Thu phí dân phòng hay 'bảo kê'?

04/08/2017 - 10:46

PNO - Nhiều năm nay, hơn 1.500 hộ dân sinh sống tại ấp 4B, xã Bình Hưng, tức Khu dân cư (KDC) Trung Sơn, thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM phải “cắn răng” chịu đựng hoặc nhắm mắt làm ngơ trước chuyện thu tiền “an ninh trật tự”.

Mỗi năm thu ngót nghét 3 tỷ đồng

Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi tháng, họ phải nộp cho lực lượng dân phòng của ấp 150.000đ, hộ nào quên đóng tháng trước, tháng sau sẽ bị truy thu đủ hai tháng là 300.000đ. Chưa kể, các hộ kinh doanh phải đóng mức cao hơn.

Chạy quanh khu vực được mệnh danh là những “con đường sung sướng” - nơi chi chít khách sạn lớn nhỏ - như đường Số 9, Số 7… người dân chỉ dám “thì thào” chuyện thu tiền. “Tụi tôi kinh doanh khách sạn thì phải đóng 500.000đ/tháng. Năm ngoái về đây làm ăn, đã thấy họ thu rồi. Họ nói thu tiền an ninh trật tự chi đó, tôi cũng chả dám hỏi nhiều, mất công phiền phức” - một chủ khách sạn nói.

Thu phi dan phong hay 'bao ke'?
Các khách sạn tại KDC Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM phải đóng phí “an ninh trật tự” 500.000đ/tháng (ảnh lớn) và biên lai thu tiền của đội dân phòng tự quản KDC Trung Sơn (ảnh nhỏ) - Ảnh: Quốc Ngọc

Một hộ dân đưa cho chúng tôi xem biên lai nhận tiền mới nhất vào tháng 7/2017, có mộc vuông của “Đội dân phòng tự quản KDC Trung Sơn”, địa chỉ 23 đường Số 7, ấp 4B, xã Bình Hưng. Nội dung thu trên biên lai đề “Vận động kinh phí hoạt động tổ dân phòng tự quản KDC Trung Sơn nhằm hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự”.

Người dân cho rằng, mức thu vừa vô lý, vừa quá cao. Trong khi các khu vực trung tâm khác của TP.HCM chỉ thu tiền này trên tinh thần “tùy hỷ”, với tần suất mỗi năm chỉ một lần mà thôi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Trứ - Phó trưởng ấp 4B - cho biết, do KDC mới hình thành, tình hình an ninh trật tự phức tạp, số lượng dân phòng luôn thiếu, nên từ năm 2010, ấp xin phép UBND xã Bình Hưng cho thành lập đội dân phòng tự quản. Đội có 24 người, chia làm hai ca trực, mỗi ca 12 giờ.

“Ban đầu, thu 100.000đ/hộ dân, 300.000đ/hộ kinh doanh nhưng sau một thời gian hoạt động, lương anh em thấp nên chúng tôi có họp dân và quyết định lại mức thu như hiện nay là 150.000đ/hộ dân và 500.000đ/hộ kinh doanh, phần lớn là nhà hàng, khách sạn” - ông Trứ giải thích.

Theo thông tin mà chúng tôi có được, tuy là ấp, nhưng KDC Trung Sơn có tới hơn 1.500 hộ, hơn 10.000 dân sinh sống. Chỉ riêng loại hình kinh doanh khách sạn đã có gần 150 hộ đăng ký. Có thể nhẩm tính sơ sơ, số tiền mà ấp thu của người dân để “giữ gìn an ninh trật tự” hàng tháng là hàng trăm triệu đồng. Nếu tính cả năm, số tiền thu đã ngót nghét 3 tỷ đồng.

Dân “thống nhất” nhưng vẫn kêu trời?

Ông Trứ cho rằng tiền thu được chi cho lương của 24 dân phòng, mua sắm thiết bị như bộ đàm, chi phí điện nước sáu chốt gác… và hàng tháng, vẫn nộp bảng thu chi cho công an xã và bí thư chi bộ ấp.

“Dân tự đứng ra tổ chức và đồng ý mức thu. Việc thu chi có công an xã, bí thư chi bộ biết. Mỗi dân phòng lãnh 4 triệu đồng/tháng, còn lại là chi phí khác. Những người thắc mắc là những người mới đến không biết, tưởng mình đi thu tiền bảo kê. Có những người cựu trào sống ở đây không chịu đóng, có nhiều khách sạn cũng đâu có chịu đóng” - ông Trứ nói.

Nhưng số hộ không đóng, theo ông Trứ, chỉ hơn 10% mà thôi. Vậy, chúng tôi lại nhẩm tính, với gần 3 tỷ đồng thu hàng năm, chi lương theo mức mà ông phó trưởng ấp đã nói, tức hơn 1,1 tỷ đồng/năm. Vậy, phần còn lại gần 2 tỷ đồng để dùng cho chi phí khác là chi phí gì? 

Làm việc với phóng viên báo Phụ Nữ ngày 3/8, ông Trương Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Bình Hưng - cho rằng, ấp 4B (KDC Trung Sơn) có diện tích và quy mô dân số tương đương một phường. Sắp tới, còn nhiều lốc chung cư tiếp tục mọc lên. Địa bàn lại giáp ranh Q.7, Q.1, Q.5, Q.8, tức liền kề những khu vực phức tạp, trong khi lực lượng công an khá mỏng, chỉ có hai chính quy và bốn bán chính quy.

“Dân kiến nghị, nên xã cho thành lập tổ dân phòng tự quản hoạt động 24/24 giờ, tuần tra xuyên suốt ngày đêm, khi người dân cần là có mặt. Việc thu chi được quyết toán công khai và do dân đề xuất. Nếu bây giờ người dân có thắc mắc, chúng tôi sẽ phải họp dân lại để thống nhất, đánh giá về hiệu quả của mô hình này” - ông Thành nói.

Khi chúng tôi đặt vấn đề “việc thu tiền dân như thế có đúng quy định”, ông Thành không trả lời trực tiếp câu hỏi, mà tiếp tục nói tránh sang “thực tế khách quan”: xuất phát từ hiện trạng của ấp, cộng với lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự thiếu, mỏng. “Vừa rồi, chúng tôi có kiến nghị lên cơ chế phường, để có thể xây dựng lực lượng bảo vệ dân phố, nhưng lại vướng luật nên chưa được chấp thuận” - ông Thành cho biết.

Có một mâu thuẫn là, tuy từ ấp đến xã luôn khẳng định “có sự đồng ý của dân” và chỉ người mới đến thắc mắc, nhưng chính người đại diện ấp lại cho biết, những người dân “cựu trào” cũng không chịu đóng. Vậy thì phải hiểu thế nào? Hơn nữa, với tốc độ đô thị hóa nhanh như khu Trung Sơn, có nên duy trì “mô hình” đội dân phòng tự quản với cách tổ chức đi thu tiền như tại ấp 4B, xã Bình Hưng? Đó là chưa kể hiệu quả của mô hình này ra sao, có phù hợp quy định pháp lý? 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI