Sống khỏe tuổi trung niên

20/08/2023 - 18:25

PNO - Cùng bước vào ngưỡng cửa của tuổi trung niên với những thói quen tích cực giúp bạn vui sống mỗi ngày.

1. Luôn khiến bản thân được… bận rộn

Gặp gỡ, kết giao, duy trì các môi quan hệ xã hội để cuộc sống tuổi 50 thêm thú vị - Ảnh: Science Photo Library
Gặp gỡ, kết giao, duy trì các mối quan hệ xã hội để cuộc sống tuổi 50 thêm thú vị - Ảnh: Science Photo Library

Việc tự giới hạn bản thân bằng cách giam mình trong phòng, hạn chế giao tiếp với những người xung quanh sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Điều này càng trở nên là vấn đề đáng lo ngại đối với nhóm người ở giai đoạn “toan về già”.

Một báo cáo mới công bố bởi Tổng hội Y sĩ Hoa Kỳ (U.S. Surgeon General) cho biết, sự cô lập xã hội có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, từ bệnh tim, tiểu đường đến tình trạng suy giảm nhận thức…, thậm chí “có thể rút ngắn tuổi thọ tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày”.

Có vài cách đơn giản giúp chúng ta thoát ra khỏi tình trạng “cô đơn trên sô pha” này:

- Giữ liên lạc với gia đình và bạn bè. Nếu vì khoảng cách địa lý khiến bạn không thể trực tiếp ghé đến thăm viếng người thân, bạn bè thì đừng quên rằng, ngày nay công nghệ đã giúp rút ngắn mọi khoảng cách thông qua internet và các ứng dụng gọi video.

- Tham gia các hoạt động xã hội. Nghiên cứu cho thấy, các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng mang lại nhiều lợi ích cả về thể chất và tinh thần cho người lớn tuổi.

Một nghiên cứu do nhóm khoa học gia tại Đại học Harvard thực hiện năm 2022 phát hiện ra rằng, những người lớn tuổi dành ít nhất hai giờ mỗi tuần để tham gia các hoạt động xã hội có thể giảm đáng kể nguy cơ tử vong sớm.

2. Học thêm những điều mới mẻ

Có những thứ mà khi còn trẻ chúng ta không đủ thời gian để theo đuổi thì đây là lúc phù hợp để bắt đầu. Học khiêu vũ, thủ công mỹ nghệ, nấu ăn… là một vài gợi ý hay cho những người ở độ tuổi trung niên.

Vì vậy, hãy chọn một sở thích mới để thực hiện bởi điều đó không chỉ tốt cho đời sống xã hội mà còn làm giàu thêm đời sống tinh thần của bạn.

Theo đuổi những đam mê của bản thân kể cả khi chúng ta không còn quá trẻ - Ảnh: Paul Rogers/NYT
Theo đuổi những đam mê của bản thân kể cả khi chúng ta không còn quá trẻ - Ảnh: Paul Rogers/NYT

3. Nuôi thú cưng

 Các nghiên cứu đều khẳng định lợi ích của việc nuôi và chăm sóc thú cưng (như chó, mèo) đối với người cao tuổi nhờ duy trì hoạt động thể chất cũng như cải thiện kỹ năng tư duy và tăng cường trí nhớ.

4. Khám sức khỏe định kỳ

Kiểm tra sức khỏe định kỳ là thói quen không được phép bỏ qua đối với những người đang ở độ tuổi “toan về già”, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến tai và mắt.

Dấu hiệu cho thấy cần phải kiểm tra thính lực là khi bạn phải tăng âm lượng trên tivi, hoặc gặp khó khăn khi trò chuyện với người khác trong môi trường nhiều tiếng ồn… Thị lực giảm sút cũng là vấn đề thường xảy ra trong quá trình lão hóa của cơ thể con người. 

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thì kiểm tra thính giác và thị giác định kỳ sẽ giúp cho việc điều trị kịp thời nếu tai và mắt của những người ở độ tuổi từ 50 trở lên có vấn đề, bởi nhóm người này thường có nguy cơ cao bị suy giảm trí nhớ, dễ bị té ngã cùng hàng loạt vấn đề sức khỏe khác.

Cần khám sức khỏe định kỳ kết hợp với việc duy trì các thói quen lành mạnh để thể chất và tinh thần được mạnh khỏe - Ảnh: Dreamstime
Cần khám sức khỏe định kỳ kết hợp với việc duy trì các thói quen lành mạnh để thể chất và tinh thần được mạnh khỏe - Ảnh: Dreamstime

5. Chăm sóc răng miệng

Sâu răng không chỉ là “đặc quyền” dành riêng cho trẻ em mà có thể mọi lứa tuổi đều gặp phải. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu còn nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa sâu răng và bệnh nướu răng đối với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, các bệnh liên quan đến đường hô hấp (như viêm phổi), bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ.

Do đó, các bác sĩ đều có chung lời khuyên: đánh răng hai lần một ngày, dùng chỉ nha khoa thường xuyên và đừng quên đi gặp nha sĩ 2 lần/năm.

6. Chú trọng chất lượng giấc ngủ

Trong khi các bạn trẻ có thể dễ dàng đặt lưng xuống là “kéo gỗ” thì người lớn tuổi lại gặp khó khăn hơn trong việc dỗ giấc ngủ của mình.

Giấc ngủ kém có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như tiểu đường type 2, huyết áp cao, bệnh tim và đột quỵ.

Một vài gợi ý để có được giấc ngủ ngon:

- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả cuối tuần

- Không ăn quá no hoặc để bụng đói khi đi ngủ

- Tránh những đồ uống có caffein hoặc chất kích thích trước giờ ngủ

- Giữ cho phòng ngủ đủ tối để dễ chìm vào giấc ngủ. Không sử dụng các thiết bị điện tử khi đã lên giường.

- Đọc một cuốn sách hay, tắm nước ấm hoặc uống một ít trà thảo mộc sẽ giúp thư giãn và dễ ngủ hơn.

Chất lượng giấc ngủ là rất quan trọng đối với nhóm người ở độ tuổi trung niên - Ảnh: cottonbro/Pexels
Chất lượng giấc ngủ là rất quan trọng đối với nhóm người ở độ tuổi trung niên - Ảnh: ottonbro/Pexels

7. Bỏ thuốc lá

Theo Viện Lão hóa Quốc gia Mỹ thì sau khi bỏ hút thuốc, nhịp tim và huyết áp của bạn sẽ giảm xuống mức bình thường, đồng nghĩa với nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ sẽ giảm đi đáng kể.

 

Nguyễn Thuận (theo AAPR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI