Thực hư thông tin hai bộ SGK: Bộ đang chơi chữ?

16/02/2016 - 13:18

PNO - Mặc dù khẳng định không có 2 bộ SGK miền Nam và miền Bắc nhưng trong nhiệm vụ của Nhà xuất bản Giáo dục lại có đề cập tới việc này.

Thông tin sẽ có 2 bộ SGK riêng biệt giữa miền Nam - miền Bắc trong thời gian tới khiến dư luận đặt biệt quan tâm trong những ngày qua. Thông tin này xuất phát từ phương hướng nhiệm vụ kế hoạch công tác 2016 của Nhà xuất bản Giáo dục (thuộc Bộ GD&ĐT) gửi rộng rãi tới các đại biểu, cơ quan báo chí trong hội nghị diễn ra vào đầu năm.

Qua đó, Tại phần B (Những công tác trọng tâm trong năm 2016 của NXBGDVN), mục 1.3 – phần sách giáo khoa mới (trang 6) ghi rõ:

"Chuẩn bị tốt mọi điều kiện để sẵn sàng tổ chức biên soạn đồng thời 2 bộ SGK miền Bắc và miền Nam. Phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT TP HCM trong việc tổ chức bộ SGK miền Nam trên cơ sở hợp đồng đã ký kết. Liên kết với Sở GD-ĐT Hà Nội để phối hợp, tạo cơ sở để tổ chức dạy thử nghiệm bộ SGK miền Bắc".

Tuy nhiên, trả lời trên báo Thanh niên ngày 15/2,  Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã lên tiếng bác bỏ thông tin này. Việc lựa chọn sử dụng SGK dựa trên mức độ phân cấp giáo viên, học sinh chứ không có tiêu chí nào để lựa chọn sử dụng SGK theo vùng miền nên sẽ không có chuyện SGK 2 miền Nam - Bắc riêng biệt.

Thuc hu thong tin hai bo SGK: Bo dang choi chu?
Nhiệm vụ của Nhà xuất bản Giáo dục trong năm 2016 (Ảnh: VOV).

Ông Hiển cho biết, chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK đã được nghị quyết của Quốc hội thông qua khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng hoàn toàn không phải nhằm mục đích mỗi miền có một bộ riêng rẽ.

Cũng trong ngày 15/2, Nhà xuất bản Giáo dục - nơi được cho là sẽ in ấn 2 bộ SGK miền Nam, miền Bắc cũng có văn bản gửi tới báo chí, phủ nhận chuyện in ấn 2 bộ SGK riêng biệt ở 2 miền Nam - Bắc. Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục VN - ông Nguyễn Văn Tùng cho hay: “Bản thân chúng tôi cũng bất ngờ trước thông tin này vì chương trình tổng thể chưa ban hành thì việc biên soạn, xuất bản SGK là thông tin thiếu căn cứ thực tế”.

Lời khẳng định của những người đứng đầu trong Bộ GD&ĐT mâu thuẫn với chính phương hướng nhiệm vụ của họ đã đề ra trong năm 2016 khiến dư luận buộc phải đặt dấu hỏi.

Trao đổi với Phunuonline sáng ngày 16/2, ông Cao Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: " Không thể thực hiện SGK phân biệt vùng miền. Việc soạn thảo SGK riêng biệt sẽ không hiệu quả, dễ gây hiểu nhầm về việc chia rẽ khối đại đoàn kết".

Theo ông Nhĩ, chủ chương có nhiều bộ SGK đã có từ lâu nhưng tất cả đều phải dựa trên một "khung" chương trình thống nhất, cả nước phải sử dụng một bộ sách giáo khoa thống nhất. "Xây dựng SGK cũng giống như xây nhà, tuy bên ngoài mẫu mã khác nhau nhưng cũng đều phải được dựng lên từ "gạch; xi măng; cát;...".

Việt Nam là đất nước đa dân tộc, vùng miền nên ngôn từ sử dụng cũng khác nhau vì thế cần phải có chú thích rõ ràng đối với những ngôn từ mang tính chất vùng miền" - ông Nhĩ nói.

Ông Nhĩ nhận định: "Có thể có sự hiểu nhầm trong cách hiểu và diễn đạt về việc có nhiều bộ SGK khác nhau với việc SGK cho từng vùng, miền".

Chi Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI