Thách thức thiết kế trang phục cho các cuộc thi nhan sắc

23/09/2022 - 07:17

PNO - Các cuộc thi tuyển chọn trang phục truyền thống cho các người đẹp ngày càng được tổ chức quy mô hơn. Tuy nhiên, yêu cầu giữ gìn tính truyền thống bên cạnh những cách tân mới mẻ là thách thức không nhỏ đối với các nhà thiết kế.

Các sân chơi ngày càng chuyên nghiệp

Cuộc thi tuyển chọn trang phục truyền thống cho đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ được Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam khởi xướng lần đầu cách đây sáu năm. Thí sinh gửi bản vẽ, sau các vòng thuyết trình, ban giám khảo sẽ chọn ra những mẫu xuất sắc nhất thực hiện thành trang phục. Nhiều mẫu thiết kế lấy ý tưởng từ nghề đan tre nứa, bánh mì, cà phê phin, nghề nuôi tằm dệt lụa, hoa sen… đã được chọn làm trang phục truyền thống cho các người đẹp Việt dự thi quốc tế.

Thiết kế Chiếu Cà Mau đạt giải nhất cuộc thi tìm kiếm trang phục truyền thống tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 
Thiết kế Chiếu Cà Mau đạt giải nhất cuộc thi tìm kiếm trang phục truyền thống tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 

Năm nay, sân chơi được mở rộng, chuyên nghiệp hơn. Thay vì nhận bài thi riêng lẻ, ban tổ chức (BTC) Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 liên kết với các trường đại học (ĐH) có đào tạo chuyên ngành thiết kế thời trang như: ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Hoa Sen, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM... để chiêu mộ tài năng trẻ. Có đến 41 bản vẽ được chọn may thành mẫu thật, trình diễn trong một đêm thi riêng vào tháng Sáu vừa qua. Thiết kế đạt giải cao nhất được chọn làm trang phục truyền thống cho hoa hậu Ngọc Châu dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2022.

Từ năm 2019, Sen Vàng Entertainment (đơn vị nắm bản quyền cử thí sinh dự thi Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, Hoa hậu Liên lục địa…) cũng bắt đầu chọn các mẫu áo dài được thiết kế độc đáo cho các người đẹp đi thi quốc tế, giao cho một số nhà thiết kế (NTK) có tiếng thực hiện. Năm nay, đơn vị này tổ chức một sân chơi riêng mang tên Trang phục văn hóa dân tộc. 60 bản vẽ tốt được chọn thực hiện thành mẫu thật, dưới sự hướng dẫn của sáu NTK, sẽ được trình diễn trong một đêm thi riêng vào cuối tháng Chín. Những trang phục đạt giải cao nhất sẽ được mang dự thi tại các cuộc thi quốc tế. Từ năm 2019, BTC Hoa hậu chuyển giới Việt Nam cũng áp dụng hình thức tuyển chọn tương tự.

Ông Trần Việt Bảo Hoàng - CEO Uni Media, Phó BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - cho biết: Sân chơi này nhằm tôn vinh nét đẹp đa dạng trong văn hóa Việt Nam và các NTK - người giúp các người đẹp tỏa sáng tại các sân chơi quốc tế.  

Thí sinh thuyết trình trong vòng chọn đội tại cuộc thi Trang phục văn hoá dân tộc thuộc khuôn khổ Hoa hậu Hoà bình Việt Nam 2022
Thí sinh thuyết trình trong vòng chọn đội tại cuộc thi Trang phục văn hoá dân tộc thuộc khuôn khổ Hoa hậu Hoà bình Việt Nam 2022

Áp lực dung hòa truyền thống với hiện đại

NTK Thái Trung Tín (một trong sáu huấn luyện viên tại cuộc thi Trang phục văn hóa dân tộc) đánh giá cao khả năng sáng tạo của các thí sinh. Anh cho biết: “Các thí sinh năm nay đều sinh năm 1997 (gen Z) trở về sau. Tiếng nói cá nhân của thế hệ này trong nghệ thuật rất mạnh. Việc tiếp cận các luồng văn hóa bên ngoài dễ dàng, quan sát được sự thay đổi, chuyển động của các cuộc thi nhan sắc quốc tế giúp họ có nhiều ý tưởng sáng tạo táo bạo. Nhưng làm sao để dung hòa được sự mới mẻ, hiện đại này với tính truyền thống là một bài toán khó”.

Thực tế, những năm qua, không ít lần các bản vẽ gây tranh cãi dữ dội. Trong đó, phác thảo lấy ý tưởng từ bàn thờ gia tiên, chùa tháp Phổ Minh… đặc biệt là cầu tõm đã khiến công chúng “dậy sóng”. Nhiều mẫu phác thảo lai căng về văn hóa. Chẳng hạn, có thí sinh dùng hình ảnh hoa dâm bụt để vẽ mẫu phác thảo, nhưng không biết đây là quốc hoa của Malaysia. Nhiều phác thảo lấy ý tưởng từ các món ăn như: hủ tíu nam vang, phở, bún nước lèo, bánh xèo… Tuy nhiên, thiết kế lại trông na ná như nhiều mẫu thiết kế trang phục từng xuất hiện trong nhiều cuộc thi hoa hậu của Thái Lan. Một số thiết kế quá hở hang, táo bạo đến phản cảm, hoặc làm méo mó hình ảnh áo dài.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam nói, sở dĩ cuộc thi Trang phục văn hóa dân tộc có sự đồng hành của các NTK chuyên nghiệp, là bởi ngoài việc hỗ trợ thí sinh về mặt kỹ thuật, thì họ cùng BTC sẽ là những người “gác cổng” để đảm bảo tính văn hóa, thẩm mỹ của các thiết kế. NTK Vũ Việt Hà (một trong sáu huấn luyện viên tại cuộc thi Trang phục văn hóa dân tộc) cho biết các mẫu thiết kế luôn đề cao tiêu chí sáng tạo nhưng không lai căng. Trước khi đẹp, cần phải đúng. Vì thế, với những hoa văn, màu sắc gắn với một yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo cụ thể, anh sẽ tìm lại các tài liệu liên quan để kiểm tra độ chính xác, sau đó trao đổi, hoàn thiện cùng thí sinh. Bên cạnh khâu kiểm soát của BTC, NTK chuyên nghiệp, việc đăng tải các bản vẽ lên mạng xã hội cũng nhằm giúp thu thập ý kiến, phản hồi từ khán giả, để có sự điều chỉnh phù hợp. 

Mẫu phác thảo Bàn thờ từng gây xôn xao tại cuộc thi tìm kiếm trang phục truyền thống cho Hoàng Thuỳ dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2019
Mẫu phác thảo Bàn thờ từng gây xôn xao tại cuộc thi tìm kiếm trang phục truyền thống cho Hoàng Thuỳ dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2019

Nhưng thực tế, nhiều mẫu phác thảo sau những công đoạn trên vẫn gây tranh cãi. Chẳng hạn mẫu thiết kế Bánh mì dành cho H’Hen Niê, Cà phê phin cho Hoàng Thùy dự thi Hoa hậu Hoàn vũ… Gần đây, bộ trang phục mang tên Chiếu Cà Mau sẽ được Ngọc Châu mang dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2022, cũng bị phản ứng. Nhiều người cho rằng quan niệm dân gian rất kiêng kỵ việc đắp/quấn chiếu lên người còn sống.

NTK Thái Trung Tín chia sẻ: “Chinh phục, làm hài lòng công chúng là rất quan trọng, nhưng không có nghĩa chỉ cung cấp những gì họ cần, mà phải mang đến những điều mới mẻ trên nền văn hóa truyền thống. Cái mới bao giờ cũng cần thời gian để thích nghi, được chấp nhận. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải thuyết phục công chúng bằng những sản phẩm tốt hơn, đẹp hơn”. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI