Thời của vàng nguyên liệu

02/03/2018 - 09:08

PNO - Sau tết Nguyên đán, giá vàng biến động mạnh, trồi sụt thất thường. Hiện tượng giá vàng nguyên liệu cao hơn giá vàng miếng SJC, dù chỉ trong một ngày, cho thấy, thị trường vàng nguyên liệu đang có sự đột phá.

Mãi lực tăng trưởng liên tục

Trước đây, vàng nguyên liệu 9999 (còn gọi vàng bóng ký) luôn có giá thấp hơn vàng miếng SJC. Nhưng vào ngày 28/2, giá vàng nguyên liệu lại cao hơn từ 70.000 - 190.000 đồng/lượng (tùy nơi bán) so với vàng miếng SJC.

Theo  khảo sát của chúng tôi tại các cửa hàng vàng tại TP.HCM, đến ngày 1/3, giá vàng nguyên liệu trở về mức thấp hơn vàng miếng SJC gần 90.000 - 300.000 đồng/lượng (tùy nơi bán). Nhưng, mức chênh lệch hiện nay vẫn không đáng kể  so với bình thường (3 - 4 triệu đồng/lượng).

Thoi cua vang nguyen lieu
 

Nhiều hộ kinh doanh vàng tại vùng ven H. Bình Chánh và đường Phan Văn Hớn, Q.12, TP.HCM cho biết, từ ba, bốn năm nay, lượng vàng nguyên liệu bán ra đều tăng dần. Cụ thể, hai tháng đầu năm 2018, lượng vàng bán ra đã tăng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một hộ kinh doanh vàng ở một quận ngoại thành nói: “Tôi có bán vàng miếng SJC theo kiểu mua đi bán lại cho mối thân quen. Ở bất kỳ thời điểm nào, giá bán ra cũng cao hơn giá SJC niêm yết 500.000 đồng và khi mua vào cũng rẻ hơn 500.000 đồng/lượng.

Từ một, hai năm nay, lượng khách mua vàng SJC giảm và chuyển sang mua vàng nguyên liệu nhiều hơn. Có thể lý do là khách tin tưởng người bán và để hạn chế lỗ vốn”. 

Vàng nguyên liệu tiện tích trữ, mua bán hơn

Theo các hộ kinh doanh vàng, do người mua có xu hướng tích trữ vàng nguyên liệu từ ba, bốn năm nay, nên mới có hiện tượng vàng nguyên liệu đột ngột tăng giá hơn giá vàng miếng SJC, dù chỉ trong một ngày.

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA) - cho biết, trước đây, người dân thích mua vàng miếng SJC vì cho rằng đây là vàng đạt chuẩn nhất, khó bị làm nhái, làm giả. Nhưng hiện nay, người dân đã không còn mặn mà với vàng miếng, thay vào đó chuyển sang mua vàng nguyên liệu, dẫn đến loại vàng này có giá bằng, thậm chí cao hơn vàng miếng SJC. 

Ông Dưng cũng cho biết, nhiều năm trước, khi vàng còn được “thả lỏng”, thị trường vàng có nhiều biến động. Từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được độc quyền sản xuất, mua bán vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng vàng nguyên liệu  nên giá vàng ít biến động hơn.

Từ đó, vàng miếng không còn là kênh đầu tư, phương tiện thanh toán hấp dẫn như trước đây mà chỉ được người dân xem như một tài sản tích trữ để phòng thân.

Giới kinh doanh vàng cũng cho biết, trước đây, SJC có đủ loại 1 lượng và dưới 1 lượng. Tuy nhiên, hiện nay vàng miếng SJC chủ yếu là vàng 1 lượng, loại dưới 1 lượng rất ít. Trong khi đó, đại đa số người dân thường có thói quen tích trữ từng chỉ hơn là mua mỗi lần 1 lượng để dễ tích lũy theo thu nhập hằng tháng và khi cần số tiền nhỏ cũng dễ bán. 

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, việc NHNN hạn chế số nơi kinh doanh vàng miếng cũng ảnh hưởng đến sức mua của loại vàng này. Hiện nay, NHNN chỉ cho phép một số ngân hàng được thu mua vàng miếng, trong khi các ngân hàng này chỉ làm việc giờ hành chính, người dân khó bán khi cần. Ngoài công ty SJC, PNJ, hiện ở TP.HCM chỉ có Công ty vàng Mi Hồng được kinh doanh vàng miếng.  

“Những doanh nghiệp vàng này chủ yếu tập trung tại trung tâm TP.HCM, còn ở các quận vùng ven, huyện ngoại thành hoặc các tỉnh hầu như không có. Vàng nhẫn dễ mua, dễ bán nên người dân đang có xu hướng dự trữ vàng nguyên liệu” - ông Nguyễn Văn Dưng nhận định. 

Thanh Hoa

Ngân hàng Nhà nước quy định sẽ hạn chế mua vàng miếng dưới 1 lượng trong các tổ chức tín dụng. Giới kinh doanh cho rằng, đây là lý do khiến SJC không sản xuất nhiều vàng miếng dưới 1 lượng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI