 |
Thất nghiệp tuổi trung niên không hẳn là đường cùng - Ảnh minh họa: Freepik |
Quanh câu chuyện bàn cà phê sáng Chủ nhật của nhóm chúng tôi, không khí có phần ảm đạm bởi những thông tin không vui: chị Hòa vừa mới chính thức thất nghiệp. Khánh thở dài nói bạn đang đợi chờ trong hoang mang, nếu lỡ thuộc nhóm tinh giản, bạn sẽ làm gì ở tuổi trung niên? Mà không làm thì lấy đâu ra tiền lo cho gia đình, 2 đứa con mới ở độ tuổi học cấp II? Hải thì nói, thu nhập của cô ấy giảm 2/3, do cơ quan cắt hết các khoản "râu ria", chỉ còn đúng lương cứng, không biết sống sao trong thời gian tới.
Tôi nhẩm tính khoản lương cứng của Hải cũng là mức thu nhập trung bình so với nhiều công việc, ngành nghề hiện tại, và điển hình cũng mà mức lương tôi đang nhận hàng tháng ở công ty. Mức thu nhập đó tôi vẫn lo ổn cho gia đình, hàng tháng vẫn dành dụm một chút cho khoản dự phòng. Tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều những người không có thu nhập ổn định. Vậy sao Hải lại than như chết đói đến nơi?
Tôi hình dung ở một góc độ khác, và tự hỏi, hay đó là kiểu than của người giàu. Tôi nhớ thời điểm cách đây 10 năm, khi tôi làm ở một công ty nọ, đã nghe phong thanh rằng con của sếp làm ăn thất bại, sếp phải bán hết tài sản để gánh nợ cho con, dẫn đến phá sản. Công ty tôi, nơi làm việc của hơn 20 người, sếp cũng chẳng giữ được.
Tôi hình dung ra bối cảnh những người phá sản trong phim ảnh, đến chỗ ở họ cũng không có. Thực tế thì sếp tôi cũng đã bán căn biệt thự lớn nằm giữa quận trung tâm thành phố mà cả gia đình đang sống. Nhưng sau đó không lâu, sếp cho tôi địa chỉ và mời đến căn nhà mới chơi. Đó vẫn là căn biệt thự nằm trên mảnh đất rộng. Bên trong có nhiều phòng, cả khuôn viên sân vườn rợp bóng mát, có vài chiếc ô tô trong sân…
Hóa ra, không như những gì tôi tự vẽ ra và lo lắng rằng, liệu sống nơi nhà trọ chật hẹp, những thành viên trong nhà sếp sẽ ra sao? Thì ra, mặc dù mang tiếng phá sản nhưng họ chỉ đổi từ biệt thự quận trung tâm sang biệt thự quận khác.
Trong “cơn bão” thất nghiệp của hiện tại, đúng là sẽ trở nên khó khăn hơn nhưng không đến nỗi quá bi quan. Mọi việc đều sẽ có cách giải quyết.
Tôi cũng mới trải qua đợt thất nghiệp kéo dài 4 năm. Lúc đó, tôi nghĩ mình đã làm gần 20 năm liên tục chẳng có quãng nghỉ dài nào, thì xem đây như là dịp để nghỉ ngơi. Ở nhà cũng giúp cơ thể có khoảng lặng cần thiết để nhìn nhận lại mọi thứ. Từ việc mình có thật sự thấy vui khi làm công việc hiện tại, đến những mối quan hệ mình gặp có mang lại điều tích cực cho nhau…
Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng khi hiện tại là bức tranh buồn, vừa không có thu nhập, ta vừa dễ sa sút tinh thần. Đi làm, ở bất cứ độ tuổi nào cũng là cần thiết. Ngoài việc ổn định chi tiêu, bản thân còn có sự kết nối với những mối quan hệ chung quanh, từ đó cuộc sống cũng phong phú hơn.
Đối diện với thất nghiệp, bài toán tôi cần giải trước là làm sao để không phải quá lo lắng mặt kinh tế. Cũng may, sau khoảng thời gian dài tích lũy, tôi cũng có khoản dự phòng tạm ổn. Việc còn lại nữa là tìm hiểu thêm cách quản lý chi tiêu sao cho hiệu quả hơn. Tránh những thói quen gây lãng phí như trước như mua sắm những món đồ không thiết thực, hoặc mua nhưng chưa dùng tới, để hết hạn…
Không đi làm, tôi tránh được những bữa ăn hàng quán. Ở nhà nấu ăn vừa giảm được chi phí, lại an toàn và hợp khẩu vị cho cả gia đình. Với 4 người như nhà tôi, việc không phải ăn uống hàng quán đã giảm được một phần chi tiêu kha khá, mà bản thân lại nâng cao được tay nghề đầu bếp.
Anh bạn tôi sống ở thành phố khác nhắn với tôi: “Làm sao em có thể ung dung sống ở thành phố lớn, trong hoàn cảnh thất nghiệp được nhỉ?”. Ở thành phố lớn, nhưng tôi đã may mắn mua được cho mình căn hộ trước đó. Còn nói về chi tiêu, tôi nghĩ ở thành phố hay nông thôn đều vậy. Nếu mình biết cách chi tiêu hợp lý, đều có thể xoay xở được, như ông bà mình có câu: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Nhìn lại, tôi không thấy khoảng thời gian thất nghiệp trong 4 năm là nặng nề gì. Sau thời gian thả lỏng tâm trí, tôi tự tìm cho mình công việc làm thêm phù hợp từ chính kỹ năng của mình. Trong thời khắc khó khăn, càng biết nhắc nhở mình nâng niu từng cơ hội. Từ từ rồi cũng ổn.
Không đi làm, tôi tránh được những căng thẳng mệt mỏi vô hình. Khi có thời gian cho bản thân, tôi duy trì những thói quen tốt, ăn uống khoa học và ngủ nghỉ cũng điều độ hơn, nhờ vậy mà cơ thể khỏe mạnh hơn.
Vậy nên, trước bối cảnh thất nghiệp hiện tại của nhóm bạn, tuy ban đầu sẽ khó khăn nhưng tôi tin mọi người đều có cách giải quyết của riêng mình.
Ban Mai