Thời tiết chuyển mùa, phòng bệnh bằng Đông y

28/10/2020 - 12:23

PNO - Hiện nay, thời tiết bắt đầu chuyển sang đông với cái se lạnh buổi sáng, đây là thời điểm dễ bùng phát bệnh về da, xương khớp và cảm cúm… .

 

Hiện nay, thời tiết bắt đầu chuyển sang đông với cái se lạnh buổi sáng. Nhiều nơi gặp mưa, bão. Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên y học cổ truyền Trường đại học Y Dược TP.HCM, đây là thời điểm dễ bùng phát bệnh về da, xương khớp và cảm cúm… 

Sáng 26/10, khu vực khám bệnh của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM có rất đông bệnh nhân. Người đi khập khiễng, người được người thân dìu, người ngồi nhăn nhó vì bị cơn đau nhức xương khớp hành hạ.

Còn ở Bệnh viện Y học cổ truyền Đồng Tháp, những ngày này cũng có nhiều bệnh nhân nhập viện vì đau nhức xương khớp. Ở phòng 16, Khoa Tổng hợp A, bệnh nhân Đỗ Văn Nhuệ, 82 tuổi, xã Long Kiếng, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, nằm rên hừ hừ, cô con gái cứ ngồi xoa bóp chân cho cha liên tục. Ông Nhuệ than: “Hôm qua, chân tôi đã bớt nhức, tưởng êm rồi. Vậy mà sáng nay trời mưa, lạnh hơn thì đau không đi nổi”. 

Tương tự, ở Khoa Da liễu, hay Hô hấp của các cơ sở y tế cũng có rất nhiều người nhập viện vì nổi mề đay, chàm, lên cơn suyễn, viêm phổi… Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, trời lạnh, giao mùa là thời tiết thuận lợi để siêu vi phát tán và gây bệnh. Vào mùa lạnh, người già hay người có bệnh lý xương khớp thường đau nhức khớp, sưng đỏ khớp, vận động khó khăn… 

Mùa đông năm nay bắt đầu vào tháng 11 và kéo dài đến tháng 1/2021. Tuy ở miền Nam, thời tiết theo mùa không rõ như miền Bắc, nhưng nhiệt độ vẫn có sự thay đổi đáng kể, nhất là những cơn mưa, bão, lũ đang dồn dập như hiện nay. 

Y học cổ truyền phân tích: sang đông, cái lạnh bao trùm khắp nơi, nên dễ làm tổn thương thận khí (thận trong ngũ tạng: tâm, can, tỳ, phế, thận), mà tinh khí của thận chính là ngọn lửa, là năng lượng sưởi ấm và thúc đẩy cơ thể hoạt động nhịp nhàng. Do vậy, để phòng bệnh thì vào mùa lạnh, cần phải điều chỉnh lịch sinh hoạt, cũng như chế độ dinh dưỡng để dưỡng thận. Vì thận khí suy rất dễ bị nhiễm bệnh như cảm cúm, đau xương cốt, đau lưng, nhức mỏi…

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ khuyến cáo: để phòng bệnh vào mùa lạnh, cần chú ý nguyên tắc: cân bằng âm dương. Đó là cần chú ý giữ ấm cơ thể và về ăn uống, nên ăn đồ nóng ấm; không ăn những món sống, lạnh. 

Nên tăng cường những thực phẩm có tính bổ dương và bổ thận như: tôm, thịt dê, trứng cút, mộc nhĩ đen, mè đen, gạo lứt đen, đậu đen, rau hẹ, ngó sen, các loại đậu và cũng đừng quên các món rau. Người già chỉ nên ăn uống vừa đủ, không ăn quá no; có thể thay một bữa cơm trong ngày bằng các món cháo cho dễ tiêu hóa, hấp thu. 

Bên cạnh đó, khi ra đường, cần phải giữ ấm cơ thể, quàng khăn cổ, đeo khẩu trang, mặc áo dài tay… Khi ngủ, cũng cần giữ ấm cơ thể, trong đó bảo vệ bàn chân ấm cũng là cách phòng bệnh. Trước khi đi ngủ, nên mát-xa và day ấn vào huyệt dũng tuyền dưới lòng bàn chân. Hoặc có thể tận dụng chiếc máy sấy tóc để sấy cho lòng bàn chân ấm lên, thoa dầu tràm và mang vớ ngủ. Điều này rất tốt cho người già và trẻ em vốn sức đề kháng kém. 

Những cách phòng và trị bệnh mùa lạnh

- Mỗi sáng thức dậy hoặc trước khi ra khỏi nhà vào buổi sáng, nên uống nước ấm pha với mật ong. Có thể thêm vài lát gừng để giữ ấm cơ thể và tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, mật ong và gừng cũng giúp phòng và giảm các triệu chứng về hô hấp như ho, đau họng, có đàm…

- Mùa này, nhiều nơi bị mưa, lũ, người phải trầm mình, lội nước dễ bị nấm chân, gây ngứa, lở, hôi chân. Cách đơn giản là giã lá muồng trâu hay lá ô môi với phèn chua, vắt lấy nước thoa lên vùng da bị tổn thương hoặc nấu phèn chua rồi lau lên da.

- Bị ngứa, nổi mề đay có thể dùng nhiệt từ máy sấy tóc để làm dịu cơn ngứa, và lăn các nốt mề đay. Tuy nhiên, đây chỉ là cách chữa nhất thời, còn trị tận gốc thì cần đến cơ sở y tế để tìm nguyên nhân dị ứng hay do gì khác.

- Không nên tắm khuya hoặc tắm nước lạnh. Đặc biệt, người bệnh suyễn cần tránh nhiễm lạnh. Mùa lạnh, người bệnh suyễn cần giữ thuốc xịt cắt cơn suyễn bên người, vì lạnh là đồng minh của bệnh suyễn.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ

 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI