Thị trường bán lẻ TPHCM đang bão hòa

11/07/2025 - 18:17

PNO - Dù chiếm gần 25% tổng mức bán lẻ của cả nước, TPHCM vẫn đối mặt với nhiều thách thức do thị trường đã bão hoà, hạ tầng thương mại còn hạn chế, nguồn nhân lực chưa đáp ứng, và đặc biệt là nút thắt thể chế, thiếu sự đồng bộ trong chính sách.

Chia sẻ tại toạ đàm “TPHCM phát triển quy hoạch không gian thương mại - dịch vụ gắn với đô thị đa trung tâm, tận dụng lợi thế hướng biển” do Sở Công thương TPHCM tổ chức tại phường Vũng Tàu, TPHCM, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam - thông tin, TPHCM không chỉ đặt mục tiêu trở thành trung tâm tiêu dùng, mua sắm hàng đầu Việt Nam mà còn hướng tới tầm vóc quốc tế. Với việc hợp nhất cùng Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, vị thế của TPHCM được củng cố đáng kể. Trong thập kỷ tới, mục tiêu khiêm tốn là trở thành trung tâm tiêu dùng mới nổi của Đông Nam Á. Tham vọng hơn, TPHCM có thể vươn lên tầm Đông Á, cạnh tranh với các thành phố lớn ở khu vực Đông Bắc Á.

Theo ông Anh Tuấn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của TPHCM chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ của cả nước. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của TPHCM trong việc tạo ra sức cầu cho toàn quốc.

Dù vậy ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, sự rời rạc trong kết nối giữa các địa phương trước đây cần được khắc phục để tối ưu hóa lợi thế của siêu đô thị mới, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Bán lẻ tại TPHCM chiếm 25% tổng mức bán lẻ của cả nước song
Bán lẻ tại TPHCM chiếm 25% tổng mức bán lẻ của cả nước song số lượng điểm bán lẻ đang tăng nhanh hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân - Ảnh: Thanh Hoa

Hạ tầng thương mại của TPHCM vẫn còn hạn chế, khi có đến hơn 400 chợ truyền thống (đa số là chợ hạng 3). Dù có khoảng 300-350 siêu thị và 400 trung tâm thương mại hiện đại nhưng vẫn còn ít so với các thành phố lớn trong khu vực. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và logistics hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. "Trong tất cả các hạn chế thì thể chế là thách thức lớn nhất. Cần có cơ chế, chính sách và hạ tầng đồng bộ để tránh tình trạng "bình mới rượu cũ", tức là vẫn còn sự chia cắt giữa các địa phương, ảnh hưởng đến sự cộng hưởng và tổng lực tăng trưởng" - ông Tuấn đề xuất.

Ông Lê Hoàng Long - Giám đốc công ty NielsenIQ (NIQ) - chia sẻ, dựa trên dữ liệu NIQ thu thập được, lấy ví dụ về ngành hàng nước giải khát, riêng TPHCM đã đóng góp tới 18,3% doanh thu cho tổng tỉ trọng cả nước. Con số này lớn hơn rất nhiều so với thị trường Hà Nội (đứng thứ hai) với chỉ 7,7%, mặc dù quy mô dân số gần tương đương. Điều này cho thấy sức mua và sức tiêu thụ của TPHCM vượt trội hơn hẳn.

Nếu gộp thêm Bình Dương (đứng thứ năm về sức tiêu thụ nước giải khát, đóng góp 2,1%) và Bà Rịa - Vũng Tàu (đứng thứ bảy, đóng góp 1,9%), TPHCM sẽ là siêu đô thị với 22,3% tổng tiêu thụ cả nước, lớn gấp 3 lần Hà Nội.

Theo ông Lê Hoàng Long có 3 thách thức chính cho các đơn vị bán lẻ khi tiếp cận và khai phá siêu đô thị TPHCM mới vì mỗi địa phương có đặc thù tiêu dùng khác nhau, không thể áp dụng chung cùng 1 công thức, 1 loại hình bán lẻ hay sản phẩm. Ví dụ, tại TPHCM, tỉ trọng chi tiêu cho các sản phẩm sữa cao hơn đáng kể so với các tỉnh Đông Nam Bộ khác (17,2% so với 13,1%). Ngược lại, tỉ trọng chi tiêu cho bia và thuốc lá ở TPHCM lại thấp hơn nhiều so với các tỉnh Đông Nam Bộ khác (bia: 16,1% so với 22,3%). Điều này cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ cần điều chỉnh để thích nghi với văn hóa tiêu dùng địa phương.

Nhiều nghiên cứu của NIQ chỉ ra rằng, đang có hiện tượng bão hòa chuỗi cung ứng, tức là số lượng cửa hàng bán lẻ đang tăng nhanh hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các chuỗi bán lẻ.

Theo khảo sát của NIQ, mật độ cửa hàng nhu yếu phẩm trên 1.000 người tại TPHCM cũ, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2025 đều đạt mức khoảng 68 cửa hàng/1.000 người, cho thấy mức độ bão hòa.

Số liệu về cửa hàng thực phẩm tại TPHCM cũ càng làm rõ điều này. Từ năm 2020-2023, tổng số cửa hàng thực phẩm (bao gồm cả tạp hóa truyền thống và siêu thị hiện đại) đã giảm từ 39.000 xuống còn 37.000. Trong đó, cửa hàng tạp hóa truyền thống giảm rất nhanh (từ 36.600 xuống 33.500), trong khi các cửa hàng hiện đại dù có xu hướng tăng nhưng đang bị chững lại (từ 3.700 năm 2022 xuống 3.600 năm 2023). Điều này cho thấy số lượng cửa hàng đang vượt quá mức tiêu thụ của người dân, buộc các chuỗi bán lẻ phải cạnh tranh khốc liệt hơn và vận hành hiệu quả hơn để duy trì hiệu quả kinh tế.

Mặc dù được gộp lại, TPHCM (cũ) vẫn là trọng điểm tiêu dùng với sức mua có sự chênh lệch lớn so với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Dữ liệu 5 tháng đầu năm cho thấy TPHCM (cũ) vẫn đang tăng trưởng về giá trị, giá và sản lượng (tăng 1,4%), trong khi các tỉnh miền Đông Nam Bộ khác lại giảm về mặt tiêu thụ (giảm 1,22%).

“Nếu không khéo, việc sáp nhập này có thể làm cho tiêu dùng tiếp tục đổ về TPHCM (cũ), tạo ra sự chênh lệch lớn giữa TPHCM (cũ) với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ví dụ, dân số Bình Dương bằng khoảng 29% TPHCM (cũ), nhưng doanh thu tiêu thụ nước giải khát chỉ bằng khoảng 12%. Tương tự, Bà Rịa - Vũng Tàu có dân số bằng 16% nhưng doanh thu chỉ 10%. Điều này cho thấy sự phân hóa tiêu dùng rất rõ rệt” - ông Lê Hoàng Long nhận định.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI