Người tiêu dùng sẽ giảm mua nếu giá hàng hóa tăng

15/09/2022 - 17:28

PNO - Xu hướng thắt chặt chi tiêu khiến người tiêu dùng tìm đến những nguồn hàng có giá rẻ hoặc ổn định hơn.

 

Các nhà nhà bán lẻ cũng chịu áp lực phải tìm các sản phẩm có giá rẻ để duy trì mãi lực. Ảnh: N.Cẩm
Các nhà nhà bán lẻ cũng chịu áp lực phải tìm các sản phẩm có giá rẻ để duy trì mãi lực - Ảnh: N.Cẩm

Tại hội thảo “Diễn biến kinh tế 2022-2023, những khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam” ngày 15/9 tại TPHCM, chuyên gia quản trị doanh nghiệp Đỗ Hòa cho biết doanh nghiệp chịu áp lực chi phí đầu vào tăng do ảnh hưởng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu, nhân công tăng...

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cao, thu nhập cá nhân giảm khiến người tiêu dùng có xu hướng hạn chế mua sắm. Nhiều người không muốn, hoặc không thể chi trả cao hơn cho hàng hóa nên họ có thể tìm đến các sản phẩm nội địa thay vì các sản phẩm nhập khẩu. Các nhà bán lẻ cũng chịu áp lực phải tìm các sản phẩm có giá rẻ hơn để thay thế, nhằm giữ giá hàng hóa bán ra.

“Nếu không thể giảm giá sản phẩm đang bán vì đã định vị phân khúc sản phẩm và sợ giảm giá rồi khó tăng, doanh nghiệp có thể sản xuất thêm các dòng sản phẩm có chất lượng tương tự nhưng bán giá rẻ hơn, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ thị phần, còn hơn là để mất thị phần khi người tiêu dùng rời đi, chọn dòng sản phẩm cùng chủng loại có giá rẻ hơn của thương hiệu khác”, chuyên gia Đỗ Hòa gợi ý.

Ngoài ra, theo chuyên gia Đỗ Hòa, doanh nghiệp cần có phương án dự phòng khai thác thị trường khu vực bù cho thị trường xa bất ổn do xung đột, chi phí vận chuyển cao do giá nhiên liệu tăng. Những thị trường còn nhiều tiềm năng có thể phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam là Trung Quốc, Ấn Độ, đặc biệt là các nước ASIAN.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI