“Thư viện” xanh bên bờ sông Seine

22/12/2021 - 14:20

PNO - Nếu bảo tàng Louvre là một trong những điểm nhấn của thủ đô Paris thì những quầy sách cũ ở đôi bờ sông Seine chính là biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo của thành phố.

Hoạt động mua bán sách cũ ở đây diễn ra trong sự nhẹ nhàng, thư thái
Hoạt động mua bán sách cũ ở đây diễn ra trong sự nhẹ nhàng, thư thái

Trải dài hơn 4km từ cầu Marie đến cầu Nghệ thuật bên bờ phải sông Seine và từ cầu Sully đến cầu Hoàng Gia ở bờ trái sông là những quầy sách cũ đã ra đời cách đây bốn thế kỷ. Hoạt động mua bán sách ở đây đã có từ thế kỷ thứ XVI. Sau nhiều lần bị nghiêm cấm, mãi đến năm 1859, việc kinh doanh mới đi vào ổn định dưới sự bảo trợ của chính quyền.

Những người bán sách cũ được cấp bốn chiếc thùng sắt ngang 2m, sâu 0,75m để chứa sách cùng bản đồ, bưu thiếp, đồ lưu niệm… Họ không phải đóng thuế, chỉ trả tiền mướn chỗ 100 euro/năm.

Dọc hai bên bờ sông Seine có khoảng 900 chiếc hộp như vậy của 250 người bán, xếp dọc bờ kè sông như những toa xe lửa nhỏ xinh. Có thể nói không đâu trên thế giới có một “thư viện” sách cũ ngoài trời lớn nhất với “view” nhìn ra sông cực kỳ lãng mạn như ở đây.

Hoạt động mua bán sách cũ ở đây diễn ra trong sự nhẹ nhàng, thư thái. Người mua thong thả dạo bờ sông, tìm kiếm những quyển sách mình yêu thích còn người bán cũng tận hưởng niềm vui gặp gỡ, trò chuyện với du khách có cùng thú vui đọc sách.

Những người bán sách cũ ở đây cũng là những trí thức đích thực. Họ là cựu phóng viên các hãng thông tấn, giáo viên triết học, nhạc sĩ, nhà hóa học, thậm chí nhà văn… Họ bán sách không phải để mưu sinh mà chủ yếu vì đam mê sách hoặc muốn tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.

Những cuốn sách bày bán ở mỗi quầy có thể theo gu của từng người chủ, thế nên dạo bước ở đây, du khách không chỉ có cơ hội tìm được những cuốn sách quý hiếm, mua được vài vật phẩm về làm quà lưu niệm mà còn được lắng nghe những câu chuyện, giai thoại hay ho từ cuốn sách do chính người bán chia sẻ.

Các chủ quầy kinh doanh vì đam mê là chính nên ngày mở cửa cũng tùy hứng, không cố định
Các chủ quầy kinh doanh vì đam mê là chính nên ngày mở cửa cũng tùy hứng, không cố định

Đó mới là nét độc đáo, là giá trị vô hình to lớn mà những quầy bán sách cũ dành cho du khách, người đọc. Vì vậy, từ năm 1992, những quầy sách cũ này đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nhà văn Mỹ Ernest Hemingway, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng Joseph Stiglitz… cũng đã từng ghé thăm nơi này. 

Theo quy định, mỗi quầy sách phải mở cửa tối thiểu bốn ngày/tuần và 3/4 lượng sách bày bán phải là sách cũ, các ấn phẩm khác và đồ lưu niệm chỉ được bán có giới hạn. Song như đã nói, do các chủ quầy kinh doanh vì đam mê là chính nên ngày mở cửa cũng tùy hứng, không cố định, tạo ra một sự chờ đợi thú vị cho những vị khách quen.

Hai năm trở lại đây, do dịch COVID-19, hoạt động mua bán ở các quầy sách cũ hai bờ sông Seine rơi vào cảnh ảm đạm khiến nhiều chủ quầy phải đóng cửa. Hơn 20 người đã bỏ cuộc và khoảng mười người khác đã về hưu khiến nhiều quầy sách đành để trống vì không có người quản lý. Tình thế đó buộc Hội đồng thành phố Paris phải tuyển người đứng bán tại 18 quầy sách đang bị bỏ trống, hạn chót đăng ký là ngày 18/2/2022. Kết quả sẽ được công bố vào ngày 11/3/2022. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI