Thảm án 4 bà cháu ở Quảng Ninh: Những người phụ nữ liên quan sẽ ra sao?

27/09/2016 - 11:56

PNO - Hai người phụ nữ liên quan đến vụ thảm án ở Quảng Ninh đang tiếp tục cuộc sống. Nhưng cuộc sống với họ giờ đây thật quá xót xa.

Còn lại gì ở cuộc đời này?

Sáng ngày 27/9, bà Phạm Thị Nga - Chủ tịch Hội Phụ nữ TP. Uông Bí, Quảng Ninh chia sẻ với Phụ nữ TP. HCM với tâm trạng nặng trĩu. Suốt 3 ngày từ khi vụ án mạng 4 bà cháu bị sát hại tại phường Phương Nam xảy ra, tất cả các ban ngành của TP. Uông Bí đã vào cuộc giải quyết sự việc. Ngoài việc tập trung truy bắt hung thủ gây án thì công tác hậu cần cũng được chú trọng và có sự chỉ đạo bài bản, thống nhất từ các cấp.

Bản thân bà Nga đã xuống chứng kiến hiện trường, túc trực tại nhà chị Vũ Thị Thanh suốt những ngày qua. Tận mắt chứng kiến cảnh các nạn nhân nằm trong gian bếp, rồi cùng gia đình nạn nhân trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đã khiến cho bà Nga không biết bao lần rơi nước mắt. Bà luôn đặt ra câu hỏi: "Chị Thanh còn lại gì trong cuộc đời này?".

Tháng 9/2015, người chồng của chị Thanh qua đời bởi tai nạn giao thông. Một năm sau đó, mẹ, 2 con và một người cháu bị tước đi mạng sống. Không ai khác, chính chị Thanh là người đầu tiên phát hiện sự việc, chứng kiến từng người thân của mình gục dưới nền đất. "Với người phụ nữ, chồng và con là tài sản duy nhất của cuộc đời họ. Giờ chị Thanh mất hết rồi, chị ấy còn lại gì trong cuộc đời này đây?", bà Nga xót xa.

Tham an 4 ba chau o Quang Ninh: Nhung nguoi phu nu lien quan se ra sao?
Chị Thanh còn lại gì trong cuộc đời này? (Ảnh Tri thức trẻ).

Những ngày qua, bà Nga luôn lo lắng. Bà lo chị Thanh có thể tìm đến cái chết bất cứ lúc nào. Tối ngày 24/9, chị Thanh được đưa lên tầng 2 của căn nhà để chăm sóc, phía dưới cơ quan điều tra và rất nhiều người thân khác phục vụ công tác phá án. Bà Nga cùng hai người cô có lấy một bát cháo cho chị Thanh ăn. 

"Vừa ăn xong, chị Thanh nhẹ nhàng cảm ơn mọi người rồi nhân lúc không ai để ý, chị chạy ra ngoài ban công đập đầu vào tường 3 cái rồi ngất đi. Rất may, việc đó chỉ khiến chị bị thương nhẹ. Nhưng chúng tôi hiểu rằng, chị ấy có thể tìm đến cái chết bất cứ lúc nào. Bây giờ, luôn phải có 2 thanh niên ở bên cạnh để có thể bảo vệ chị Thanh khỏi những tình huống xấu nhất", bà Nga chia sẻ.

Hiện tại, sức khỏe và tinh thần của chị Thanh không còn kiệt quệ đến mức ngất lên ngất xuống như ngày xảy ra vụ thảm án, nhưng vẫn còn rất yếu. Bà Nga trăn trở: "Làm thế nào để chị Thanh vượt qua được cú sốc này? Sự thật đang hiện hữu, nó ám ảnh trong tôi một thì với chị Thanh phải là trăm nghìn lần".

Người thân nghi can không có tội!

Cách nhà chị Thanh chừng 3km là nhà của nghi can Doãn Trung Dũng, nơi một người phụ nữ và 2 đứa trẻ khác cũng đang phải sống trong những ngày đen tối nhất của cuộc đời họ. Bởi, áp lực dư luận đang khiến họ cảm thấy phải mình là "một phần riêng biệt" của cuộc đời này mà chủ động xa lánh.

Bà Nguyễn Thị Tiệp - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ TP. Uông Bí cho biết, từ khi cơ quan chức năng xác định nghi can trong vụ việc là Doãn Trung Dũng, phía đơn vị cũng đã xác định được vợ và 2 con của Dũng đều là người tốt, không liên quan đến tội ác này nhưng lại đang phần nào đó gánh chịu "búa rìu" của dư luận nên đã cử người xuống động viên, chia sẻ. Tuy nhiên, vợ của Dũng đã chủ động tránh mặt, không muốn tiếp xúc.

Tham an 4 ba chau o Quang Ninh: Nhung nguoi phu nu lien quan se ra sao?
Ngôi nhà của chị Thanh có còn là tổ ấm sau vụ thảm án?

"Chị ấy đang rất cần sự đồng cảm của mọi người. Có lẽ, chị ấy tránh không phải vì không muốn tiếp xúc, mà có thể là đang cảm thấy mình cũng có một phần lỗi trong tội ác mà chồng mình gây ra", bà Tiệp đồng cảm.

Bà Nga cũng cho biết, con trai lớn của Dũng 15 tuổi, đứa con thứ 2 đang học cấp 1. Hội Phụ nữ đã làm việc với Phòng GD&ĐT TP. Uông Bí và đi đến thống nhất, kiên quyết không để cho các con của nghi can Dũng vì chuyện của bố mà phải bỏ học. Trưởng Phòng GD&ĐT đã làm việc trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm lớp con nghi can đang theo học để thống nhất về điều này.

"Người dân cũng cần phải thông cảm cho vợ con, người thân của nghi can. Nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất là con trẻ, có khi các cháu chưa ý thức được nên có thể có ngôn từ trêu đùa khiến các con của nghi can Dũng bị ảnh hưởng tâm lý, mặc cảm mà bỏ học giữa chừng", bà Nga nói.

Bà Nga chia sẻ thêm, công tác hậu cần sau vụ thảm án đau lòng xảy ra trên địa bàn không chỉ dừng lại sau khi công tác điều tra của công an kết thúc, những đối tượng liên quan bị pháp luật xử lý. Để giúp được những người liên quan, không chỉ cần sự vào cuộc của tất cả các ban ngành mà còn phải có sự ủng hộ, đồng cảm sâu sắc của toàn xã hội đối với hai người phụ nữ liên quan đến vụ trọng án.

Đông Tẩu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI