Thầy cô cũng cần học cách trưởng thành

21/07/2020 - 18:01

PNO - “Ngày chia tay, nước mắt học trò rơi xuống, tôi tự hỏi bao nhiêu trong đó là lưu luyến, còn bao nhiêu là phấn khởi đã thoát bà giáo “giang hồ””.

Cô Lâm Minh Trang, nguyên Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Q. Gò Vấp), bộc bạch như vậy tại hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá cuối kỳ và nhân rộng mô hình “Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương” diễn ra sáng 21/7. Hoạt động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM phối hợp tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (SCI) thực hiện.

Cô Trang chia sẻ về những thay đổi trong suy nghĩ và hành vi sau khi tham gia dự án.
Cô Trang chia sẻ về những thay đổi trong suy nghĩ và hành vi sau khi tham gia dự án.

Cô Lâm Minh Trang thừa nhận mình là một giáo viên vô cùng nghiêm khắc. Hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, mỗi khi lên lớp, ít khi nào cô cười, luôn nhắc học sinh “ngồi đâu ngồi yên đó cho cô dạy, thế giới hòa bình”.

“Tôi là đứa con cá biệt trong nhà, nghịch ngợm từ nhỏ. Khi đi dạy, nghe mọi người nói phải làm cho học trò biết thương cha mẹ, thương thầy cô mà học, tôi phản đối. Nguyên tắc của tôi là làm cho trò sợ mà học, từ đó bật lên được những khả năng tiềm tàng của các em, và từng tự hào về điều này cả thời gian dài. Giờ nhìn lại, tôi cảm thấy hối tiếc, phải chi mình đã nhẹ nhàng, lắng nghe tâm tình của trò nhiều hơn thay vì khiến các em có cảm giác áp lực”, cô Trang chia sẻ.

Thầy Huỳnh Văn Vinh cho rằng người lớn, trong đó có thầy cô cũng phải học cách trưởng thành, việc lắng nghe, tôn trọng tâm tư, tình cảm của học trò giúp quá trình dạy học v2 công tác quản lý của thầy nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.
Thầy Huỳnh Văn Vinh cho rằng người lớn, trong đó có thầy cô cũng phải học cách trưởng thành. Việc lắng nghe, tôn trọng tâm tư, tình cảm của học trò giúp quá trình dạy học và công tác quản lý của thầy nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.

Tương tự cô Trang, thầy Huỳnh Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Xơ (H. Củ Chi), giãi bày, ngày trước, mỗi lần có học sinh quậy phá, đánh nhau, học kém, thầy rất bực bội, cảm thấy tổn thương, tự hỏi sao mình cố gắng như vậy, làm nhiều vậy mà trò chẳng tiến bộ. “Thầy cô cũng cần học cách trưởng thành. Nếu người lớn tổn thương thì không thể tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc. Tham gia dự án, chia sẻ nhiều với học trò, tôi dần đi đến chỗ chấp nhận rằng không thể 10 học sinh thì cả 10 đều ngoan, giỏi. 10 em là 10 cái cây khác nhau, đều cần được chăm bẵm”, thầy Vinh nói.

Cô Trang, thầy Vinh là hai trong số hàng ngàn giáo viên tại 50 trường tiểu học, THCS trên địa bàn 4 quận/huyện Gò Vấp, Củ Chi, Thủ Đức, Bình Tân tham gia dự án “Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương” giai đoạn 2 (tháng 9/2016 – 9/2020). Dự án giai đoạn 1 đã diễn ra từ tháng 12/2013 - 1/2016 tại quận Gò Vấp và huyện Củ Chi.

Một nhóm học sinh nòng cốt ở quận Gò Vấp chia sẻ cách các em thực hiện tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục tại trường.
Một nhóm học sinh nòng cốt ở quận Gò Vấp chia sẻ cách các em thực hiện tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục tại trường.

“Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương” hướng tới mục tiêu góp phần xây dựng, củng cố môi trường giáo dục, bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và phân biệt đối xử, đồng thời gia tăng cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nhập cư được tiếp cận nền giáo dục chính quy có chất lượng.

Dự án đã có nhiều hoạt động, như: tập huấn giảng viên nguồn về tư vấn học đường, tập huấn tìm hiểu môi trường học tập thân thiện và cách xây dựng bảng kiểm môi trường học tập chất lượng; hỗ trợ đào tạo về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em và kỷ luật tích cực cho 1.020 giáo viên, 6 khóa đào tạo cho cán bộ quản lý liên quan; thành lập Hội đồng trẻ em, các nhóm học sinh nòng cốt trong trường học, mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; tiến hành đối thoại giữa hiệu trưởng, giáo viên với học sinh 2 lần/năm tại 50 trường, tổ chức các diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em…

 

Đại biểu tham dự hội thảo sáng 21/7 và tham gia các trải nghiệm hoạt độngchấm dứt trừng phạt thân thể và tinh thần,  truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
Đại biểu tham dự hội thảo tham gia các trải nghiệm hoạt động chấm dứt trừng phạt thân thể và tinh thần, truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.

Theo khảo sát ban đầu (tháng 3-4/2017), 44% trong tổng số 600 học sinh cho biết từng bị trừng phạt thân thể và tinh thần bởi giáo viên, cán bộ quản lý, con số này ở giai đoạn cuối dự án là 19%.  Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chia sẻ cảm xúc, tinh thần của học sinh, dự án đã hỗ trợ các trường mở 30 phòng tư vấn học đường, tư vấn cho 5.086 em, đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn cho 2.500 phụ huynh, 553 giáo viên.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết, nhận thấy hiệu quả của dự án, sở đã tham mưu, được UBND TPHCM quyết định nhân rộng mô hình dự án trên địa bàn và quận 10 trong khuôn khổ “Chương trình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI