Tháo gỡ vướng mắc cho TPHCM nhìn từ cơ chế đặc thù

14/09/2022 - 06:33

PNO - Ngày 24/11/2017, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 54). Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM phỏng vấn tiến sĩ Phan Hải Hồ - Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TPHCM - về những điều được và chưa được sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 54.

Hiệu quả đạt được chưa cao

Phóng viên: Theo ông, việc thực hiện Nghị quyết 54 đã mang lại những kết quả tích cực nào?

Ông Phan Hải Hồ: Trước hết, đó là tính chủ động. HĐND và UBND TPHCM đã ban hành nhiều văn bản nhằm thực hiện Nghị quyết 54 như chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công. UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch số 8127 với 21 nội dung, đề án cụ thể; chủ động phân cấp, ủy quyền cho các sở, ngành, quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn.

Có thể thấy rõ kết quả thực tiễn từ các lĩnh vực được thí điểm. Chẳng hạn, cán bộ, công chức, viên chức được tăng 0,8 lần lương bắt đầu từ 2018; việc ủy quyền cho các sở, ngành, quận, huyện đã giúp giảm tải công việc cho UBND TPHCM, giúp xử lý các công việc nhanh chóng, hiệu quả hơn; tiến độ thực hiện các dự án nhóm A và các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10ha nhanh hơn so với việc phải trình Trung ương thẩm định như trước đây…

* Thưa ông, điều gì khiến chính quyền TPHCM và nhiều chuyên gia cho rằng cần có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54?

- Việc thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ. Do vậy, khi triển khai thực hiện, phải nghiên cứu kỹ, đảm bảo đúng quy trình và thẩm quyền dẫn đến mất nhiều thời gian, công sức, nhiều việc chưa đúng tiến độ, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu người dân.

Do đây là cơ chế thí điểm nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực thi. Các bộ, ngành và Chính phủ chưa kịp thời có các văn bản hướng dẫn thực hiện, chưa có sự chỉ đạo nhất quán, chưa xây dựng được cơ chế phối hợp với nhau hoặc với chính quyền TPHCM để triển khai một cách hiệu quả.

Công tác kiểm tra, giám sát vẫn chủ yếu tuân theo các quy định pháp luật chung, chưa có các hướng dẫn hoặc quy định đặc thù, gây nhiều khó khăn khi áp dụng Nghị quyết 54. TPHCM có dân số đông, khối lượng công việc mà mỗi cơ quan cần giải quyết là rất lớn, tạo áp lực cao đối với cán bộ, công chức. Việc triển khai thêm các công việc thuộc thẩm quyền Trung ương mà hiện nay các sở, ngành, UBND quận, huyện phải làm, đặt ra yêu cầu về chuyên môn và trách nhiệm cao. Đó cũng là những thách thức cho chính quyền TP.HCM bởi chế độ, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng với công việc.

* Theo ông, có cần thiết có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54?

- Tôi cho là cần. Nghị quyết mới sẽ phát huy được những ưu điểm của Nghị quyết 54 và tiếp tục triển khai, mở rộng thêm phạm vi được phân cấp, ủy quyền. Nội dung nghị quyết mới sẽ bổ sung thêm các lĩnh vực khác mà TPHCM có lợi thế và đủ tiềm lực thực hiện. Hơn nữa, nghị quyết thay thế sẽ đảm bảo có thêm các chính sách, cơ chế phù hợp với chính quyền đô thị theo tinh thần Nghị quyết 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị TPHCM (Nghị quyết 131) cũng như các cơ chế, chính sách mới cho TP.Thủ Đức. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong  chuyến làm việc để tháo gỡ những khó khăn liên quan đến dự án metro của TP.HCM  vào cuối tháng 7/2022 - ẢNH: LINH LINH
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến làm việc để tháo gỡ những khó khăn liên quan đến dự án metro của TPHCM vào cuối tháng 7/2022 - Ảnh: Linh Linh

Nghị quyết mới cũng sẽ bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm làm cơ sở nâng tầm Nghị định 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ (quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 131) thành một nghị quyết của Quốc hội, phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đất đai, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Phân định rạch ròi ngân sách quốc gia và địa phương

* Trong khi chờ có một nghị quyết mới, theo ông, cần bổ sung, hoàn thiện những khía cạnh nào để nâng cao hiệu quả Nghị quyết 54?

- Theo tôi, cần hoàn thiện thể chế để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành tích cực phối hợp với UBND TPHCM trong việc triển khai thực hiện các đề án có liên quan dựa vào các đề xuất cụ thể của UBND TPHCM trên từng nội dung, lĩnh vực; xem xét, sớm điều chỉnh các nghị định theo hướng phân cấp mạnh mẽ để UBND TPHCM chủ động thực hiện các quy trình, thủ tục phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn của thành phố.

Về tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương, ngoài các quy định đã nêu trong Nghị định 33/2021/NĐ-CP, Chính phủ nên cho phép UBND TPHCM được quyền tự quyết định bộ máy giúp việc, quy định chức năng, nhiệm vụ các bộ phận giúp việc hoặc giao, ủy quyền cho chính quyền cấp dưới thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền UBND thành phố; cho phép UBND TPHCM được quyền quy định các hành vi xâm phạm trật tự, an toàn, văn minh đô thị là hành vi vi phạm hành chính (hiện chưa được quy định) cũng như mức xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt theo chính sách đặc thù của chính quyền đô thị. 

Tôi thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương (năm 2015, 2019) và các văn bản dưới luật theo hướng cho phép chính quyền địa phương được thực hiện theo mô hình hành chính “lột xác triệt để”. Có nghĩa là, khi thay đổi lãnh đạo của chính quyền địa phương, người đứng đầu có quyền quyết định toàn bộ nguồn nhân lực hành chính, đặc biệt là bộ phận giúp việc trực tiếp. Có như vậy mới đảm bảo tính thông suốt khi lãnh đạo, tính “ê-kíp hoàn chỉnh” theo hướng tích cực khi triển khai các chiến lược công, các kế hoạch và chính sách công.

* Theo ông, chính sách tài chính công cho TPHCM nên như thế nào?

- Theo tôi, cấp Trung ương nên có định hướng khuyến khích chính quyền TPHCM tăng các nguồn thu để tăng chi, đáp ứng các yêu cầu phát triển. Ngoài các khoản chi thường xuyên theo quy định, chính quyền TPHCM được quyền quyết định các tiêu chuẩn, định mức chi của mình. Cần phân định rạch ròi ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương. 

Cấp Trung ương nên cho phép chính quyền TPHCM có thẩm quyền vay nợ. HĐND TPHCM được quyết định việc vay nợ để đầu tư trên cơ sở tự cân đối khả năng trả nợ, Chính phủ quy định một số điều kiện về vay nợ nhằm hạn chế rủi ro. Và cũng cần cho chính quyền TPHCM tự chủ tài chính ngoài phạm vi Nghị quyết 54, bởi đến nay, vẫn chưa có cơ chế trả lương và các khoản thu nhập khác; cho phép chính quyền TPHCM giữ lại phần ngân sách chi cho đầu tư phát triển cao hơn mức 21% như hiện nay.

* Mới đây, Chính phủ đã thí điểm lập tổ công tác của Thủ tướng nhằm đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc ở TPHCM. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?

- Tổ công tác này là cần thiết bởi đây là tổ chuyên trách, trực tiếp nhận chỉ đạo từ Thủ tướng, có chuyên môn và thẩm quyền trực tiếp hoặc thẩm quyền tham mưu về các lĩnh vực quản lý nhà nước. Tổ này có đủ các thành phần đại diện, gồm các bộ, ngành, TPHCM, địa phương chịu tác động trực tiếp, thụ hưởng nên vừa đại diện cho Trung ương, vừa đại diện cho TPHCM. Do đó, việc lập tổ công tác này chắc chắn mang lại hiệu quả từ gián tiếp đến trực tiếp.

* Xin cảm ơn ông. 

 

Cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan

Những nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) - một tổ chức quốc tế chuyên xây dựng các chính sách thúc đẩy sự thịnh vượng, bình đẳng, cơ hội và hạnh phúc cho mọi người - là một khuyến nghị tốt cho các chính sách đô thị của TPHCM. 

Nghị quyết 54 có những nội dung phù hợp với các nguyên tắc của OECD về chính sách đô thị. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều thiếu sót trong chính sách phát triển TPHCM, như chưa tận dụng hết tiềm năng của thành phố để phát triển bền vững, chưa có kết nối vùng và thành phố khác hiệu quả, chưa có những giải pháp để khắc phục những hạn chế, thách thức trong phát triển đô thị nhiều năm qua, bao gồm tắc nghẽn giao thông, quá tải cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiếu hụt nhà ở cho người có thu nhập thấp…

Những thiếu sót trong chính sách phát triển TPHCM do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, đòi hỏi sự phối hợp nhiều bên có liên quan để giải quyết. OECD nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các cấp chính quyền, người dân, khu vực tư nhân và các bên đóng vai trò quan trọng khác khi thiết kế và thực hiện các chính sách đô thị. 

Các nỗ lực cải cách của các thành phố sẽ khó thành công nếu thiếu sự nhất quán giữa các chính sách cấp Trung ương và cấp thành phố. Sự phối hợp chính sách giữa các cấp chính quyền là điều cần thiết để các thành phố phát triển tốt và điều này đòi hỏi cần có khung chính sách quốc gia được thiết kế tốt. Chính quyền TP.HCM có thể nghiên cứu các nguyên tắc của OECD khi hoạch định, thực hiện và giám sát chính sách phát triển thành phố bền vững và toàn diện.

Nguyễn Thị Hồng Mơ - Chuyên gia chính sách công tại TPHCM

Quốc Ngọc (ghi)

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI