“Sao má bỗng nhớ nhà, nhớ Trung Hưng… quá bây ơi!”

26/07/2021 - 08:35

PNO - "Tuổi đã tròn 100, má tôi bắt đầu lẫn rồi, nhưng ngày nào má cũng ngồi trước nhà ngóng ra đường coi có ai về ấp Trung Hưng để xin quá giang về".

Trưa 24/7, sau khi nghe chị Võ Thị Oanh Kiều - Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Lập Thượng - gọi điện hỏi thăm và chúc thọ trăm tuổi nhân ngày Thương binh Liệt sĩ, má Tám Anh kéo tay con gái nói: “Sao má bỗng nhớ nhà, nhớ Trung Hưng… quá bây ơi!”.

Má Tám Anh tên thật là Trần Thị Anh, sinh năm 1921. Má lớn lên trong một cô nhi viện ở Sài Gòn. 19 tuổi, má được người mai mối về làm dâu một gia đình bần cố nông ở ấp Trung Hưng, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi. 20 tuổi má sinh con trai đầu lòng. Sau đó, lần lượt sáu người con nữa đã ra đời. 

Như bao phụ nữ ở vùng quê thời đó, ngày ngày má theo chồng đi làm thuê, cuốc mướn và chăm sóc bầy con. Những năm chiến tranh, cũng như bao gia đình nơi vùng “đất thép”, ngôi nhà tranh vách lá đơn sơ của vợ chồng má Tám Anh trở thành nơi nuôi giấu cán bộ. Rồi các con má cũng lần lượt trở thành chiến sĩ. 

Năm Mậu Thân 1968, má lần lượt mất hai con trai lớn. “Năm đó đánh ác liệt quá. Sát tết thằng Hai (liệt sĩ Tô Văn Rinh) hy sinh. Cuối chiến dịch, thằng Ba (liệt sĩ Tô Văn Củi) cũng ngã xuống…” - má kể.

Mất con, người mẹ ấy chết lặng trong đau đớn. Nhưng rồi cũng chính má là người động viên cả nhà: “Tụi nó nằm xuống cho hòa bình”. 

30/4/1975, đất nước thống nhất. Như bao người mẹ nông dân, má Tám Anh cùng chồng và năm người con tiếp tục cuộc đời nông dân nhưng chẳng có đất đai. Năm 1982, sau cơn bạo bệnh, chồng má qua đời. Các con dần lớn lên, được má dựng vợ, gả chồng, rồi đi xứ khác làm ăn. Riêng má vẫn ở lại ngôi nhà cũ để thờ tự ông bà, nhang khói chồng, con. 

Má Tám Anh được mọi người gửi hoa chúc thọ tuổi 100 và tri ân nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ
Má Tám Anh được mọi người gửi hoa chúc thọ tuổi 100 và tri ân nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ

Má nói: “Tôi ở một mình mà hổng có cô đơn”. Quả vậy, không bà con gốc rễ gì ở xứ này, nhưng từ lúc theo chồng về làm dâu, má Tám Anh đã được dân ấp Trung Hưng thương quý vì cái nết ăn ở hiền lành, chân chất. Năm 2011, má được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cả xóm mừng vui, tự hào. 

Theo phát động của Huyện Hội, Hội Phụ nữ xã phân công nhau cận kề phụng dưỡng má Tám Anh gần 10 năm qua. Cách đây ba năm, 97 tuổi, má tạm biệt ấp Trung Hưng - nơi gắn bó gần như cả cuộc đời - để về ấp Lộc Thành, xã Lộc Hưng, H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh sống cùng con cháu. 

Nói về Tây Ninh, nhưng thật ra nơi má đến chỉ cách nhà cũ đúng 1km. Thế là chỉ hai hôm sau, dân Trung Hưng lại thấy má Tám Anh lội bộ về thăm. Thế rồi từ đó, hằng tháng, cứ đến ngày lãnh trợ cấp, Mẹ Việt Nam anh hùng lại lội bộ hoặc quá giang xe người quen về nhận, nhân tiện ghé thăm nhà cũ, thắp nhang, thăm lối xóm. Tiền trợ cấp, má cho người này mua ký đường, cho người kia mua bao gạo… Cho đến những ngày dịch bệnh bùng phát gần đây, được con cháu khuyên nhủ, má mới không đi nữa. 

“Tuổi đã tròn 100, má tôi bắt đầu lẫn rồi, nhưng ngày nào má cũng ngồi trước nhà ngóng ra đường coi có ai về ấp Trung Hưng để xin quá giang về. Rồi má nhắc bà con lối xóm, nhắc các chị cán bộ Hội. Hơn 10 năm, khi anh chị em chúng tôi vì khó khăn phải lo bươn chải mưu sinh, má tôi phải sống một mình, nhưng lúc nào cũng được mọi người cận kề, yêu thương như ruột thịt. Tình nghĩa đó đâu dễ mà quên được!”. 

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI