|
Ảnh minh họa |
Mùa xuân năm ấy, vừa 10 năm tròn kể từ khi lấy chồng, tôi mới ăn một cái tết trọn vẹn với mẹ. Một cái tết mừng mừng tủi tủi, phần vì tôi muốn con gái bé nhỏ được hưởng không khí tết quê, phần vì cuộc hôn nhân của tôi cũng có chuyện chẳng lành.
Cái tết ấy cũng đánh dấu việc tôi chính thức rời đi khỏi ngôi nhà tôi làm vợ, làm mẹ. Chúng tôi chỉ còn chờ ngày đưa đơn…
Chiều 29 tết, mẹ bỗng mở tủ quần áo và tìm kiếm thứ gì đó. Rồi mẹ cầm cái máy ảnh con con của tôi lên hỏi:
- Máy này chụp ảnh có đẹp không?
- Đẹp mẹ ạ.
- Thế thì chụp cho mẹ nhé!
Tôi nhìn ra sân. Trời âm u như muốn mưa. Tôi nói:
- Ánh sáng này không ổn lắm, để mai xem, có nắng chụp mới đẹp.
Nhưng mẹ tôi kiên định:
- Cứ chụp, đẹp xấu cũng được.
Trong lòng mẹ có một quyết tâm nào đó. Mẹ đã có một tấm hình rất đẹp, chụp cách đây khoảng gần 15 năm, nhưng lúc nào mẹ cũng nói tấm hình đó trông trẻ quá.
Đấy là lý do mẹ lục tủ để tìm một cái áo. Áo dài may bằng tơ tằm, màu hạt dẻ. 15 năm trước, mẹ đã mặc nó để chụp tấm hình chân dung “trông trẻ quá” kia.
Mẹ vào buồng trong, khép cửa, soi vào tấm gương nhỏ để vấn tóc. Không có chỗ thuận tiện để làm điểm tựa cho tấm gương, mẹ phải đặt nó lên đùi, chân co lóng ngóng, rồi chốc chốc, một tay giữ tóc, tay kia mẹ cầm gương lên soi. Chiếc khăn vấn bằng the đen, tôi nhớ ngày xưa mẹ vẫn dùng nó để vấn tóc mỗi khi có việc trang trọng như cưới hỏi, hội hè.
Tóc mẹ đã bạc quá nửa và rụng đi nhiều, nên việc vấn nó lên cũng phải khéo léo, công phu lắm mới được. Mẹ bị bệnh parkison, tay hơi run rẩy. Nhưng không ai ngoài chính mẹ có thể vấn được kiểu tóc cổ xưa ấy, nên mẹ lặng lẽ và chậm rãi tự chau chuốt từng tí một cho mình. Còn tôi lặng lẽ quan sát mẹ.
Tóc vấn xong, trông mẹ phúc hậu hơn nhưng cũng già hơn. Rất nhiều sợi tóc đã bạc, vì quá ngắn, nên nó không thuận theo chiếc khăn, cứ lòa xoà xuống vành tai và trán. Mẹ có vẻ không ưng ý lắm, cứ chốc chốc lại đưa tay lên, hết vuốt lại vén, và khẽ lắc đầu.
Cuối cùng thì mái tóc cũng được vấn xong. Mẹ cầm tấm áo lên ngắm nghía, ướm thử vào người. Đến lúc này thì tôi không nén nổi tò mò. Tôi chạy đến bên mẹ:
- Mẹ định mặc áo này? Mẹ đã béo lên nhiều rồi, làm sao vừa nữa?
- Ừ nhỉ, mà nó cũng rách lỗ chỗ hết cả rồi.
Tôi đón tấm áo từ tay mẹ. Quả thật, nó đã rách lỗ chỗ, kiểu vải để lâu ngày “tự cắn”. Mẹ như đọc được ý nghĩ của tôi, bảo:
- Áo cưới đấy. Hơn 50 năm rồi còn gì!
Tôi kinh ngạc:
- Là áo cưới của mẹ?
- Đúng thế. Chỉ mặc ngày đó, rồi mặc để chụp tấm ảnh kia là lần thứ hai.
Tôi nhớ ngày trước, mẹ thường kể, đám cưới mẹ: “Nhà bố con gánh đến ba gánh gạo, một con lợn, bà nội con may cho mẹ một bộ quần áo, một cái nón, chỉ có vậy”.
Thì ra, tấm áo ấy là đây... Suốt hơn 50 năm qua, trải bao khốn khó của cuộc sống, với ít nhất ba lần sửa nhà mà tôi chứng kiến, lại vài đận nhà bị mối xông, mẹ vẫn giữ được tấm áo như một kỷ vật thiêng liêng.
Năm đó mẹ tròn 75 tuổi, cái tuổi được mừng thọ, và ở làng, người ta tổ chức mừng thọ cho những người cao tuổi vào mỗi mùa xuân. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao mẹ lại muốn chụp ảnh. Một tấm ảnh có mái tóc vấn kiểu xưa. Rồi mẹ tiếc nuối ngắm nghía tấm áo và nhắc đi nhắc lại: “Sao lại có thể béo thế này!”.
Tôi, đáng lẽ có thể mua cho mẹ một tấm áo dài nhung phù hợp với tuổi mẹ, số đo mới của mẹ, nhưng sao tôi đã quên điều ấy!
Mẹ chẳng trách gì. Mẹ lúc nào cũng hiểu mọi chuyện. Những năm qua, chưa bao giờ tôi than thở với mẹ về trắc trở của cuộc sống riêng, nhưng đến khi tôi nói tôi cho con về quê ăn tết với mẹ, qua điện thoại, mẹ nói mẹ vui, nhưng tôi biết, mẹ đã linh cảm những chuyện chẳng lành...
Cả đời mẹ, có biết bao nỗi buồn đã phải nén lại, cất đi. Một người đàn bà sinh bốn cô con gái, ngày ấy không có mụn con trai nối dõi tông đường, là cả đời sống không yên trong mặc cảm tội lỗi với cha mẹ, tổ tiên. Một người vợ có người chồng quanh năm thuốc thang đau ốm, là phải thay chồng gồng gánh cả một gia đình, đi qua giữa những năm tháng gieo neo trải từ hai cuộc chiến tranh đến thời bao cấp muôn vàn gian khó, và sau rốt thì vẫn cả một đời nai lưng vắt kiệt mồ hôi trên đồng ruộng.
Tôi luôn tự hỏi, liệu có mấy lần trong cuộc đời mẹ được mặc lên mình những tấm áo đẹp? Có lẽ chỉ là đếm trên đầu ngón tay đấy thôi. Ngay như tấm áo cưới, chỉ được mặc lại duy nhất một lần, mà mẹ đã cất giữ nó nguyên vẹn như thế suốt hơn nửa thế kỷ đời người...
Những gì gọi là kỷ vật đều thật quý báu, thiêng liêng với người cất giữ. Nhưng có những kỷ vật, nhớ đến là cứ nhói nhói trong lòng…
Trang Thanh