Sốt xuất huyết bùng phát, nguồn lây nhiễm vẫn vây bủa

11/09/2015 - 13:39

PNO - Tại TP.HCM, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang tăng bất thường. Tăng trên 60% so với cùng kỳ năm 2014.

Tại TP.HCM, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang tăng bất thường. Trong lúc ngành y tế tích cực triển khai dập dịch thì nhiều đơn vị, hộ gia đình, cá nhân vẫn còn thờ ơ với việc phòng, chống dịch bệnh.

Sot xuat huyet bung phat, nguon lay nhiem van vay bua
Phơi quần áo, ăn ở nơi hành lang bệnh viện, làm chật không gian, dễ tụ tập muỗi

Theo PGS-TS-BS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2015 đến nay, số ca mắc SXH cả nước giảm gần 34% so với trung bình cùng kỳ giai đoạn 2010-2014, nhưng lại gia tăng cục bộ tại một số địa phương đang trong mùa mưa thuộc khu vực miền Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng...

Hiện cả nước có 25.000 ca bệnh, với 16 ca tử vong, trong đó TP.HCM có hai ca. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM có trên 8.200 ca phải nhập viện do mắc SXH, tăng trên 60% so với cùng kỳ năm 2014. Dự báo, bệnh SXH sẽ tiếp tục tăng cao nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.

ThS-BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, qua điều tra dịch tễ, ghi nhận các ổ dịch đều xảy ra tại những khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.

Sot xuat huyet bung phat, nguon lay nhiem van vay bua
Nước đọng, rêu mọc xanh, đầy bọ gậy tại một con hẻm và công trình ở phường An Lạc, quận Bình Tân

Đó là những nơi có nhiều vật dụng chứa nước như: máng nước uống trong trại chăn nuôi, vựa phế liệu, cơ sở tái chế vỏ xe, bình đựng hoa ở các nghĩa trang, dụng cụ chứa nước trên sân thượng, ban công…

Sot xuat huyet bung phat, nguon lay nhiem van vay bua
Bô rác tại BV Nhi Đồng 1
Sot xuat huyet bung phat, nguon lay nhiem van vay bua
Rác chứa nhiều bao nilông hộp cơm đọng nước mưa bị vứt bừa bãi gần bờ kênh. Ảnh chụp tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh

Việc phòng, diệt lăng quăng (bọ gậy) là trách nhiệm chung của mọi người, từ những người quản lý các cơ sở này, đến những người sống xung quanh và cả chính quyền địa phương.

Ngành y tế dễ dàng giám sát và diệt lăng quăng ở những khu vui chơi, công trình công cộng, nhưng lại gặp khó khăn khi giám sát vật dụng sinh hoạt của các hộ dân.

Điều đáng nói, nhiều hộ gia đình chưa hợp tác, chưa tạo điều kiện để phun hóa chất diệt muỗi hoặc chỉ cho phun ở tầng trệt mà không cho phun xịt ở các tầng trên nên không diệt được hết đàn muỗi mang mầm bệnh.

Sot xuat huyet bung phat, nguon lay nhiem van vay bua
Mặc dù tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tình hình phòng chống SXH và tăng cường tuyên truyền người dân phòng chống dịch bệnh, nhưng trong khuôn viên của Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức, lại có nhiều nơi nước đọng - môi trường thuận lợi cho lăng quăng phát triển
Sot xuat huyet bung phat, nguon lay nhiem van vay bua
Xe đồ chơi đọng nước

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên việc người dân tham gia tích cực vào các hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng là vô cùng quan trọng.

Các bác sĩ cảnh báo: muỗi vằn gây bệnh SXH là loại muỗi “siêu đẻ”, cứ sau mỗi lần hút máu no khoảng ba ngày, chúng lại đẻ trứng một lần. Trung bình một con muỗi sống được một-hai tháng, nhưng với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, chúng có thể sống đến ba tháng.

Tiến Đạt - Văn Thanh - Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI