những vần thơ và câu ca dao êm dịu.

“Cây bần kia hỡi cây bần
Lá xanh bông trắng lại gần không thơm”

Bà nội tôi nói bông bần dù có sắc nhưng không hương. Tưởng chỉ sớm nở tối tàn trong số kiếp vô duyên, nào ngờ bông bần lại góp ngon vào những bữa cơm quê với món gỏi vô cùng đặc sắc: gỏi nhụy bông bần.

Ba tôi kể gỏi bông bần là món ruột của ông nội tôi lúc sinh thời. Mỗi lần lai rai với bè bạn hay họ hàng ở xa về thăm, trên mâm cơm thể nào cũng có món gỏi bần, vài trái bần chua ăn với mắm sống. Cùng với vị đắng lá sầu đâu, ông nội tôi ôm giữ trong mình chút đắng chát vị quê hương, nhắc nhở cháu con không quên nỗi cơ cực của tiền nhân một thời khai hoang mở cõi.

Đói cắn miếng bần chua lét. Khát tách mớ nhụy bần nhai chát ngầm. Da thịt xước xát thì đâm mấy lá bần đắp lên cầm máu vết thương. Cả một đời bần có mặt trong cuộc sống của người dân sông nước quê tôi. Bần bám đất giữ phù sa. Bần chắn sóng chống xói lở. Bần tua tủa nhánh cho củi làm chất đốt. Bần góp mặt trong những bữa cơm quê đượm tình đất, tình người.

Hái mấy nụ hoa bần e ấp màu tím nhạt dưới tán lá xanh để về làm món gỏi nhà quê, tôi nghe con mắm trở mình thơm hương ngào ngạt. Đối với những người con lâu ngày xa xứ, lúc về nhà thì có cần gì mỹ vị cao lương. Chỉ một dĩa mắm sống trộn ướp cho thiệt ngon ăn cặp với món gỏi bần đúng điệu mặn ngọt chua cay là đã thấy đời mình sung sướng. Bởi không dưng mà người ta hay hát: “Muốn ăn mắm sặc bần chua/ Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm”.

Bần chua - mắm sống là món đặc sản độc đáo của bà con miền Tây Nam bộ
Bần chua - mắm sống là món đặc sản độc đáo của bà con miền Tây Nam bộ

Món gỏi bông bần được ướp trộn như hầu hết các món gỏi thông thường. Nhụy bần sau khi được tách, đem rửa với nước muối loãng cho sạch rồi để ráo. Thịt thà, hải sản có gì trộn nấy. Vài con tép bạc đất với miếng thịt ba rọi luộc xắt nhỏ hay gà xé cũng xong. Muốn giòn giòn thì thay ba rọi bằng tai heo. Gia vị thì có giấm, đường, chanh, ớt, thêm chút nước mắm nhĩ và rau thơm. 

Món gỏi bần đem ra nhất định phải có dĩa mắm chốt, mắm rô, mắm sặc… kẹp với trái bần sống xắt lát, vài miếng khế chua thì mới ngon. Vị chát của bông bần hòa cùng vị mặn ngọt chua cay của con mắm nhà quê, đơn giản thôi mà sao ngon lạ lùng, như đánh thức vị giác con người. Ăn chỉ một lần mà như mang trọn hai tiếng quê hương theo ta trong suốt phần đời.

Với những người con miền sông nước Cửu Long như tôi, dù có đi đâu, bao lâu và bao xa, hình ảnh trái bần chín trôi rồi lại tìm về với bãi bồi xóm quê để ươm tiếp một đời xanh tươi giữ đất giữ làng vẫn chảy tràn trong tâm thức. Hình ảnh ấy nhắc nhở chúng tôi về cội nguồn, về đất tổ quê cha để có đi đâu rồi ai cũng nhớ quay về.  

Chiều nay, tôi theo đứa em ra đầu doi hái mấy nụ hoa cuối mùa về đơm món gỏi đồng quê. Gió thổi rì rào, nhánh bần phe phẩy hò reo dưới bến sông như đang chào đón đứa con đi xa đã lâu. Tôi đưa tay chạm nhẹ vào đóa hoa trắng ngần, trong trẻo, bỗng nhớ từng đọc đâu đó rằng: “Chỉ cần với tay chạm lại đóa hoa bần là đã với tay chạm mặt quê hương”. 

Hồ Thị Linh Xuân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI