Tà Năng - Cẩn thận với 'cung đường săn mây'

27/12/2019 - 08:08

PNO - Tà Năng - Phan Dũng là con đường trekking đẹp nhất Việt Nam và nó gần như là con đường nguy hiểm nhất.

Mùa cuối năm được xem là thời điểm thích hợp và đẹp nhất cho việc trekking cung đường Tà Năng - Phan Dũng. Cung đường này trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết vào những ngày cuối tuần, khi hàng chục đoàn leo núi, trekking từ mọi nơi đổ về, cũng chỉ bởi khát khao một lần chạm đỉnh Tà Năng cao hơn 1.100m so với mực nước biển.

Ý chí thép cho cung đường tuyệt hảo

Tà Năng - Phan Dũng là cung đường dài hơn 50km thuộc địa phận hai tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, nơi đây quả thật không dành cho người có thể lực và ý chí yếu đuối.

Ta Nang - Can than voi 'cung duong san may'
Dốc cao đòi hỏi người đi phải rất cẩn thận khi lên xuống để tránh trượt chân

Chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục cung đường hiểm trở này vào những ngày cuối tháng 11. Theo lịch trình, chúng tôi sẽ đi bộ hơn 40km đường núi và qua đêm trên đỉnh Tà Năng. Mọi chuyện đã bàn bạc xong, ai nấy hăng hái lên đường, lòng đầy nhiệt huyết cho đến khi 20km đầu trôi qua…

Đã hết những cánh đồng lúa thơ mộng, những thảo nguyên xanh rì với đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ ở những cung đường đầu tiên. Đối diện với chúng tôi là những con dốc dựng đứng như thách thức chúng tôi chinh phục. Nhiều bạn trẻ đã ngã quỵ, thậm chí một số bạn đã khóc đòi “tìm mọi cách về nhà”. Nhưng rồi mọi người vẫn tiếp tục động viên nhau vượt qua đoạn đường còn lại vì một khi đã lên đến đây, không một ai có thể giúp bạn trừ chính bản thân bạn.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra giữa lúc mọi người đang hoảng lên vì mệt lả cùng với hai khớp gối sưng vù không nhấc chân lên nổi: tại sao biết mệt mà vẫn đi? Tại sao tôi phải đối mặt với những điều khắc nghiệt này thay vì nệm ấm chăn êm?… 

Ta Nang - Can than voi 'cung duong san may'
Niềm vui khi đứng trên đỉnh Tà Năng

Có lẽ điều thuận lợi giúp chúng tôi vượt qua những ngọn núi cao kia chính là thời tiết khá mát mẻ. Đang 12g nhưng bạn có thể cảm nhận được rằng, bạn đang trong phòng lạnh với chiếc điều hòa đang bật 220C. Không khí mát mẻ phần nào giúp chúng tôi giảm mệt mỏi và nhanh chóng lấy lại sức vì biết rằng còn hơn 20km đường núi đang chờ mình phía trước.

Ngủ trên đỉnh trong cái lạnh 140C

16g30 cùng ngày, khi chúng tôi vừa check-in xong đỉnh Tà Năng - Phan Dũng cũng là lúc màn đêm kéo xuống rất nhanh. Mỗi người một tay nhanh chóng dựng lều nhóm lửa chuẩn bị bữa ăn cho cả nhóm sau một ngày mệt rã rời.

Các món BBQ bên bếp lửa đỏ hồng là sự lựa chọn hàng đầu của chúng tôi trong hoàn cảnh này. Bạn sẽ không thấy lạ lẫm khi hầu hết mọi người nơi đây đều không tắm sau một ngày mồ hôi nhễ nhại. Giữa cái lạnh 140C, tôi nghĩ việc bạn cảm thấy cơ thể mình dơ và rít sẽ ít quan trọng hơn việc chăm sóc cho cái bụng đói và giữ ấm cơ thể.

Ta Nang - Can than voi 'cung duong san may'
Bình trà nóng giúp chống lại cái lạnh 140C trên đỉnh Tà Năng

Trời càng về khuya, nhiệt độ càng xuống thấp. Những cơn gió rít theo từng đợt đập vào lều trại khiến bạn không sao ngủ được bởi cái lạnh thấu xương cùng mùi thơm của thịt nướng vương vít trên áo quần.

Những kẻ trẻ tuổi lãng mạn trong đoàn chúng tôi đã pha một ấm trà bên bếp lửa, sau đó mời mọi người xung quanh thưởng trà và đàn hát cho nhau nghe những bản nhạc về núi rừng. Giai điệu bài hát Giấc mơ Chapi thật hoang dã và ấn tượng trong những hoàn cảnh như thế này. Bạn sẽ cảm thấy bớt lạnh khi nhấp ngụm trà nóng cùng một miếng thịt trâu gác bếp bên bếp lửa hừng hực cháy.

Bình minh, săn mây và thở ra khói…

Còn gì tuyệt hơn một tách cà phê giữa cái lạnh 140C, không khí như đặc quánh bởi cái se sắt nơi đây.

Ta Nang - Can than voi 'cung duong san may'
Bình minh trên đỉnh Tà Năng sẽ không làm bạn thất vọng

Những tưởng cảnh tượng thở ra khói chỉ có trong những bộ phim ngôn tình Hàn Quốc, nhưng nếu bạn muốn thử cảm giác ấy, nơi đây quả thật dành cho bạn. Tách cà phê trên tay chưa kịp chụp hình sống ảo đã nguội ngay bởi cái thời tiết lạnh khô này.
Đoàn chúng tôi thưởng thức món mì trứng hảo hạng từ vị bếp trưởng kiêm trưởng đoàn trước khi rời đi để hoàn thành phần còn lại của cung đường rừng Phan Dũng.

Theo một dân chuyên trekking, săn mây chỉ dễ dàng và đẹp nhất khi tối hôm trước có mưa và sáng sớm, mây sẽ giăng phủ cả khu đồi. Không biết là may hay rủi khi tối qua không mưa nhưng quả thật, nếu đêm qua có mưa, chúng tôi sẽ ướt sũng.

Ta Nang - Can than voi 'cung duong san may'
Các món BBQ là sự lựa chọn hàng đầu của giới trekking

Một vài động tác thể dục giúp mở rộng lồng ngực cùng lời cầu nguyện cám ơn đất trời, thiên nhiên nơi đây đã cho một đêm ngon giấc giúp chúng tôi tự tin hơn trên cung đường còn lại.

Nhưng đâu đó nguy hiểm vẫn bủa vây

Hẳn bạn chưa quên cái chết gây chấn động của một nữ phượt thủ do bị nước cuốn trôi khi cố chinh phục cung đường Tà Năng - Phan Dũng vào năm 2017. Đến năm 2018, người ta lại bần thần khi hay tin một chàng trai bỏ mạng sau khi bị trượt chân ngã từ một thác nước. Hay gần đây nhất là một người đàn ông tử vong bên xe máy khi đang trên cung đường Tà Năng - Phan Dũng vào tháng 5/2019.

Những trường hợp kể trên chắc hẳn nhiều người đã biết hoặc đã nghe nói đến. Nhưng điều gì khiến người ta bỏ qua những cảnh báo nguy hiểm chết người, khăn gói lên đường?

Ta Nang - Can than voi 'cung duong san may'
Những thảo nguyên xanh rì là khởi đầu nhẹ nhàng cho chuyến trekking Tà Năng - Phan Dũng

Cùng nhìn lại cung Tà Năng - Phan Dũng, đây là cung đường thuộc hai xã giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Địa hình xã Tà Năng (tỉnh Lâm Đồng) là địa hình đồi núi, khí hậu mát mẻ, địa hình Phan Dũng là địa hình rừng rậm (thuộc xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Hai địa hình trái ngược nhau dù chỉ cách nhau hơn 50km khiến nhiều bạn trẻ luôn muốn chinh phục bởi sự hùng vĩ đặc biệt của hai địa danh cận kề này.

Hơn nữa, sự thiếu hiểu biết của một số bạn trẻ khiến cung đường này càng ẩn chứa nhiều nguy hiểm hơn, đặc biệt là những chuyến du lịch tự phát, mang vác hàng tá đồ ăn uống. Những chuyến đi này lạm dụng sức khỏe, gây mệt mỏi, vô tình biến chuyến trải nghiệm trở thành một chuyến “hành xác” thực sự.

Trekking an toàn
- Không đi một mình mà ít nhất từ hai người trở lên, giữ liên lạc đều đặn với nhau. Khi ở trong rừng không có sóng điện thoại hoặc sóng điện thoại yếu, người bạn đường chính là người sẽ hỗ trợ bạn trong mọi tình huống. 

- Tuyệt đối không rời khỏi đoàn khi chưa có sự đồng ý của trưởng đoàn. Việc tách đoàn khi bạn không có sự chuẩn bị chuyên nghiệp và thông thạo đường là cực kỳ nguy hiểm.

- Trekking đòi hỏi sức bền và ý chí nhiều do bạn sẽ di chuyển trong quãng đường dài. Do đó, đừng nôn nóng đi vội sẽ khiến bạn mau kiệt sức. Khi đuối sức, hãy thông báo ngay cho trưởng đoàn, tránh bị bỏ rơi phía sau.

- Ở các chặng nghỉ ngắn, bạn nên đứng tại chỗ, điều hòa nhịp thở theo phương pháp hít thật sâu bằng mũi và thở ra từ từ bằng miệng. Khi cảm thấy đỡ mệt và nhịp tim hạ bớt, bạn nên tiếp tục đi chứ đừng chờ đến lúc cảm thấy hoàn toàn thoải mái để tránh tạo sức ì cho cơ thể.

- Nên uống nước theo từng ngụm nhỏ. Uống nước cho đã khát rất nguy hại, khiến cơ thể phải bài tiết nhiều, máu loãng khiến tim phải làm việc nhiều hơn, dễ gây xóc hông, mệt mỏi và nhanh đuối sức. Không uống nước suối trực tiếp chưa qua đun nấu hoặc xử lý.

- Đoàn phải luôn có hộp sơ cấp cứu bao gồm các loại thuốc chữa các triệu chứng bệnh cơ bản như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, táo bón… và dụng cụ sơ cứu. Mỗi cá nhân phải mang theo thuốc điều trị bệnh cá nhân theo toa của bác sĩ. Nếu có bệnh lý đang được điều trị, phải được sự cho phép của bác sĩ trước khi tham gia trekking.

Hạn chế lạm dụng các loại thuốc giảm đau hay thuốc hỗ trợ tăng lực. Cơ thể con người có khả năng thích nghi và điều tiết, việc lạm dụng thuốc sẽ khiến cơ thể yếu hơn và phụ thuộc vào thuốc.

Bài và ảnh: Tam Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI