Thu thuế bất động sản: Cần thiết nhưng cân nhắc thời điểm

08/02/2023 - 07:54

PNO - Đề xuất của UBND TPHCM về thu thuế bất động sản mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên và đề xuất của ban soạn thảo Luật Thuế bất động sản về đánh thuế đối với căn hộ có giá trên 50 triệu đồng/m2 đang tạo ra những luồng ý kiến trái chiều.

 

Giá phần lớn căn hộ ở TPHCM, Hà Nội hiện nay ở mức 50 triệu đồng/m2 trở lên, vì vậy các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc lại quy định đánh thuế căn hộ có giá từ 50 triệu đồng/m2 trong dự thảo Luật Thuế bất động sản - ẢNH: B.T.
Giá phần lớn căn hộ ở TPHCM, Hà Nội hiện nay ở mức 50 triệu đồng/m2 trở lên, vì vậy các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc lại quy định đánh thuế căn hộ có giá từ 50 triệu đồng/m2 trong dự thảo Luật Thuế bất động sản - Ảnh: B.T.

Thu thuế để ngăn đầu cơ, thao túng giá

Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành - cho rằng, đánh thuế tài sản bất động sản (BĐS) thứ hai là quan điểm đúng nhưng thời điểm này chưa phù hợp để áp dụng. Hiện thị trường BĐS đang gặp khó khăn, cơ quan quản lý cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý cho doanh nghiệp; nếu không tháo gỡ mà còn thu thêm thuế thì chẳng khác nào “giết” luôn thị trường. 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh thuế căn nhà thứ hai sẽ gây thiệt thòi cho những người có nhu cầu thật sự về nhà ở, phải tích góp cả đời để mua nhà cho con cháu. Nhưng theo ông Lê Hữu Nghĩa, nếu đủ 18 tuổi, con, cháu có thể tách ra, đứng tên chủ sở hữu nhà thì sẽ không bị đánh thuế; chỉ đánh thuế khi 1 người đứng tên chủ sở hữu 2 căn nhà.

Cần tính toán xem khi Luật Thuế BĐS được thông qua và áp dụng (dự kiến năm 2025), mức giá làm căn cứ để thu thuế (50 triệu đồng/m2) có còn phù hợp hay không, nhằm tránh tình trạng phải sửa luật. 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA

Về đề xuất đánh thuế đối với căn hộ có giá trên 50 triệu đồng/m2, ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng, cần có độ mở về mức thu. Chẳng hạn từ 2 - 10% giá trị tài sản chứ không nên cứng nhắc áp mức 10% đối với nhà có trị giá trên 50 triệu đồng/m2. Nên quy định Chính phủ ban hành mức thu và điều chỉnh theo từng thời điểm: lúc thị trường bình thường thì chỉ áp mức thuế 2% để kích cầu, lúc thị trường “sốt” quá thì tăng thuế lên 10% để điều chỉnh giá. Cứng nhắc thu 10% đối với nhà có giá trên 50 triệu đồng/m2 là không hợp lý. Chẳng hạn, chủ căn nhà có giá 10 tỉ đồng phải đóng thuế 1 tỉ đồng trong khi đã phải đóng 2% thuế thu nhập cá nhân là rất vô lý. 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) - đồng tình với đề xuất của UBND TPHCM về thu thuế đối với căn nhà thứ hai bởi vào năm 2021, HoREA từng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất áp thuế tài sản nhằm điều chỉnh thị trường BĐS. 

Theo đó, nếu người nào mua, bán, chuyển nhượng BĐS trong năm đầu tiên thì phải áp mức thuế suất rất cao, sang năm thứ hai, thứ ba thì áp mức thuế cao, còn nếu bán, chuyển nhượng sau 3 năm hoặc chứng minh được nhu cầu chính đáng thì áp thuế suất bình thường. Những người sở hữu nhiều nhà, đất mà không nhằm phục vụ nhu cầu ở, sản xuất, kinh doanh phải chịu thuế lũy tiến theo số lượng BĐS mà mình có. Những người chậm đưa BĐS vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao. Đây là những biện pháp nhằm ngăn tình trạng đầu cơ, thao túng giá. 

Theo ông Lê Hoàng Châu, với đề xuất mới này, khi đánh thuế, cần phân loại tài sản: “Nếu có nhiều tài sản BĐS nhưng đã đưa vào kinh doanh thì không nên đánh thuế bởi họ đã chịu thuế kinh doanh”.  

Chưa đúng thời điểm

Về đề xuất đánh thuế căn hộ có giá trên 50 triệu đồng/m2, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, cần xem xét mức thuế dựa trên diện tích căn hộ, giá trị tài sản; nếu chỉ dựa theo giá mỗi m2 là không công bằng và phi thực tế. Giả sử người dân có 2 căn hộ có giá 50 triệu đồng/m2 nhưng diện tích mỗi căn chỉ 45m2 thì tổng giá trị 2 căn hộ chỉ 4,5 tỉ đồng nhưng phải đóng thuế. Trong khi đó, 1 căn hộ giá chỉ 40 triệu đồng/m2 nhưng diện tích 150m2 thì giá căn hộ là 6 tỉ đồng nhưng lại không đóng thuế. Điều này là không ổn. 

Các chuyên gia cho rằng việc đánh thuế để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản là cần thiết nhưng cần hợp lý, đúng thời điểm - ẢNH: BÍCH TRẦN
Các chuyên gia cho rằng việc đánh thuế để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản là cần thiết nhưng cần hợp lý, đúng thời điểm - Ảnh: Bích Trần

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM - cho rằng, đề xuất của Bộ Tư pháp (về xây dựng Luật Thuế BĐS) là đánh vào nhà có giá trị cao, người giàu và tạo ưu đãi cho người thu nhập thấp. Nhưng thực tế, việc này rất khó thực hiện. Đánh thuế đối với nhà có giá trên 50 triệu đồng/m2 tức là đánh thuế gần như toàn bộ thị trường. Bên cạnh đó, luật này dự kiến đến năm 2025 mới thông qua. Từ đây đến năm 2025, thị trường có thể xuất hiện chiêu trò lách luật, biến giá thành các khoản phí để giá nhà thấp hơn mức phải chịu thuế. Theo ông, việc đánh thuế nhà như trên rất dễ khiến giá nhà tăng do bên bán cộng tiền thuế vào. Giao dịch BĐS đang ảm đạm, nếu áp dụng việc đánh thuế này sẽ khiến thị trường tắc nghẽn thêm. “Cũng nên đánh thuế nhà, nhưng phải theo cách thức và mức độ phù hợp để người dân không thấy đó là gánh nặng” - ông nói.

Ông Trần Khánh Quang - chuyên gia BĐS, Giám đốc Công ty Việt An Hòa - cho rằng, việc đánh thuế là đánh vào sản phẩm BĐS cao cấp, trung cao cấp. Mức đưa ra (50 triệu đồng/m2) là không hợp lý bởi hầu hết căn hộ - nhất là ở TPHCM, Hà Nội - sẽ bị đánh thuế, trong khi mục đích thu thuế là điều tiết và chống đầu cơ căn hộ giá cao, căn hộ cao cấp. Nếu đánh thuế thì mức cơ sở phải trên 70 triệu đồng/m2, gấp đôi mức giá căn hộ trung bình. 

Theo ông, việc đánh thuế như đề xuất không ngăn chặn được tình trạng đầu cơ mà cần thu mức cao hơn, nhưng mức cao hơn lại ảnh hưởng đến thị trường. Mức thu như đề xuất không ảnh hưởng đến thị trường nhiều nhưng sẽ tạo ra tâm lý giá căn hộ sẽ tăng. Ông Trần Khánh Quang nói: “Đây chưa phải là thời điểm hợp lý để đề xuất về thuế, phí liên quan đến BĐS bởi thị trường đang rất khó khăn. Cần xem xét lại đề xuất đánh thuế BĐS thứ hai, bởi việc đầu cơ ở TPHCM ít hơn các tỉnh. Thị trường BĐS các tỉnh giáp ranh TPHCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai đang rất phát triển và dòng vốn đầu tư sẽ chảy về các tỉnh”. 

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, đề xuất thu thuế căn nhà thứ hai vào thời điểm thị trường BĐS đang trầm lắng như hiện nay là chưa hợp lý.  

Cần có cách thu thuế phù hợp

Theo ông Trần Khánh Quang, trong tương lai, đánh thuế BĐS là điều nên làm để ổn định thị trường. Nhưng nhà quản lý phải số hóa BĐS để thu thập đủ các dữ liệu rõ ràng, minh bạch về giá trị, số lượng. Tiếp theo là nguồn thuế thu được phải đưa về để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, mới phát huy tác dụng. 

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cho rằng, việc đánh thuế căn nhà thứ hai sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ tốt hơn so với đề xuất thu thuế đối với nhà có giá trên 50 triệu đồng/m2. Thực ra, tiền để mua là tiền từ thu nhập sau thuế của người dân. Đó là chưa kể, thuế thu nhập cá nhân lại không khấu trừ tiền lãi vay mua nhà. Trong khi đó, người giàu là người đóng thuế nhiều nhất nên cho rằng người giàu dùng đồ cao cấp thì phải chịu thêm thuế là không hợp lý.

Cũng theo ông, vấn đề ở đây là dùng thuế để kiểm soát tình trạng đầu cơ chứ không phải đánh thuế vào người giàu để hạn chế đầu cơ. Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, cần bắt buộc mọi giao dịch BĐS phải qua tài khoản ngân hàng để khai báo thuế, hoàn thiện cơ sở dữ liệu. Thuế là một công cụ của Nhà nước, dù có vai trò rất lớn trong thu ngân sách nhưng không thể vì thế mà tận thu. 

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định: cần thu thuế BĐS phù hợp như các nước có nền kinh tế thị trường. Việc thu thuế BĐS nên tập trung hơn vào những BĐS không được đưa vào sử dụng. Mức thuế hợp lý là khoảng 10 - 20% thu nhập từ khai thác căn nhà đó (dù cho thuê hay không, vẫn nộp). Việc thu thuế BĐS là điều hiển nhiên cần thực hiện chứ không phải chỉ để chống đầu cơ BĐS, giảm giá nhà xuống như mọi người nghĩ. Nếu đánh thuế căn nhà thứ hai, về ngắn hạn, giá BĐS chưa chịu ảnh hưởng nhưng về sau, giá BĐS sẽ phải giảm về mức hợp lý dựa trên khả năng khai thác. 

Với cách thu thuế hiện nay, người đầu tư BĐS đang được hưởng lợi lớn từ Nhà nước và cơ sở hạ tầng mà không phải chịu bất kỳ chi phí nào khác. Khi một con đường cao tốc được mở, doanh nghiệp và người dân đi trên tuyến đường đó phải nộp thuế, phí cầu đường nhưng một người bỏ vốn vào BĐS ở khu vực có đường cao tốc đó chỉ nộp thuế thu nhập cá nhân 2%, sau đó ngồi chờ đất lên giá, có khi lên đến từ 50 - 300%. Điều này là chưa hợp lý. Đánh thuế quá nhẹ nên người đầu tư BĐS càng giàu, càng khai thác BĐS kiếm lời, tài sản càng tăng lên. 

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển

Bích Trần - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI