Thương mại thế giới sẽ đi tiếp không cần Mỹ!

15/03/2017 - 12:21

PNO - Các đối thủ cạnh tranh trong thương mại quốc tế nói rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thu về những khoản tiền đáng lý có thể rơi vào hầu bao các doanh nghiệp Mỹ.

Chuyện gì xảy ra khi Mỹ rút khỏi một thỏa thuận mậu dịch quan trọng như Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)? 

New Zealand khi ấy nắm ngay lấy cơ hội xuất thêm các sản phẩm sữa và pho mat vào thị trường Trung Quốc. Người tiêu dùng Nhật có thể trả tiền ít hơn để mua thịt bò Australia rẻ hơn thịt nhập từ Mỹ. Canada thì nói về việc cung cấp mọi thứ từ nông sản cho đến dịch vụ ngân hàng cho Nhật Bản và Ấn Độ.  

Thuong mai the gioi se di tiep khong can My!
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP ngay sau khi ông ngồi vào Nhà Trắng - Ảnh: Reuters

Tổng thống Donald Trump đã xé bỏ Hiệp định TPP bao gồm 12 thành viên ngay sau khi ông nhậm chức ngày 20/1 và nói đây là một thỏa thuận "kinh khủng" vì nó hút hết lao động của người Mỹ ở nước ngoài. Vấn đề là các nước khác đã sẵn sàng lấp kín khoảng trống Mỹ để lại và thương thảo các thương vụ cắt giảm thuế quan để có thể loại bỏ mọi ưu thế cạnh tranh đối với hàng của Mỹ.

Thuong mai the gioi se di tiep khong can My!
Nhật Bản và các thành viên khác của TPP khẳng định quyết tâm thúc đẩy TPP dù vắng mặt Mỹ - Ảnh: Politico/Getty Images

Hiện tượng này mới bộc lộ trong tuần này ở Chile, nơi hơn một chục quốc gia trong lưu vực Thái Bình Dương nhóm họp tại một khách sạn bên bờ biển để thảo luận về việc thúc đẩy kỷ nguyên hậu TPP.  Trung Quốc, không phải là một nước ký TPP ban đầu, cũng có mặt ở đây để tìm kiếm chia sẻ các hợp đồng. Canada và Mexico cũng làm như vậy. Trong khi Washington thông thường phái một quan chức thương mại cao cấp đến các sự kiện tương tự, thì chính quyền Trump lần này chỉ cử một nhà ngoại giao ở đại sứ quán Santiago (Chile) đến dự.

Thuong mai the gioi se di tiep khong can My!
Cử tri Mỹ phản đối TPP tại Đại hội toàn thể của đảng Dân chủ đề cử bà Hilarry Clinton chính thức làm ứng cử viên tổng thống của đảng ngày 26/7/2016 - Ảnh: AP

Đại diện các nước tham dự hội nghị nói rằng họ không cố gắng giành thị phần của Mỹ. "Ở đây giống như bạn bỏ tiền lên bàn và đẩy về phía chúng tôi", Carlo Dade, giám đốc chính sách thương mại và đầu tư của quỹ Canada West (CWF) ví von.

Về lâu dài, các công ty Mỹ có thể chuyển việc làm và nhà máy ra nước ngoài để giành ưu thế trong các thỏa thuận thương mại nhờ giá thành thấp có thể sản xuất hàng hóa rẻ hơn. Và các ngành của Mỹ, đặc biệt là nông nghiệp, có thể mất hàng tỷ USD một năm khi xuất khẩu hàng.

Nhà Trắng nói rằng thông điệp của Mỹ ở Chile trong tuần này "sẽ nhấn mạnh cam kết của chính quyền Trump tham gia tích cực với tất cả các đối tác châu Á - Thái Bình Dương và ý định của chúng tôi vẫn là một thành viên then chốt của cộng đồng khu vực này".

THIỆN ĐẠO (Theo Politico, Agenda)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI