Sức mua yếu, giá hàng hóa vẫn cứ tăng

18/05/2023 - 06:22

PNO - “Đáng lý ra, sức mua giảm thì giá hàng hóa phải giảm. Nhưng từ sau tết Nguyên đán tới nay, giá nhiều mặt hàng thiết yếu ở các chợ truyền thống đã 2 lần tăng” - chủ một sạp bán tạp hóa trong chợ Tân Định (quận 1, TPHCM) nói.

Viện đủ lý do để tăng giá 

Chị Vân - chủ sạp tạp hóa Vân Loan trong chợ Tân Định - cho biết, có những ngày, chị ngồi cả buổi sáng mà không bán được sản phẩm nào do giá hàng hóa liên tục tăng. Lẽ ra, khi sức mua yếu, giá hàng phải giảm, mới hợp lý.

Cụ thể, cách đây vài tuần, giá mọi loại hàng hóa đồng loạt tăng từ 1.000-7.000 đồng/sản phẩm với lý do thuế giá trị gia tăng (VAT) đã tăng từ 8% lên 10%. Tăng giá rõ nhất là các mặt hàng nhập khẩu, như mì Ý khô hiệu Decocco, Panzani, Chungjungone tăng từ 29.000 đồng lên 35.000 đồng/sản phẩm; thực phẩm đóng hộp ngoại nhập hiệu Cooked Ham, Tulip, Chopped Ham tăng thêm 6.000-7.000 đồng/sản phẩm tùy loại; tương ớt hiệu Heinz của Thái Lan tăng thêm 4.000 đồng/chai, lên 35.000 đồng/chai.

Cũng theo chị Vân, cách đây 1 tuần, nhiều sản phẩm lại tiếp tục tăng giá thêm 1.000-2.000 đồng, như bột ngọt Ajinomoto có giá 34.000 đồng/gói 454g, tăng thêm 1.000 đồng; bột mì số 11, số 8, số 13 của các thương hiệu có giá 25.000 đồng/gói, tăng 2.000 đồng; đường cát trắng Biên Hòa 265.000 đồng/cây 12kg, tăng 25.000 đồng; sữa Ông Thọ 24.500 đồng/hộp, tăng 1.000 đồng; tương ớt Cholimex 11.000 đồng/chai, tăng 1.000 đồng.

Sức mua ở chợ truyền thống đã thấp lại càng giảm thêm trước tình hình giá hàng hóa liên tục tăng - ẢNH: THANH HOA  (chụp ở chợ Tân Định, quận 1, TPHCM ngày 15/5)
Sức mua ở chợ truyền thống đã thấp lại càng giảm thêm trước tình hình giá hàng hóa liên tục tăng - Ảnh: Thanh Hoa (chụp ở chợ Tân Định, quận 1, TPHCM ngày 15/5)

Chị Hiền - chủ sạp Yến Loan trong chợ Tân Định - cho biết thêm, từ năm 2021 đến nay, mức tăng giá hàng hóa cao hơn so với mức giảm nên sức mua các mặt hàng nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng tại sạp của chị giảm hơn 50% so với trước. Ví dụ, hàng hóa đồng loạt tăng giá hơn 2% với lý do VAT tăng 2% nhưng khi VAT giảm 2% thì chỉ một số mặt hàng giảm giá với mức giảm chỉ 1.000-2.000 đồng/sản phẩm. Như mới đây, lấy lý do tăng VAT lên 2%, giá nước mắm Nam Ngư tăng thêm 4.500 đồng, lên 42.500 đồng/chai 500ml, tức tăng gần 10%. 

Khi ngành điện thông báo tăng giá điện 3% từ ngày 4/5, nhiều mặt hàng cũng tăng giá hơn 3%. Chẳng hạn, giá sữa Milo tăng thêm 30.000 đồng/thùng 12 lốc, lên mức 350.000 đồng/thùng; giá sữa tươi loại 48 bịch giấy tăng thêm 28.000 đồng, lên mức 318.000 đồng/thùng; giá hạt nêm Knorr tăng thêm 3.000 đồng/bịch 900g, lên 65.000 đồng/bịch.

Theo chị Hoa - tiểu thương chợ Vườn Chuối (quận 3, TPHCM) - các nhà phân phối cho rằng doanh nghiệp tăng giá nên họ phải tăng; do phải qua nhiều khâu phân phối, phát sinh nhiều chi phí nên mức tăng phải cao hơn 3%. 

Một nhân viên tiếp thị nhãn hàng Vedan ở chợ An Đông (quận 5, TPHCM) cho biết, sau tết Quý Mão, giá bột ngọt Vedan tăng giá 2% theo mức tăng VAT. Đầu tháng 5/2023 này, nhà sản xuất nói do phát sinh thêm nhiều chi phí nên phải tăng giá sản phẩm, từ 660.000 đồng/thùng 12kg lên 675.000 đồng/thùng.

Lại "té nước theo mưa" 

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho rằng, có tình trạng doanh nghiệp, đại lý, nhà phân phối lợi dụng việc tăng giá điện để tăng giá các mặt hàng khác, ảnh hưởng xấu đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

Theo ông, việc các đại lý, nhà phân phối, người bán hàng nâng giá một cách tùy tiện là vi phạm quy định của Pháp lệnh Giá. Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần có chính sách tổng thể về quản lý giá để bình ổn giá, trước hết là yêu cầu các tổ chức, cá nhân đăng ký giá. 

Đối với các loại hàng hóa, dịch vụ quan trọng thuộc diện bình ổn giá theo Pháp lệnh Giá, muốn điều chỉnh giá, phải báo cáo, giải trình lý do. Đối với giá hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không định giá thì các tổ chức, cá nhân được quyền tự định giá, cạnh tranh về giá. Nên xử phạt nghiêm các trường hợp tính khống chi phí trong phương án giá, vi phạm về niêm yết giá. 

Luật sư Trần Xoa - chuyên gia về thuế - cho biết, thời gian qua, có tình trạng doanh nghiệp đã giảm 2% VAT nhưng các đại lý, nhà phân phối lại không giảm hoặc khi tăng VAT 2% trở lại, các đại lý và nhà phân phối cố tình tăng giá cao hơn mức 2% khiến người tiêu dùng không được thụ hưởng chính sách. Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách giảm VAT 2% (từ 10% về lại 8%) kể từ ngày 1/7 đến 31/12/2023. Cơ quan chức năng cần kiểm tra, nhắc nhở để chính sách này thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.

“Các điểm kinh doanh nên treo bảng thông báo giảm VAT 2% để người tiêu dùng được biết, đồng thời khuyến khích việc dùng hóa đơn điện tử, để theo dõi, nắm được các điểm kinh doanh có giảm thuế này hay không. Hiện nay, vẫn chưa có chính sách gì để kích cầu tiêu dùng, do đó, nên xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng giống như đã thực hiện năm 2009 để hỗ trợ người làm công ăn lương, góp phần kích thích tiêu dùng” - luật sư Trần Xoa kiến nghị. 

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, các doanh nghiệp nên cử nhân viên khảo sát các đại lý, nhà phân phối để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp sản xuất không tăng giá nhưng giá trên thị trường vẫn tăng hoặc tăng cao hơn mức giá do doanh nghiệp đưa ra.

Giảm giá hàng hóa để kích cầu tiêu dùng

Có ý kiến nhận định kinh tế có thể khởi sắc từ cuối quý II/2023, nhưng điều này rất khó xảy ra nếu chỉ dựa vào một vài chỉ số thị trường. Như doanh thu hàng hóa dịch vụ quý I/2023, chỉ số này tăng trưởng tốt nhưng qua tháng Tư đã bắt đầu chững lại, sức mua thị trường rất thấp, hay như thị trường du lịch đã khởi sắc nhưng khách du lịch ngày càng thưa thớt. Ngoài ra, các trụ cột xuất khẩu, đầu tư công chưa tăng…

Để kinh tế sớm phục hồi, cần phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai các chính sách kích cầu nội địa thông qua 2 công cụ của Nhà nước và của doanh nghiệp. Nhà nước cần nghiên cứu giảm VAT theo từng ngành. Mức giảm còn 8% là chưa đủ, cần giảm mạnh hơn, xuống còn 5 - 6%. Song song đó cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa. Riêng về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó thì phải thúc đẩy nội địa bằng một loạt chiến dịch giảm giá hàng hóa. Doanh nghiệp lữ hành, du lịch cũng cần thúc đẩy theo cách này. Chính quyền TPHCM cần có giải pháp giúp hấp thụ dòng vốn đầu tư công, nhất là ở lĩnh vực bất động sản. Nếu không khơi thông được bất động sản thì các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI