Thách thức cung ứng nước sạch cho đô thị

14/06/2023 - 05:58

PNO - Để đảm bảo an ninh nguồn nước, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan hữu quan và người dân, cần có sự chia sẻ trách nhiệm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cung cấp nước sạch cho một thành phố rộng 2.100km2 với 12 triệu người (bao gồm cả 3 triệu người vãng lai), 23 khu công nghiệp, khu chế xuất và hàng ngàn cơ sở sản xuất, dịch vụ là việc không hề dễ dàng. Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (SAWACO) đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ đảm bảo được nhu cầu dùng nước sạch cho toàn thành phố. 

Công nhân SAWACO xác định nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho khách hàng được sử dụng xuyên suốt là trách nhiệm của mỗi thành viên.
Công nhân SAWACO xác định nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho khách hàng được sử dụng xuyên suốt là trách nhiệm của mỗi thành viên

Trong những năm tới, việc cung ứng nước sạch trong bối cảnh biến đổi khí hậu sẽ gặp phải những thách thức rất lớn mà SAWACO phải vượt qua để đảm bảo cung ứng nước sạch cho một thành phố năng động nhất cả nước. 

Điều đầu tiên là dân số và biến động dân số. Hằng năm, TPHCM tăng 250.000 người, chủ yếu là tăng cơ học. Dự báo đến năm 2030, dân số thành phố sẽ tăng lên 10 triệu người và năm 2050 là 15 triệu. Ngoài ra, TPHCM kỳ vọng đón 8-10 triệu khách du lịch quốc tế và 15-20 triệu khách nội địa/năm. Số người tăng lên đồng nghĩa với lượng nước cung ứng sẽ tăng lên để đảm bảo mỗi người sử dụng 200-300 lít nước/ngày.

Tiếp đó là sự thay đổi trong mô hình quy hoạch không gian. TPHCM đang tích cực chuyển từ mô hình một trung tâm (quận 1, quận 3) thành thành phố đa trung tâm, hình thành các đô thị, các khu dân cư mới ở các vành đai. Sẽ xuất hiện các khu đô thị mới như khu đô thị lấn biển 3.000ha ở huyện Cần Giờ với 250.000 dân và 15 triệu khách du lịch/năm; sẽ hình thành các vùng công nghiệp và dịch vụ mới có quy mô rất lớn… Việc quy hoạch trên diện rộng như thế đòi hỏi một hệ thống truyền tải nước rộng lớn hơn và mạnh hơn.  

Hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ là một trong những nhân tố tác động mạnh nhất và khó đoán định nhất. Theo kịch bản, khi trái đất nóng lên làm tan băng 2 cực, nước biển sẽ dâng. Nếu nước biển dâng lên 0,7-1m thì toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ngập sâu và 72% diện tích TPHCM bị ngập. Hiện tượng biến đổi khí hậu đang dần rõ nét, bằng chứng là đỉnh triều tăng cao từng năm. Hệ quả của nước triều dâng là nước mặn xâm nhập vào sông Sài Gòn. Khi độ mặn từ 250mg trở lên/lít (cấp độ 5) thì nước sông Sài Gòn không dùng cho tiêu dùng được nữa. Hệ quả của hạn hán là sông Sài Gòn và các hồ chứa như Trị An, Dầu Tiếng cũng cạn nước. 

Một thách thức lớn nữa là từ công tác quản lý. Hiện nay, 94% nguồn nước thô mà TPHCM đang khai thác là từ hệ thống sông Sài Gòn và Đồng Nai. Tuy nhiên, thành phố nằm cuối lưu vực nên không thể kiểm soát được toàn tuyến. Thượng nguồn sông Sài Gòn, Đồng Nai có 47 nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp xả thẳng nước thải ra sông làm cho nguồn nước đang ô nhiễm nặng. Đã đến lúc cần phải có một hội đồng quản lý sông Sài Gòn gồm lãnh đạo các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và TPHCM.

Ngoài ra, còn có những thách thức khác liên quan đến xây dựng và giao thông. Hằng ngày, có cả triệu xe tải, xe máy di chuyển trên các tuyến ống cấp, thoát nước dẫn đến nguy cơ bể vỡ. Ngoài ra, TPHCM đang bị lún, độ lún bình quân hằng năm là 2cm, có nơi 6 - 8cm. 

Hiện nay, nguồn nước đang là vấn đề được toàn cầu quan tâm. Ở Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm đến vấn đề phát triển, bảo tồn, tái tạo nguồn nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và đã được Bộ Chính trị kết luận, thông qua vào ngày 23/6/2022. Điều này cho thấy tính cấp bách và sự quan tâm của cơ quan chức năng về việc bảo đảm an ninh nguồn nước. 

Theo tôi, để đảm bảo an ninh nguồn nước, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan hữu quan và người dân, cần có sự chia sẻ trách nhiệm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cần xây dựng những kịch bản và chuẩn bị đối phó với những biến động có thể xảy ra, bên cạnh đó là quy hoạch không gian, phân bổ dân số hợp lý, kết hợp với xã hội số, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI