Thay cho lời cam kết

21/06/2017 - 08:28

PNO - Cuộc chiến để giành lấy sự tử tế, mang lại sự công bằng, bảo vệ lẽ phải thì cứ nối dài sau những thúc bách, trăn trở, kiếm tìm. Khi bạn đang cầm tờ báo này trên tay, các đồng nghiệp của tôi lại tiếp tục lên đường…

Khi bạn cầm tờ báo này trên tay thì nhiều đồng nghiệp, cộng sự của tôi đang bước lên bục để nhận giải thưởng báo chí TP.HCM lần thứ 35, trong đó có tác giả Lê Trung Việt với ký sự Bão không thổi từ biển.

Những ngày bão quét qua làng nước mắm truyền thống bởi nhóm truyền thông bất lương và “đối tác” của họ, Vinatas - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, một mặt, báo Phụ Nữ chọn “độ lùi”, đặt lên bàn tòa soạn sự nghi hoặc lý trí về cái gọi là “arsen tổng”, mơ hồ nỗi oan hữu cơ có từ trong nguồn sống hải sản; mặt khác, chúng tôi chọn hướng… đi về phía ngư dân, ra tận thủ phủ nước mắm Phú Quốc, ngồi để nghe từng giọt mặn bao đời của mắm, của cá giãi bày nỗi uất ức, sự tan hoang ngay trong lòng biển cả; để ngư dân vuốt mặt mà tin rằng, lẽ phải là của họ, không kẻ nào được quyền tước đoạt, vu họa.

Thay cho loi cam ket
Chân dung người làm nghề nước mắm trong ký sự "Thủ phủ nước mắm: Bão không thổi từ biển"

Chữ nghĩa chất chồng nỗi xấu hổ, sự phẫn nộ lẫn bất lực. Và tất cả đã thổi bùng lên nơi đầu bút: “Tôi bước từ nhà thùng ra, mùi mắm đẫm người. Nhìn từng giọt nước mắm thơm nồng sóng sánh màu hổ phách từ thùng gỗ nhỏ xuống, như cơn sinh hạ khó khăn và đong đầy yêu thương. Để có chén nước mắm thơm lừng, con đường đó đi qua bao cung bậc từ mồ hôi, ý chí và cảm xúc bao người, gửi gắm trong đó nỗi thiết tha, hoài vọng áo cơm, lòng thiện lương và tự tình dân tộc. Cú quét này có tên tổn thương. Đau như chén nước mắm dính bùn.

Bão dồn dập, tan đi rồi còn lại nỗi xác xơ…".

Một trong những yếu tố căn bản, một phẩm chất của nhà báo, đặc biệt là những cây bút điều tra, tính linh cảm và “đánh hơi” dữ liệu, nguồn tin ban đầu là cực kỳ quan trọng, để từ đó, là cơ sở để hình thành các giả định, bắt đầu cho công việc điều tra. Trong câu chuyện arsen, linh cảm ấy chuyển thành nghi hoặc về các chỉ số công bố phản khoa học.

Và một ngày như mọi ngày, chúng tôi ngồi quán xá, giữa ồn ào tiếng cụng của rượu bia, có thằng bé mắt thâm, đen nhẻm, phải là nhiều đêm liền không được ngủ. Từ nó, chúng tôi ngầm quan sát công việc, cách người chủ sai phái; qua nhiều ngày, chúng tôi nắm chắc đây là một trường hợp lao động trẻ em bất hợp pháp. Lần theo một, hai đứa trẻ vật vờ nơi hàng quán, chúng tôi tìm đến những nhà xưởng mọc trong khu dân cư đang sử dụng lao động trẻ em. Đằng sau những cánh cổng im ỉm, trời dần về đêm, là tiếng máy chạy, tiếng máy cắt, những thân hình gầy nhom rạp mình khâu, ráp. Phóng sự Bóc lột lao động trẻ em diễn ra từng ngày đã ra đời như thế!

Thay cho loi cam ket
Lao động "nhí" trong loạt bài điều tra "Bóc lột lao động trẻ em diễn ra từng ngày"

Vượt qua sự linh cảm, giả định để bắt đầu cho công tác điều tra, lại là sự đối diện muôn vàn khó khăn, nguy hiểm khi ranh giới giữa người - trong - cuộc (thâm nhập đường dây chăm nuôi bệnh tại Bệnh viện Nhân dân 115) và chức năng của nhà báo, dù đã tính toán các tình huống và có phương án hỗ trợ của đồng nghiệp thì chủ yếu vẫn là sự tỉnh táo, linh hoạt, tự bảo vệ ngay tại hiện trường.

Đã ba ngày, các phóng viên thâm nhập trong nhóm chăm nuôi bệnh vẫn chưa thoát ra ngoài, cũng có nghĩa là các bạn đang “an toàn” sắm vai nhưng bất an khủng khiếp cho người làm tòa soạn. Chỉ đến khi đọc tin nhắn, “ok rồi chị” thì mới chắc rằng, “tụi em đã về nhà tắm rửa sau cả tuần hành nghề nuôi bệnh”.

Chưa hết, ngay buổi sáng báo đăng tải kỳ 1, nhóm giang hồ điều hành đường dây hút máu người chăm nuôi bệnh lùng sục phóng viên, nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho những phóng viên “chăm nuôi bệnh”  được đặt ra khẩn thiết khi Đường dây khẩn của báo liên hồi nhận tố cáo của các nạn nhân.

Những đồng nghiệp của tôi xứng đáng nhận giải thưởng hay chính giải Báo chí TP.HCM đã xứng đáng được trao gửi, đặt để những trái tim luôn tràn ngập tình yêu con người, cuộc sống, bản lĩnh dấn thân và chọn lựa con đường phụng sự ý nguyện của nhân dân, lấy sự trung chính làm lý tưởng nghề, soi chiếu cho mọi cảm quan, lựa chọn.

Thay cho loi cam ket
Lầu 3, khu A, Bệnh viện 115 được ví là “đại bản doanh” của đường dây 'hút máu' người nuôi bệnh thuê

Chúng tôi sống, chúng tôi viết và chúng tôi lại sống bằng chính niềm tin giản dị mà căn cốt rằng, chỉ có ngọn lửa của lòng trung thực (để tiệm cận sự thật - giá trị cốt lõi của nghề báo), vốn hiểu biết (là nền tảng của nhà báo) và trách nhiệm của chính mình với xã hội, với nhân dân, với lẽ phải mà chính thể này đang tồn tại mới đủ thắp sáng “quyền lực thứ tư”.

Ngọn lửa ấy, không bùng lên trước đền thờ nữ thần Hera nhưng tinh thần che chở, thánh thiện, vì lẽ phải của những tia nắng ngự trị trên đỉnh Olympia lại len qua những phận đời tăm tối, nghèo khó, chịu lắm bất công để cùng họ, bên họ, vì họ, chúng tôi vượt nỗi nhọc nhằn, nguy hiểm, sự hèn nhát, thói tham lam… Chỉ khi ấy, chúng tôi mới tin rằng, chiến thắng này là kết quả của một thái độ, một sự lựa chọn, một niềm tin mà chúng tôi cho đi và nhận được từ chính bạn đọc của mình.

Trong một cuộc hàn huyên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM bộc bạch, tôi tin yêu tờ báo Phụ Nữ và những người làm nên nó, từ các thế hệ lãnh đạo tờ báo đến toàn thể anh chị em phóng viên, biên tập viên; và đặc biệt là những nhân vật làm nên sức sống của tờ báo. Bà nhắn thêm, ngay cả những nhân vật không tốt, nhân vật tiêu cực thì có một phần gia đình của họ ít nhiều chịu tổn thương cho xã hội được tiến bộ hơn.

Ngày 31/5 vừa qua, có một nam sinh (dưới 18 tuổi) cầu cứu đến báo Phụ Nữ về việc bị thầy giáo, là một hiệu trưởng của một trường trung học đóng trên địa bàn quận Tân Phú cưỡng dâm. Với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chúng tôi đã thu thập đầy đủ bằng chứng với ý chí sẽ vạch mặt đối tượng. Ngay trước giờ G, nam sinh ấy nói, các cô chú viết bài như thế nào để các bạn học sinh khác không còn là nạn nhân như con, nhưng điều con lo sợ nhất là liệu vợ và hai con của ông ấy sẽ đối diện với sự thật, với dư luận sau đó như thế nào, rồi họ sống ra làm sao…

Chúng tôi ngồi xuống và… lặng im.

Cho đến thời điểm này, vụ việc đã tạm dừng, vị hiệu trưởng kia tự nguyện xin rời khỏi môi trường sư phạm. 

Một bài báo chưa bao giờ  được viết.

Nhưng, cuộc chiến để giành lấy sự tử tế, mang lại sự công bằng, bảo vệ lẽ phải thì cứ nối dài sau những thúc bách, trăn trở, kiếm tìm.

Và khi bạn đang cầm tờ báo này trên tay, các đồng nghiệp của tôi lại tiếp tục lên đường…

Lê Huyền Ái Mỹ 
Tổng biên tập báo Phụ Nữ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI