Thầy cô “bắt trend” giúp trẻ vui đến trường

23/11/2022 - 11:31

PNO - Tổ chức nhảy flashmob, thi tài năng âm nhạc, hội họa, biên kịch, thậm chí sẵn sàng chi tiền mời ca sĩ thần tượng để khiến học sinh vui… Đó là cách làm của một số trường học tại TPHCM nhằm thực sự “chạm” đến sở thích và tâm lý giới trẻ, giúp các em cảm nhận niềm vui đến trường mỗi ngày.

 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du trong điệu nhảy flashmob sôi động - ẢNH: P.T
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du trong điệu nhảy flashmob sôi động - Ảnh: P.T

Học qua các sân chơi

Những ngày này, học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đang bước vào vòng chung kết cuộc thi nhảy flashmob toàn trường. Đây là 1 trong những trường phổ thông công lập đầu tiên đưa điệu nhảy sôi động của giới trẻ trở thành sân chơi hằng năm cho học sinh. 

Em Nguyễn Ngọc Lê Vy - học sinh lớp 11A9 - cho biết vô cùng hào hứng vì ngay trong nhà trường, các em vẫn có cơ hội để thỏa mãn đam mê của mình. Chia sẻ về flashmob, Vy cho biết đây là điệu nhảy có tính ngẫu hứng và khả năng lôi kéo đám đông rất tốt. Người nhảy không nhất thiết phải có năng khiếu nhảy giỏi, chỉ cần tinh thần hết mình, nhiệt tình để hòa chung vào những điệu nhảy sôi động. Không chỉ vận động giải tỏa năng lượng mà những điệu nhảy tập thể cũng giúp các em học được cách gắn kết với bạn bè. Không ít bạn vốn rụt rè, khép kín trong lớp học nhưng sau khi bị “lôi kéo” tham gia flashmob đã trở nên vui tươi, hòa đồng hơn.

Trường THPT Nguyễn Du được biết đến là nơi rất “siêng” tổ chức hoạt động cho học sinh. Chỉ chưa đầy 3 tháng đầu của năm học mới, nhà trường đã đầu tư hàng loạt sân chơi đa dạng, lồng ghép với việc truyền thụ kiến thức và định hướng nghề nghiệp. Trong đó, hội thi “Học sinh giỏi giải toán nhanh bằng máy tính Casio 2022” thu hút đến 1.660 học sinh dự thi, với mục tiêu rèn luyện các phản xạ cho bài thi trắc nghiệm ở các môn khoa học tự nhiên.

Một sân chơi khác mà trường dày công xây dựng đó là cuộc thi “Nhà biên kịch giỏi”. Ở vòng 1, học sinh tham gia sáng tác truyện ngắn với các chủ đề về tình bạn, trường học, kỷ niệm thời thơ ấu… Sau đó, 20 truyện ngắn xuất sắc được chọn sẽ bước vào vòng 2 để học sinh tự chuyển thể thành kịch bản và biểu diễn trên sân khấu. Trường mời các chuyên gia như tiến sĩ Lưu Trung Thủy - giảng viên của Đại học Quốc gia TPHCM và NSƯT, đạo diễn Lê Cường đến hướng dẫn để các em chuyển thành kịch bản sân khấu.

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Khi nói đến trường học hạnh phúc là phải làm sao để mỗi ngày đến trường của học sinh là một ngày vui. Muốn vậy, phải đặc biệt quan tâm đến yếu tố tâm sinh lý lứa tuổi. Khi tổ chức sự kiện cho học sinh thì phải bắt nhịp với tâm lý và sở thích giới trẻ để các em được thấy chính mình trong đó. Do đó, trường sẵn sàng chi tiền mời những ca sĩ thần tượng đến biểu diễn cho học sinh.

Ngay cả một số hoạt động lễ hội như Halloween mặc dù là nét văn hóa phương Tây nhưng trong quá trình hội nhập, nhà trường sàng lọc lại những cái hay để giúp học sinh thỏa mãn sở thích mà vẫn có tính định hướng. Hoặc khi tổ chức cho học sinh được sáng tác kịch bản, có thể thấy được ngòi bút của các em rất hồn nhiên, trẻ trung, sáng tạo. Qua đó, thầy cô không chỉ nhìn nhận được năng khiếu học sinh mà còn hiểu được suy nghĩ, cảm nhận của các em. 

“Các hoạt động “bắt trend” tuổi trẻ sẽ góp phần nuôi dưỡng sự yêu mến của các em với nhà trường. Mà khi các em có tình yêu đủ lớn thì các em thấy trân quý thầy cô, trường lớp, có động lực để học và cảm thấy vui khi đi học” - ông Huỳnh Thanh Phú nhận xét.

Hiểu học sinh để dạy các em 

Các học sinh ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5) cũng vừa được tham gia chương trình “Tìm kiếm tài năng” của nhà trường. Ở sân chơi nghệ thuật này, học sinh được thể hiện năng khiếu ở các thể loại hát, múa, nhảy, đọc rap… Bên cạnh đó, trường duy trì sân chơi “Hát cùng bạn bè tôi” cho những học sinh yêu âm nhạc vào sáng thứ Sáu hằng tuần. Những học sinh mê thể thao được trường đầu tư mời hẳn huấn luyện viên chuyên nghiệp để huấn luyện cho các em chơi bóng rổ, bóng đá, tập võ tự vệ. 

Khi hiệu trưởng làm bạn với học sinh

Khác với hình ảnh thầy hiệu trưởng xa cách, hiện nay, hiệu trưởng nhiều trường rất gần gũi, thân thiện và mong muốn làm bạn với học sinh. Ông Huỳnh Thanh Phú được các học sinh Trường THPT Nguyễn Du yêu mến gọi bằng cái tên “thầy hiệu trưởng soái ca” bởi hình ảnh thân thiện, luôn đứng ở cổng trường đón học sinh mỗi buổi sáng và thường xuyên theo sát các em trong những hoạt động của nhà trường.

Còn ông Đỗ Minh Hoàng cũng cho biết rất nhiều học sinh lớp Mười của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An thời gian đầu vào trường không chào hỏi khi gặp thầy cô. Do đó, hiệu trưởng, thầy cô và bảo vệ đều chủ động chào học sinh khi gặp, dần dần tạo thành một nét văn hóa trong nhà trường.

“Khi gặp học sinh lướt qua, tôi hay gọi lại, khi đó thường các em tỏ ra lo lắng. Tuy nhiên, tôi đến gần và bảo “thầy chào con”, thỉnh thoảng lại kiếm cớ khen học sinh “nay đi đôi giày đẹp quá”… Dần dần, những học sinh vốn giữ khoảng cách và ngại tiếp xúc với giáo viên đều trở nên cởi mở, chủ động chào và bắt chuyện với thầy cô” - ông Đỗ Minh Hoàng kể.

Ông Đỗ Minh Hoàng - Giám đốc trung tâm - chia sẻ: “Trường luôn tôn trọng và đặt mục tiêu khuyến khích các em phát huy được năng lực, sở trường của mình. Thầy cô phải chấp nhận có những học sinh giỏi toán thì có thể dở môn văn, giỏi thể thao thì có thể không nổi trội về các môn văn hóa. Bắt mọi học trò phát triển như nhau là không phù hợp với định hướng giáo dục mới. Chúng tôi quan niệm nếu 100 đứa trẻ cùng chạy về một hướng, chỉ có một chiến thắng. Nhưng nếu 100 đứa trẻ chạy về nơi chúng muốn, tất cả đều chiến thắng”.

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, để dạy học sinh hiệu quả cần hiểu và gần gũi các em. Ở trung tâm giáo dục thường xuyên, đến 40% học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu sự quan tâm của gia đình. Nhiều em đã mang sẵn sự tự ti, vì trong mắt gia đình, người quen, các em là đứa trẻ không thành công. Do đó, thầy cô luôn nỗ lực làm bạn với học sinh, xây dựng môi trường học đường thân thiện. Đó cũng là lý do trường thường xuyên tổ chức các hoạt động theo xu hướng giới trẻ. 
Chính các hoạt động phù hợp tâm lý lứa tuổi giúp các em thể hiện năng khiếu bản thân và mở lòng, gắn kết với tập thể.

Chẳng hạn, vừa qua, khi trường tổ chức cuộc thi viết “Ước mơ tuổi 25”, rất nhiều em hào hứng tham gia, trong đó có những em chia sẻ rất xúc động. 1 em mong ước sẽ trở thành công nhân vệ sinh, vì đó là nghề làm sạch cho thành phố và cũng từ nghề đó, anh của em đã một mình nuôi em ăn học như ngày hôm nay. Qua những chia sẻ như vậy, thầy cô hiểu được hơn về hoàn cảnh, tâm tư của học sinh để có thể hỗ trợ tốt hơn cho các em.

Để xây dựng tính trách nhiệm, tình yêu thương và lòng trắc ẩn cho học sinh, trường thường xuyên tổ chức cho các em đi làm từ thiện tại các trung tâm trẻ mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn. Mỗi dịp lễ, tết, thầy trò cùng nhau chuẩn bị những phần quà, suất ăn để phát cho người lang thang, cơ nhỡ. Ông Đỗ Minh Hoàng còn đưa ra 1 hình thức chế tài đối với những học sinh vi phạm là phải… tham gia hoạt động từ thiện.

Vừa qua, có những học sinh vi phạm đánh nhau, trốn học, thay vì đình chỉ học tập, trường yêu cầu các em đi làm từ thiện. Sau khi đi về, nhiều em chia sẻ rằng tận mắt thấy những hoàn cảnh bất hạnh đã giúp các em ý thức mình may mắn và cũng thấy bản thân có ích vì giúp được những người yếu thế. 

Học sinh cần phát triển toàn diện

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho rằng việc các trường tổ chức nhiều hoạt động đa dạng cho học sinh là hết sức cần thiết giúp các em phát triển toàn diện. Điều này cũng phù hợp với định hướng giáo dục mới hiện nay là hướng tới phát huy năng lực người học, lấy học sinh làm trung tâm.

Để các hoạt động thu hút được học sinh thì cần phù hợp sở thích, tâm lý, “bắt trend” với giới trẻ. Tuy vậy, tất cả các hoạt động được tổ chức trong trường học bao giờ cũng cần có sự chọn lọc, định hướng để truyền tải những thông điệp tích cực.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI