Thính phòng 'nguyên chất'

10/08/2018 - 16:30

PNO - Ngày 12/8 tới, NSƯT Hồng Vy, NSƯT Đăng Dương và pianist Thuyên Hà sẽ hội ngộ công chúng Sài Gòn trong đêm nhạc 'Tình yêu và đam mê'.

Hồng Vy nói, dẫu chị có làm gì thì vẫn phải quay về với thính phòng cổ điển “nguyên chất”.

Thinh phong 'nguyen chat'

Phóng viên: “Nguyên chất” mà chị nói ở đây là gì?

NSƯT Hồng Vy: “Nguyên chất” về nội dung, ý nghĩa. Tôi không định hướng tới thứ âm nhạc thuần thính phòng, bác học, khó nghe mà sẽ phổ thông hóa bằng âm thanh điện tử; tập trung vào sự tinh tế, tinh thần nhẹ nhàng, đáng để nghe của dòng nhạc này.

Đó là một không gian trữ tình, sâu lắng mềm mại, hoàn toàn thoải mái, đậm chất thiền. Nghệ sĩ hát không vội vàng, nhưng không phải kiểu tỉ tê, rề rà, khiến người nghe khó chịu, mà sẽ thư giãn. Âm nhạc thính phòng hay là ở đó.

* Chị không sợ tính thính phòng bị biến chất ư?

- Không. Âm thanh điện tử chỉ mang tính hỗ trợ để người nghe thấy gần gũi hơn mà thôi. Sự gần gũi đó chính là tính phổ thông, mở rộng biên độ tiếp nhận của khán giả. Một số người cực đoan cho rằng, “mix” như vậy sẽ phá nát chuẩn mực nhạc thính phòng cổ điển, nhưng đó là xu hướng của thế giới.

Ở các chương trình lớn, âm nhạc thính phòng cũng sử dụng micro. Có điều, chiếc micro xuất hiện trong không gian thính phòng sẽ khác với không gian của nhạc pop.

Ở chương trình này, dù sử dụng âm thanh điện tử, tôi sẽ cố gắng đưa nó về chuẩn mực. Âm thanh điện tử giúp làm cho hay và đẹp hơn, nhưng giọng hát đó phải là giọng hát của Hồng Vy chứ không phải cái gì khác. Tiếng piano qua âm thanh điện tử vẫn phải là âm thanh acoustic mộc mạc.

Khi nghe nhạc pop, hay những chương trình ca hát trên truyền hình hiện nay, dễ thấy rằng, các loại giọng đó đều đã được “mix” hết rồi. Ở đây, hiểu nôm na là phóng thanh, nhưng sẽ được làm theo cách nghệ thuật.

* Người ta đang có khuynh hướng “pop hóa” để tiệm cận khán giả. Chị thì ngược lại?

- Pop gần gũi, dân dã, giản dị, dễ chịu; trong khi đó, thính phòng lại tinh tế, âm thanh đẹp, dù khó nghe hơn. Thính phòng và pop đều đề cao cái đẹp ở giai điệu, lời ca, âm thanh phát ra, nhưng pop tiết tấu hơn, dân dã hơn; thính phòng co giãn hơn, biên độ quãng giọng cũng như sắc thái rộng hơn. Mà tôi có làm gì, đưa cái gì vào thì đó vẫn là âm nhạc thính phòng kiểu Hồng Vy.

* Có phải vì khó mà trước nay, nhạc thính phòng vẫn bị gắn mác “hàn lâm” - buồn ngủ?

- Thực ra, ở Việt Nam, cách gọi đó chưa thể hiện chuẩn xác dòng nhạc này. Nhắc “hàn lâm”, công chúng thấy có gì đó rất cũ, khiến người ta ngại nghe. Ở nước ngoài, nhạc hàn lâm rất hiện đại. Bên cạnh những bản nhạc hàng trăm tuổi, cũng có những bản nhạc mới hai ngày tuổi, được trình diễn theo kiểu thính phòng. Thính phòng ở đây là phong cách.

* Trên con đường này, có lúc nào chị cảm thấy chùn chân?

- Nhạc thính phòng như kim chỉ nam và như chân lý của mình. Tôi có phải người ngoài nghề đâu mà không biết nó hay hay không hay, ưu điểm và hạn chế. Tôi biết rõ đó là con đường của mình, do mình chọn lựa. Đây không phải là chuyện sai hay đúng. Tôi không còn đặt câu hỏi đó nữa; vì từ lâu, tôi đã quá tự tin với con đường này.

* Nhưng người hát thì phải có kẻ nghe. Chị hẳn biết thị hiếu âm nhạc đại chúng Việt Nam hiện nay thế nào chứ?

- Không có thứ nghệ thuật nào lại không có ai nghe. Một người nghe cũng là khán giả. Chúng ta biết, âm nhạc thính phòng kén khán giả. Khi quyết định đi theo con đường đó, nghĩa là đối tượng khán giả chỉ có từng đó; mình chinh phục được bằng ấy, nghĩa là mình thành công. Đó không phải con đường hẹp, mà là con đường chuyên sâu. Những người theo đuổi chuyên môn đều sẽ theo con đường đó.

Tất nhiên, để theo đuổi nghề này, bất kể phong cách nào, cũng cần sự dũng cảm nhất định. Chọn dòng nhạc kén khán giả, sự dũng cảm phải nhân lên 10 lần. Và đừng nên lấy dấu mốc ở trong nước mà phấn đấu. Phải luôn cập nhật xu hướng thính phòng trên thế giới. Có như vậy mới giữ được con đường mình theo đuổi, để nó không bị cũ.

Đậu Dung (thực hiện)

Chương trình Tình yêu và đam mê - Plaisir d’Amour, sẽ diễn ra lúc 20g ngày 12/8, tại Nhà hát Thành phố (TP.HCM) với sự tham gia của NSƯT Hồng Vy, NSƯT Đăng Dương và pianist Thuyên Hà.

Chương trình mở đầu bằng sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Việt - Tình ca và sau đó đưa khán giả vào một hành trình âm nhạc, với những ký ức của một thời, qua các tác phẩm nổi tiếng như: Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu), Tình em (nhạc: Huy Du, thơ: Ngọc Sơn), Mai em đi rồi (nhạc: Hoàng Dương, thơ: Thế Hùng), Ở rừng nhớ anh (An Thuyên)… Đêm nhạc cũng tôn vinh những sáng tác thuộc giai đoạn sau này của các nhạc sĩ Dương Thụ, Giáng Son…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI