Tân sinh viên và cú sốc bị lừa khi thuê trọ

25/08/2023 - 06:40

PNO - Từ giữa tháng Tám, những thí sinh đã chắc chắn được suất vào đại học ở các trường tại Hà Nội và TPHCM bắt đầu lên thành phố tìm nhà trọ. Vì chưa có kinh nghiệm, không ít em đã bị lừa, vừa mất tiền vừa bị ảnh hưởng đến tâm lý nặng nề.

Cú sốc “đầu đời”

Khi biết mình đậu vào Trường đại học Luật Hà Nội, Phương Thảo đã khăn gói đi từ Quảng Ninh lên Hà Nội tìm nhà trọ. Không quen đường, không có phương tiện đi lại nên em và bạn dự định sẽ thuê những khu trọ ở gần trường để tiện đi lại. Và khó khăn bắt đầu. 

Sinh viên tìm nhà trọ tại khu vực trung tâm quận Gò Vấp, TPHCM - Ảnh: Trang Thư
Sinh viên tìm nhà trọ tại khu vực trung tâm quận Gò Vấp, TPHCM - Ảnh: Trang Thư

Những phòng trọ giá rẻ thì tường đã cũ, mái nhà xập xệ, hoặc chủ tính giá điện, nước cao hơn nhiều so với các nơi khác. Với nước, thay vì tính theo khối, chủ trọ quy định tiền nước từ 100.000-200.000 đồng/người/tháng; điện từ 4.000-5.000 đồng/kWh kèm thêm tiền wifi, vệ sinh phòng, rác, nhà giữ xe… lên đến khoảng 400.000 đồng mỗi tháng nữa. Còn những phòng trọ mới, tiện nghi thì giá cả rất đắt. 

Sau khi tham khảo hơn 5 khu trọ, Phương Thảo chọn được một căn khá đẹp, giá cả hợp lý nên đặt cọc 200.000 đồng để giữ phòng. Vài ngày sau, khi em chuẩn bị dọn vào thì không liên lạc được với người nhận cọc. Tìm đến tận nơi thì được biết họ không phải chủ nhà, phòng đó đã có người thuê. “Em lên Hà Nội sớm vì sợ đến ngày sinh viên nhập học đông, dễ gặp phải vấn đề này nhưng cuối cùng vẫn bị lừa mất tiền. Đây thực sự là cú sốc đầu đời của em” - Phương Thảo kể lại.

Cuối cùng, Phương Thảo phải nhờ người quen mới tìm được một phòng trọ tạm ổn, rộng khoảng 15m2 với giá 2,8 triệu đồng/tháng, điện 3.800 đồng/kWh, nước 40.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, vì phòng khá bí, chủ nhà lại quy định “nếu trang bị thêm nội thất cố định thì khi chuyển đi sẽ không được mang theo” nên Thảo và bạn xác định chỉ ở tạm, chờ qua giai đoạn cao điểm sẽ tìm chỗ trọ mới. 

Nữ sinh A.K. - quê ở Trảng Bom, Đồng Nai - thì rơi vào hoàn cảnh rất trớ trêu. Sợ hết phòng, khó tìm nên em và bạn đã lên TPHCM tìm nơi trọ từ trước khi có kết quả trúng tuyển. Không có người thân, cũng không biết đường nên em phải thuê xe để di chuyển hết gần 1 triệu đồng. Xót tiền, em liên hệ một môi giới thì được người này giới thiệu một môi giới khác dắt đi xem chỗ trọ tại quận Bình Thạnh. Sau khi xem qua nội thất, em quyết định đặt cọc giữ trọ trong 1 tháng với giá 5,4 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 ngày sau thì gia đình bạn em gặp vấn đề, không thể đi học tiếp nên A.K. xin lại tiền cọc nhưng bị từ chối.

“Em liên hệ với môi giới thì họ kêu lạc mất liên hệ chủ nhà. Em chỉ mong nhận lại nửa số tiền cọc mà cũng không được. Đây là toàn bộ số tiền mà 2 đứa em đã tích góp trong thời gian học cấp III để chuẩn bị cho việc học đại học, giờ em không biết phải làm sao nữa” - A.K. tiếc nuối. 

A.K. cho biết, ở quê ba mẹ em chăn nuôi heo rất cực khổ. Hiện em đã nhận kết quả trúng tuyển vào Trường đại học Tài chính - Marketing TPHCM nhưng đang nghĩ đến việc bỏ học. “Tiền đâu mà học nữa, mất trắng gần 6 triệu bạc rồi” - em nghẹn ngào.

Giá trọ tăng

Không đợi đến khi thí sinh có kết quả trúng tuyển, từ giữa tháng Tám, những nhà trọ ở khu vực gần các trường đại học lớn tại Hà Nội như phố Chùa Láng, Pháo Đài Láng, Láng Hạ (quận Đống Đa), Dịch Vọng, Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)… gần như đã hết phòng. Số ít còn lại thường là những căn có giá cho thuê cao hoặc xuống cấp, không thông thoáng. Tại quận Cầu Giấy, nếu sinh viên muốn thuê phòng diện tích khoảng 15 - 20m2, cách trường đại học không quá 1km phải trả từ 4-5 triệu đồng/tháng. Nhiều nhà trọ ở khu vực này còn nâng giá lên vài trăm ngàn đồng/tháng gọi là phí dịch vụ. 

Tại TPHCM, chị Quỳnh Như - chủ nhiều căn nhà trọ ở các quận - cho biết, sinh viên thường sẽ tranh thủ tìm trọ trong tháng Tám để tránh tình trạng hết phòng đẹp. Giá phòng chênh lệch nhiều thường do khác biệt về vị trí, nội thất, không gian… Ví dụ, tại Gò Vấp, phòng rộng 15m2, không nội thất, không gác có giá 3,2 triệu đồng/tháng; phòng rộng 30m2, có cửa sổ, có gác giá 4,2 triệu đồng/tháng. Tại quận 1, quận 3, Bình Thạnh, phòng rộng 17m2 với đầy đủ nội thất có giá 5,3 triệu đồng/tháng. “Chủ trọ thường là người đi thuê đất để xây nhà, khi chủ đất tăng giá thì buộc họ phải tăng tiền phòng để bù vào. Giá tăng vì thế sẽ khác nhau, như tôi thì tăng từ 100.000-200.000 đồng/phòng” - chị Như cho biết thêm.

Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng - Phó trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho biết: “Các em tân sinh viên nên liên hệ với nhà trường hoặc các đơn vị, đội nhóm uy tín để nhờ sự hỗ trợ. Tiêu chí đầu tiên để chọn trọ là khoảng cách càng gần trường càng tốt, để tránh bị kẹt xe hoặc sự cố do chưa quen đường. Thứ hai là nên chọn những khu trọ dành cho sinh viên hoặc nhân viên văn phòng để đảm bảo an ninh. Đặc biệt, các em phải trực tiếp đi xem trọ và chỉ đặt cọc khi chắc chắn ở và có hợp đồng rõ ràng”. 

Ông Nguyễn Minh Ngọc - Bí thư Đoàn Trường đại học Công Thương TPHCM - nhận định trong thời gian qua, có rất nhiều chiêu trò lừa đảo phòng trọ khác nhau như nói địa chỉ một chỗ, còn địa điểm cho thuê một chỗ, lừa tiền đặt cọc phòng, xin ở ghép để trộm tài sản… Do đó, sinh viên nếu ở ghép phải xác minh được thông tin của người ở cùng, không tìm kiếm nhà trọ trên các trang chưa được xác thực. 

Trước tình trạng lừa đảo khi thuê phòng trọ hiện nay, ông Lê Nguyễn Nam - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM (SAC) - khuyên tân sinh viên: “Ngoài việc tìm hiểu trên mạng, sinh viên cần đến tận nơi để kiểm tra phòng trọ và đảm bảo xác thực người cho thuê chính là chủ nhà. Khi xem phòng và ký hợp đồng, các em nên nhờ người lớn có kinh nghiệm sống, làm việc ở thành phố đi cùng”. 

Chương trình kết nối sinh viên với những nhà trọ uy tín 

Ông Lê Nguyễn Nam cho biết Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM và các trường đại học hằng năm đều có chương trình kết nối sinh viên với những nhà trọ uy tín. Tân sinh viên khi làm hồ sơ nhập học có thể tham khảo qua kênh này. 

Hiện nay, trung tâm đã bắt đầu tiếp nhận đăng ký từ những nhà trọ khắp TPHCM. Các chủ nhà trọ sẽ đến trực tiếp trung tâm hoặc liên hệ qua số điện thoại để cung cấp thông tin thuê trọ. Sinh viên chỉ cần lên fanpage nhà trọ của trung tâm để tìm nhà trọ đã được trung tâm kiểm duyệt. Nhờ sự kết nối này, nhiều sinh viên năm nhất thuê được trọ đã ở đến khi ra trường mà không phải chuyển trọ nhiều lần. 

Anh Nhàn 

Ưu tiên việc đăng ký ở ký túc xá

Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng cho rằng nếu được thì các tân sinh viên nên ưu tiên đăng ký ở ký túc xá. Riêng tân sinh viên của Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có thể ở ký túc xá của trường hoặc ký túc xá khu B Đại học Quốc gia TPHCM (trường có ký thỏa thuận hợp tác). Trong năm học 2023-2024, ký túc xá khu B sẽ tiếp nhận khoảng 36.500 sinh viên nội trú, trong đó có hơn 10.000 chỗ dành cho tân sinh viên. Các em có thể đăng ký nhiều loại phòng như phòng dịch vụ 2 người, phòng dịch vụ 4 người, phòng 6 và phòng 8 người. Giá phòng mỗi tháng chỉ dao động từ 180.000-1.250.000 đồng/sinh viên, tùy loại phòng. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên ký túc xá có chương trình miễn, giảm phí nội trú cho sinh viên thuộc diện mồ côi, khuyết tật, bệnh hiểm nghèo hoặc gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn…; bắt đầu triển khai chương trình “Bếp ăn chia sẻ” với những phần ăn miễn phí cho các trường hợp đặc biệt.

Việc duy trì mở cửa lúc 5g sáng và đóng cửa lúc 11g tối của ký túc xá sẽ giúp các em rèn luyện kỷ luật về thời gian và đảm bảo an toàn tốt nhất. Sau năm học đầu tiên, các em đã quen với môi trường mới thì việc chuyển ra ngoài (nếu muốn) sẽ thuận lợi và an toàn hơn. 

Trang Thư


Nhóm phóng viên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI