Sống thấp thỏm bên dòng sông “tử thần”

10/04/2021 - 06:03

PNO - Nhiều vụ đuối nước liên tục xảy ra, đặc biệt hình ảnh những vết cào cấu giành sự sống không thành để lại bên mép sông trơn trượt của bé trai 9 tuổi đã khiến người dân sống hai bên bờ sông Đào sống trong lo lắng, bất an.

Những vụ đuối nước thương tâm

Gần 3 tháng trôi qua, người dân xóm Chùa Thàng (xã Liên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng, ám ảnh trước cái chết thương tâm của em Nguyễn Bá Quang Huy (9 tuổi). Sống cạnh sông, cậu bé biết bơi, thỉnh thoảng vẫn đi tắm cùng người thân, chẳng ai ngờ đứa trẻ này lại ra đi một cách thương tâm như vậy.

Đó là một chiều trung tuần tháng 1/2021, Huy được chị gái hơn mình 1 tuổi chở bằng xe đạp từ nhà ông bà ngoại về nhà. Khi chị gái không may bị rơi dép xuống sông, cậu bé loay hoay tìm cách lấy dép cho chị nhưng không may sẩy chân rơi xuống nước.

Vết cào cấu để lại bên mép sông Đào khi cố thoát chết của cậu bé 9 tuổi khiến nhiều người ám ảnh
Vết cào cấu giành sự sống của bé trai 9 tuổi để lại bên mép sông Đào

 

 

Lúc này trời rất lạnh, nước chảy xiết, Huy vừa bơi vừa cố bấu víu vào bờ sông để tìm điểm bám. Tuy nhiên, do bờ sông Đào được thiết kế bằng bê tông với mái taluy cao, không có bậc thang nên Huy không thể bám vào được để lên bờ.

Thấy Huy bị nước đẩy đi ngày một xa, người chị gái vừa gào khóc vừa chạy về phía nhà dân gọi người tới ứng cứu. Song khi người dân có mặt thì cậu bé đã bị nước cuốn mất tích, chỉ còn lại những vết cào cấu làm tróc những mảng rêu bám vào mái taluy kéo dài hàng chục mét. Sau 2 ngày tìm kiếm, thi thể Huy được tìm thấy cách nơi gặp nạn chừng 2km về phía hạ du. 

Theo quan sát, dọc sông Đào, hai bên mái được bạt taluy và lát bê tông có độ dốc cao, mái taluy đã mọc rêu xanh. Các bến lên xuống sông rất ít, và hầu như không có điểm cứu sinh. Để xuống sông lấy nước, giặt đồ, nhiều người dân địa phương đã phải dùng cọc tre đóng vào những kẽ hở mái taluy để lên xuống.

Sông Đào chảy qua địa phận 13 xã của huyện Yên Thành với chiều dài chỉ chừng 8km. Theo thống kê sơ bộ, đã có hàng chục vụ đuối nước xảy ra nơi đây, cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Đặc biệt, từ khi được lát mái taluy bê tông hai bên thì dòng sông dường như đã trở thành dòng sông “tử thần”.

Mới đây, chiều ngày 6/4, em Nguyễn Lê A. (13 tuổi, học sinh Trường THCS xã Bắc Thành, huyện Yên Thành) cùng 2 người bạn ra sông Đào tắm, không may bị nước cuốn trôi. Hai người bạn may mắn thoát nạn, riêng A. bị nước nhấn chìm, hơn 1 ngày sau mới tìm được thi thể.

Lực lượng chức năng dùng lưới đánh cá dò tìm thi thể bé trai 13 tuổi bị cuốn trôi trên sông Đào
Lực lượng chức năng dùng lưới đánh cá dò tìm thi thể bé trai 13 tuổi bị cuốn trôi trên sông Đào

Chỉ có thể cảnh báo

Ông Đào văn Khai - Chủ tịch UBND xã Tăng Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) cho biết, năm nào cũng xảy ra 2,3 vụ đuối nước trên sông Đào. Trong số những người gặp nạn, có cả những người biết bơi. Việc làm kè mái sông bằng bê tông chống sạt lở, giúp lưu lượng nước chảy nhanh hơn, nhưng cần thêm các bậc lên xuống hoặc lan can, các trụ bê tông để nếu có người rơi xuống còn có chỗ để lên.

 

 

Hai bên sông Đào có đường song không có rào chắn khiến nhiều người bất an khi lưu thông trên đoạn đường này
Hai bên sông Đào có đường song không có rào chắn khiến nhiều người bất an khi lưu thông trên đoạn đường này

“Ngày xưa bờ sông chưa được lát bê tông thì khi người rơi xuống còn có thể bám víu vào cây cỏ hai bên. Hiện tại xã đã cho cắm các biển cảnh báo, đồng thời bố trí các cần sào tre bên cạnh để chẳng may có người rơi xuống thì còn kịp ứng cứu. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời” - ông Khai nói.

Lãnh đạo xã Tăng Thành cho biết, hai bên bờ sông Đào là tuyến đường giao thông, do đó khi đường được đổ bê tông thì lượng người đi lại ngày càng nhiều, dẫn đến nguy cơ tai nạn, rơi xuống sông nhiều hơn. “Nếu làm đường xong mà không có lan can thì rất nguy hiểm, chẳng may lao xuống sông thì rất khó sống sót” - ông Khai lo lắng.

Ông Hoàng Danh Truyền, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành, cho biết: “Chúng tôi cũng đã kiến nghị đơn vị có thẩm quyền bố trí các điểm cứu hộ như làm các mố hoặc dây xích trên sông song chưa nhận được phản hồi. Do vậy, hiện huyện chỉ có thể chỉ đạo Đoàn thanh niên cắm dày các biển cảnh báo, sắm thêm sào tre bố trí dọc hai bên dòng sông”.

Sau mỗi vụ đuối nước xảy ra, nhiều diễn đàn trên mạng xã hội lại sôi sục bàn tán về câu chuyện thiết kế của dòng sông này. “Không hiểu sao họ lại thiết kế hai bên bờ sông phẳng lì như thế cơ chứ. Nếu không có các điểm cứu hộ thì ít nhất các tấm bê tông lát mái taluy nên có mẫu khuy sắt để đỡ nguy hiểm hơn” - một người dân nói. 

 

 

Bến rửa trên sông được bố trí cách nhau quá xa, nhiều người phải tự chế đường lên xuống sông để rửa đồ
Bến rửa trên sông được bố trí cách nhau quá xa, nhiều người phải tự chế đường lên xuống sông để rửa đồ

Ông Nguyễn Văn Phượng - Giám đốc Công ty thủy lợi Bắc Nghệ An (đơn vị vận hành sông Đào) cho biết, đây là dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An do Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, hiện đã kè được khoảng 70% khối lượng dự án. Trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị này không được đơn vị thiết kế bờ kè tham vấn ý kiến.

Sau nhiều vụ đuối nước trên sông Đào, Công ty thủy lợi Bắc Nghệ An đã đề xuất chủ đầu tư dự án làm lan can hai bên bờ sông ở những khu vực cần thiết, thiết kế thêm những trụ bê tông ở mép sông để có điểm bám khi có người chẳng may rơi xuống sông, song không được chấp thuận.

“Hai bên bờ kè trơn trượt, nếu chẳng may rơi xuống sông thì rất khó thoát chết. Nước chảy mạnh, thậm chí người biết bơi khi rơi xuống sông không có điểm bấu víu vào, cứ bị nước đẩy trôi thì cũng kiệt sức thôi” - ông Phượng nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI