Sữa có thể tăng giá nếu bị đưa vào danh mục đồ uống có đường

26/03/2019 - 06:39

PNO - Các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ sẽ tăng giá nếu Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với những sản phẩm được xem là 'đồ uống có đường'.

Hiệp hội Doanh nghiêp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cảnh báo, các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ sẽ tăng giá nếu Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với những sản phẩm được xem là “đồ uống có đường”.

Sua co the tang gia neu bi dua vao danh muc do uong co duong

EuroCham cho rằng, quy định “nước ngọt có đường trừ các sản phẩm từ sữa” trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là quá rộng và không rõ ràng, có thể ảnh hưởng đến giá nhiều sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ trên thị trường, vì thuế TTĐB áp theo khái niệm này sẽ bao trùm cả các sản phẩm có chứa đường nhưng có lợi cho sức khỏe cần được khuyến khích sử dụng như sữa, sữa công thức, thực phẩm chức năng dành cho trẻ dưới 6 tuổi, siro ho, cao lỏng ích mẫu và thức uống dinh dưỡng cho bệnh nhân…

Rất nhiều dòng sản phẩm trong nhóm này thuộc đối tượng bình ổn giá, kê khai giá do đây là các mặt hàng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của thế hệ tương lai. Việc áp thuế TTĐB đối với nhóm sản phẩm có ích cho sức khỏe không giúp hạn chế hay phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe mà sẽ làm giảm khả năng tiếp cận của người dân với các sản phẩm dinh dưỡng.

Sản phẩm dinh dưỡng công thức, dinh dưỡng y học dạng lỏng cho trẻ em nói chung và trẻ em suy dinh dưỡng nói riêng không được làm từ sữa mà từ đậu nành hoặc đạm whey và dùng cho trẻ bị dị ứng với lactose (loại đường có sẵn trong sữa tươi nguyên liệu). Hiện tại, hầu hết sản phẩm dinh dưỡng này đều được Bộ Y tế phân loại là thực phẩm chức năng không phải sữa. Theo EuroCham, cần phải làm rõ các đối tượng áp thuế. Nếu đối tượng quá rộng, có thể ảnh hưởng đến chiến lược về tăng cường nâng cao sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của người dân. Việc tăng giá sữa, sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng do tác động của thuế TTĐB có thể góp phần làm gia tăng tình trạng buôn lậu qua biên giới, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc không áp thuế này.

EuroCham kiến nghị thay thế thuật ngữ “nước ngọt có đường” bằng “nước giải khát có đường”. Cụm từ “nước giải khát” chỉ rõ công dụng của sản phẩm, giúp cơ quan quản lý dễ dàng phân biệt với các nhóm sản phẩm có công dụng bổ sung dinh dưỡng, điều trị.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI