Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ngưng hoạt động hồ đập thủy điện không an toàn

22/11/2013 - 07:48

PNO - Trả lời chất vấn của Quốc hội (QH) về an toàn thủy điện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định hồ đập nào không an toàn thì ngưng hoạt động, đồng thời công khai cho nhân dân biết quy trình vận hành hồ đập, xả lũ này.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chiều 21/11, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cùng một số ĐB khác đã chất vấn Thủ tướng về độ an toàn, hệ lụy mà các công trình thủy điện gây ra cho cuộc sống người dân. Các ĐB đã đề nghị Thủ tướng cho biết biện pháp khắc phục.

Thu tuong Nguyen Tan Dung: Ngung hoat dong ho dap thuy dien khong an toan

Rà soát an toàn thủy điện

 "Thủy điện là tiềm năng, lợi thế lớn của nước ta cần phải khai thác, sử dụng. Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, hiệu quả thì còn tồn tại một số hạn chế yếu kém trong quy hoạch, lập dự án, thi công; di dân tái định cư và môi trường sinh thái" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Thủ tướng nhìn nhận nguyên nhân chủ quan chủ yếu của mặt tiêu cực trên là do yếu kém trong quản lý Nhà nước của Chính phủ và chính quyền địa phương. “Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để khắc phục, hạn chế yếu kém”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng xác định công trình thủy điện phải đảm bảo đầy đủ các hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái và an toàn. Trả lời chất vấn trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo các giải pháp khác phục yếu kém của thủy điện.

Cụ thể, đối với nhà máy thủy điện đang vận hành (268 nhà máy) sẽ rà soát, đánh giá kỹ an toàn hồ đập; cái nào không an toàn thì ngưng hoạt động.

Thu tuong Nguyen Tan Dung: Ngung hoat dong ho dap thuy dien khong an toan
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) chất vấn Thủ tướng về an toàn của các công trình thủy điện

Đồng thời, rà soát bổ sung quy trình vận hành hồ chứa, công khai cho nhân dân biết quy trình vận hành; yêu cầu UBND các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý buộc chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa. Chủ đầu tư nào không làm đúng thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (về hành chính, kinh tế, hình sự).

Thủ tướng cũng cho biết đã có biện pháp nghiên cứu đề xuất chính sách bổ sung đối với hộ nghèo ở những vùng tái định cư có các dự án thủy điện; rà soát và bổ sung cơ chế chính sách để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trồng lại rừng đã mất do thực hiện dự án thủy điện.

Đối với 205 dự án thủy điện đang khởi công xây dựng, Thủ tướng cho biết sẽ rà soát đánh giá xem thiết kế kỹ thuật có an toàn không, nếu chưa thì dừng lại; rà soát phương án tái định cư có đúng chính sách, pháp luật không; phương án trồng lại rừng cụ thể như thế nào; quy trình vận hành hồ chứa phải trình cho cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Siết chặt quy hoạch, đầu tư các dự án thủy điện mới

Báo cáo trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sau khi rà soát thì cả nước còn 248 dự án thủy điện chưa khởi công xây dựng. Đối với những dự án chưa khởi công, sẽ tăng cường quản lý quy hoạch và chấp nhận đầu tư mới, chặt chẽ hơn.

Đối với quy hoạch thủy điện trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm quản lý. Theo Thủ tướng, các dự án thủy điện nhóm B, C thì phải do Bộ Công thương chấp thuận; nhóm A thì Bộ Kế hoạch Đầu tư lập hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Riêng các dự án thuộc thẩm quyền QH thì trình QH thông qua.

Tuy nhiên, “theo như rà soát thì không còn dự án thủy điện nào thuộc thẩm quyền của QH nữa vì những cái lớn chúng ta đã làm hết”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.

Bán cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất cho Nga

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đặt câu hỏi liên quan đến việc quy hoạch các dự án lọc dầu. “Nhiều địa phương không có dầu nhưng vẫn xin được cấp phép xây dựng nhà máy lóc dầu. Xin cho biết ý kiến của Thủ tướng về vấn đề này?”, ông Đồng nói.

Thu tuong Nguyen Tan Dung: Ngung hoat dong ho dap thuy dien khong an toan
ĐB Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi với Thủ tướng liên quan đến quy hoạch các dự án lọc dầu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay Chính phủ đã ban hành quy hoạch về phát triển nhà máy lọc dầu của đất nước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2015.

Dự án thứ nhất là nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành tốt và đạt hiệu quả cao với công suất 6 triệun/năm.

Hiện nay Việt Nam đang đàm phán với đối tác Nga để đối tác được mua cổ phần nhà máy này, rồi sau đó hai bên đưa công suất nhà máy lên 10 triệu tấn/năm. Việc này đã đạt được thỏa thuận của hai tập đoàn nhưng phải chờ hiệp định ký kết của hai nước.

Dự án thứ hai là lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) với sự tham gia của Kuwait (25% vốn), Nhật Bản (40% vốn), Việt Nam (35 % vốn). Hiện dự án này đã khởi công và Chính phủ Kuwait đã cam kết cung cấp dầu thô trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Thứ ba là nhà máy lọc dầu ở Phú Yên có công suất 8 triệu tấn/năm, đang chuẩn bị khởi công.

Thứ tư là nhà máy lọc dầu số 3 ở khu vực Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thứ năm là hai nhà máy lọc dầu ở Cần Thơ và Khánh Hòa nhưng đang gặp khó khăn không thể triển khai được. Chính phủ đang xem xét rút giấy phép.

Một dự án không nằm trong dự án nhưng được sự giới thiệu của Chính phủ Thái Lan ở Nhơn Hội (Bình Định) với công suất 30 triệu tấn/năm. Thủ tướng Chính phủ đang xem xét dự án này sao cho có lợi cho VN và đối tác thì mới triển khai.

Theo NGUYÊN MI - ĐÌNH QUÂN (Thanh Niên)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI