Tầm soát bệnh để nâng cao chất lượng sống cho người già

22/09/2023 - 06:18

PNO - Việt Nam đang nằm trong số những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Do vậy, nâng cao chất lượng sống cho người già là một yêu cầu cấp thiết.

 

Người già neo đơn được chăm sóc sức khỏe tại mái ấm Thiên Ân, TP Thủ Đức, TPHCM - ẢNH: S.V.
Người già neo đơn được chăm sóc sức khỏe tại mái ấm Thiên Ân, TP Thủ Đức, TPHCM - ẢNH: S.V.

Việt Nam đang nằm trong số những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Do vậy, nâng cao chất lượng sống cho người già là một yêu cầu cấp thiết đối với ngành y tế, lao động - thương binh và xã hội cũng như các đoàn thể và địa phương.

Cải thiện mạng lưới lão khoa

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,7, cao hơn mức trung bình của thế giới. Trong đó, tuổi trung bình của nam là 71 tuổi, nữ là 76,4. Dù vậy, số năm sống khỏe mạnh của người Việt còn khiêm tốn: nam là 63,2 và nữ là 63,2. 

Bác sĩ tư vấn sức khỏe cho người bệnh sau khi khám miễn phí tại Trạm Y tế phường 5, quận 3, TPHCM - Ảnh: Phạm An
Bác sĩ tư vấn sức khỏe cho người bệnh sau khi khám miễn phí tại Trạm Y tế phường 5, quận 3, TPHCM - Ảnh: Phạm An

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương - cho rằng, đây là một vấn đề đáng suy nghĩ. Tuổi thọ của người Việt cao nhưng người già phải sống với nhiều bệnh lý phối hợp. Theo một nghiên cứu của bệnh viện này, những bệnh nhân trên 80 tuổi có đến 6 bệnh phối hợp như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ… Nhiều quốc gia trên thế giới có lộ trình để “đón tuổi già”, nhưng ở Việt Nam, hầu hết người cao tuổi (NCT) cũng như hệ thống chăm sóc đi kèm đều chưa sẵn sàng. 

Dẫn kết quả một cuộc khảo sát gần đây, tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh (Trường đại học Y Hà Nội) cho biết, có tới hơn 90% NCT mắc bệnh đục thủy tinh thể, hơn 50% bị sa sút trí tuệ, trên 48% bị giảm thính lực. Bên cạnh đó, người già còn có nguy cơ trầm cảm cao kèm một số bệnh phổ biến do loãng xương, té ngã. Theo cuộc khảo sát này, có 21,9% NCT cho biết phải nằm viện trong vòng 1 năm qua, trong đó 94% vào cơ sở y tế công, 5% vào cơ sở y tế tư nhân; có tới 87% NCT điều trị ngoại trú ở bệnh viện công.

Bác sĩ Kim Thanh nhận xét, hệ thống y tế hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT. Hiện cả nước chỉ có 1 bệnh viện dành cho NCT là Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Theo thông tư của Bộ Y tế, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh phải có khoa lão nhưng cả nước chỉ có khoảng 40% bệnh viện tuyến tỉnh có khoa này. Phần lớn NCT ở Việt Nam được bạn đời chăm sóc, số ít hơn được con cháu chăm sóc. Ngoài các nhà dưỡng lão, Việt Nam chưa có bệnh viện chăm sóc NCT dài hạn. 

Theo bác sĩ Kim Thanh, năm 2023, TP Hà Nội có khoảng 10 triệu dân, cần ít nhất 10 bệnh viện, khoa lão và trung tâm y tế để phục vụ người già. Việc nâng cao chất lượng và số lượng cơ sở y tế cho NCT là điều vô cùng cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn dân số già sắp tới. 

Bà cũng đề xuất Nhà nước có thêm nhiều chính sách hơn cho NCT như “bảo hiểm người già” hoặc “bảo hiểm chăm sóc dài hạn”. Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chăm sóc NCT, chú trọng xây dựng hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế.

Người cao tuổi ở TPHCM được khám bệnh miễn phí

Nhằm kiểm soát bệnh, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho NCT, ngành y tế TPHCM sẽ chi gần 150 tỉ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho hơn 1 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Tính đến tháng 8/2023, 49 phường, xã đã thí điểm khám sức khỏe miễn phí cho NCT, gồm khám, xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm tổng quát, xét nghiệm máu…

Bác sĩ Diệp Thủy Xuân Dung (Trạm Y tế phường 2, quận 8, TPHCM) khám bệnh, tư vấn, phát thuốc cho một cụ già - Ảnh: Thu Lê
Bác sĩ Diệp Thủy Xuân Dung (Trạm Y tế phường 2, quận 8, TPHCM) khám bệnh, tư vấn, phát thuốc cho một cụ già - Ảnh: Thu Lê

Cuối tháng 8/2023, rất đông NCT đã được mời đến Trạm Y tế phường 9, quận 8 để khám sức khỏe miễn phí. Bà P.T.G. (63 tuổi) nói: “Được mời đi khám miễn phí, tôi mừng lắm, nhờ con chở đi liền. Sau khi khám, bác sĩ cho thuốc uống và còn tư vấn cách đo huyết áp tại nhà”. Bà P.T.K.L. (72 tuổi) nói, gia cảnh khó khăn nên bà ít khi đi khám sức khỏe. Do vậy, bà rất vui khi được khám miễn phí. 
Tại Trạm Y tế phường 5, quận 3, khi có kết quả khám sức khỏe, bà P.T.M.T. (66 tuổi) chăm chú nghe bác sĩ giải thích về bệnh cao huyết áp, tiền sử ung thư của bà. Khi được biết vẫn có thể theo dõi sức khỏe ở trạm y tế phường, bà T. rất mừng bởi gần nhà, không phải chầu chực lâu.

Bà Trần Thị Thu Hà - Phụ trách Trạm Y tế phường 5, quận 3 - cho hay, phường có 790 NCT, đa số mắc các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… Ngoài khám sức khỏe miễn phí, trạm còn theo dõi, tư vấn, phát thuốc bảo hiểm hằng tháng cho các cụ mắc bệnh mạn tính, bệnh nền.
Phó giáo sư, tiến sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho hay, khám định kỳ là một trong những hoạt động trọng tâm của chương trình chăm sóc sức khỏe NCT theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, ở TPHCM, đã có 13.773 người trên tổng số 20.079 NCT được 61 trạm y tế phường, xã mời khám và tầm soát bệnh.

 

Theo kết quả khám, bệnh lý chiếm số lượng cao nhất ở NCT là tăng huyết áp với 7.199 người, kế đến là bệnh đái tháo đường với 2.060 người, 186 người bị hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 170 người có tiền sử ung thư. Qua khám sàng lọc, 360 người có dấu hiệu nghi ung thư và được giới thiệu đến bệnh viện tuyến trên để chẩn đoán. Ngoài ra, 420 người có dấu hiệu trầm cảm, 295 người có dấu hiệu lo âu, 2.277 người có các dấu hiệu suy yếu thể lực, hơn 2.700 người có nguy cơ té ngã cao… 

Sau khi khám xong, nhân viên y tế nhập kết quả xét nghiệm cận lâm sàng vào phần mềm để kết nối dữ liệu vào hồ sơ sức khỏe của người dân. Từ dữ liệu này, ngành y tế xác định được chủ động can thiệp sớm, từ đó tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT. Sau giai đoạn thí điểm, từ năm 2024, Sở Y tế TPHCM sẽ triển khai việc khám sức khỏe miễn phí cho mọi NCT toàn thành phố, không phân biệt thường trú hay tạm trú. 

Khuyến khích người nghỉ hưu tiếp tục làm việc

Trong bối cảnh dân số đang già hóa, Việt Nam đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng nhưng tăng dần theo lộ trình. Giáo sư Giang Thanh Long - giảng viên cao cấp Trường đại học Kinh tế Quốc dân - cho hay, Hàn Quốc, Nhật Bản đã triển khai nhiều chính sách dành cho NCT, trong đó có việc chống phân biệt tuổi tác ở nơi làm việc, giảm, miễn thuế có thời hạn cho doanh nghiệp sử dụng người lao động cao tuổi. Việt Nam cũng nên có thêm các chính sách nhằm tạo ra môi trường làm việc tốt cho NCT.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, Liên hiệp quốc đã đưa ra thông điệp khuyến khích “NCT nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”. Theo tinh thần này, Chính phủ đã trình Trung ương Đảng dự thảo nghị quyết về NCT, trong đó có việc hỗ trợ NCT chuyển đổi nghề nghiệp hoặc tự tạo việc làm, tiếp cận gói tín dụng, khuyến khích các doanh nghiệp có chính sách phù hợp để NCT được làm việc.

Huyền Anh

Bác sĩ trạm y tế đến tận nhà chăm sóc người cao tuổi

Chưa kịp ăn cơm trưa, bác sĩ Diệp Thủy Xuân Dung của Trạm Y tế phường 2, quận 8, TPHCM nhận được cuộc điện thoại, vội xách xe đi. Sau 10 phút, chị có mặt trước ngôi nhà có người đứng đợi sẵn, nhanh chóng theo chân chủ nhà lên lầu 2, nơi bà N.T.S. (63 tuổi) đang nằm đợi.
Vừa lay gọi, bác sĩ Xuân Dung vừa nhanh chóng đo huyết áp cho bà S., hỏi triệu chứng rồi lấy ra 1 chai dung dịch đạm, truyền cho bà. “Tôi chóng mặt, sáng giờ muốn ói mấy lần” - bà S. nói. Bác sĩ Xuân Dung giải thích: “Bà bị cao huyết áp lâu năm, thoái hóa cột sống cổ làm chèn ép rễ thần kinh, khiến máu lên não khó khăn, gây thiếu máu não”. Nghe bác sĩ nói, bà S. bớt lo lắng hẳn. 
Bác sĩ Xuân Dung cho biết, từ sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, người dân phường 2 đến trạm y tế nhiều hơn. Khi có triệu chứng lạ, mọi người đến trạm y tế khám, hỏi ý kiến bác sĩ của trạm. Bác sĩ Xuân Dung sẽ theo dõi, cấp thuốc định kỳ cho những người già bị các bệnh về huyết áp, tiểu đường, hướng dẫn những người mắc các bệnh lý phức tạp đến các bệnh viện để khám và điều trị. Với các bệnh nhân lớn tuổi, đi lại khó khăn, bác sĩ Xuân Dung đến tận nhà khám, truyền dịch, chích thuốc. Nhờ được bác sĩ trạm y tế can thiệp kịp thời trước khi đến bệnh viện mà một số ca đột quỵ, xuất huyết não tránh được các di chứng nặng.

Thu Lê

Các thuốc điều trị COVID-19 khiến bệnh mạn tính nặng thêm

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Bích Hà - Phó trưởng khoa Lão và Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - sau đợt dịch COVID-19, cần quan tâm một số vấn đề phát sinh khi chăm sóc NCT. Theo đó, NCT từng mắc bệnh COVID-19 sẽ bị bệnh này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Kể cả khi khỏi bệnh, NCT vẫn có thể bị tổn thương các cơ quan, dẫn đến mắc bệnh suy thận mạn tính, xơ phổi, suy tim. Đặc biệt, các thuốc dùng để điều trị COVID-19 như dexamethasone, thuốc kháng vi rút, thuốc ức chế miễn dịch, thở ô xy dòng cao… có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh mạn tính của NCT.
Đối với NCT mắc bệnh mạn tính, người bệnh và thân nhân cần hiểu rõ về bệnh lý, nắm rõ các dấu hiệu bệnh trở nặng để người bệnh được khám và nhập viện kịp thời. Cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được ngưng thuốc đột ngột; phải tái khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, người thân nên động viên, hỗ trợ tâm lý, có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt đúng mực cho người bệnh cao tuổi. Người thân của bệnh nhân cao tuổi có thể tham vấn bác sĩ dinh dưỡng để được hướng dẫn những thực đơn cần thiết, phù hợp. Việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý giúp tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng, đảm bảo năng lượng cho các hoạt động hằng ngày, giúp các cụ có được tinh thần thoải mái, phấn chấn hơn và hạn chế một số bệnh thông thường như cảm cúm, sốt.

Phạm An 

Quan tâm sức khỏe tinh thần của người cao tuổi

Theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến (Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức, TPHCM), những người sống thọ thường có thái độ lạc quan, tinh thần sảng khoái. Do đó, bên cạnh chăm sóc sức khỏe thể chất, cần quan tâm sức khỏe tinh thần NCT.
NCT thường bị suy giảm, mất dần các khả năng từng có như vận động, đi lại, nấu ăn… Từ đó, họ cảm thấy mình làm phiền con cháu và trở nên buồn bã, dễ tủi thân. Cũng có cụ cảm thấy hụt hẫng khi nghĩ mình mất đi vị thế trong gia đình. Vì vậy, nếu sống với NCT, các thành viên trong gia đình cần kiên nhẫn, tế nhị, tôn trọng để họ thoải mái, vui vẻ, phấn chấn. Nên tạo điều kiện để người già tham gia câu lạc bộ dành cho NCT để có thêm bạn; khuyến khích người già tham gia những hoạt động hằng ngày như đi bộ, bơi, đánh cờ, tập thể dục dưỡng sinh, đi du lịch… để họ thoải mái tinh thần, lạc quan, yêu đời. Tinh thần tốt lên sẽ giúp thể chất khỏe mạnh hơn, đẩy lùi được bệnh tật.

Phạm An 

Huyền Anh-Phạm An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI