Sân khấu thiếu nhi “được mùa”

02/06/2023 - 07:29

PNO - Hè này, chương trình Ngày xửa ngày xưa của sân khấu IDECAF đã không còn thế độc quyền khi nhiều đơn vị quan tâm làm sân khấu thiếu nhi. Đây là tín hiệu đáng mừng khi khán giả thiếu nhi sẽ có thêm lựa chọn.

Da dạng sắc màu 

Với bề dày 23 năm nhiều sáng tạo, chương trình Ngày xửa ngày xưa (NXNX) hiện vẫn là lựa chọn ưu tiên của các khán giả thiếu nhi. Tuy nhiên năm nay, đối thủ “cạnh tranh” với NXNX đã xuất hiện. Đầu tiên có thể kể là series Truyện thần tiên được sân khấu Trương Hùng Minh của thầy trò nghệ sĩ Minh Nhí và Việt Hương đầu tư sản xuất từ hè này. Mở đầu là vở Bí mật trăm đốt tre (biên kịch, đạo diễn: Huỳnh Lập) với chi phí dàn dựng khoảng 500 triệu đồng. Vở chú trọng bối cảnh hoành tráng, tạo hình độc đáo, phục trang lạ mắt và mang phong cách náo kịch vui nhộn tương tự NXNX.

Vé của 17 suất diễn vở Bí mật trăm đốt tre - mở đầu cho series Truyện thần tiên của sân khấu Trương Hùng Minh - hiện đã bán hết. Điều đó cho thấy sân khấu thiếu nhi rất được khán giả “nhí” chào đón
Vé của 17 suất diễn vở Bí mật trăm đốt tre - mở đầu cho series Truyện thần tiên của sân khấu Trương Hùng Minh - hiện đã bán hết. Điều đó cho thấy sân khấu thiếu nhi rất được khán giả “nhí” chào đón

Nhà hát sân khấu nhỏ 5B và sân khấu Quốc Thảo chọn dàn dựng những vở diễn gọn nhẹ phù hợp quy mô điểm diễn của 2 đơn vị. Sân khấu Quốc Thảo luân phiên diễn vở Siêu thú tranh tài Vùng đất diệu kỳ trong hè với phần lớn diễn viên trẻ đang được nghệ sĩ Quốc Thảo đào tạo. Sân khấu 5B ngoài tái diễn vở Đại náo long cung (kịch bản: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Bảo Chu) trong dịp Quốc tế Thiếu nhi, dự kiến giới thiệu vở mới được phóng tác từ truyện cổ tích 2 cô gái và cục bướu vào giữa tháng Sáu.

Không kể chuyện thần tiên như các nơi khác, sân khấu Hồng Hạc đưa quyển sách ăn khách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên sân khấu kịch. Bản dựng của biên kịch Việt Linh và đạo diễn Võ Cẩm Tiên bám sát tinh thần nguyên tác khi đưa độc giả và khán giả trở về thế giới tuổi thơ hồn nhiên và cả những trăn trở, lo toan của thế giới người lớn. 

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng đang tập vở cải lương thiếu nhi Vương quốc thú nhồi bông (kịch bản: Biển Kiện Tùng Phi, đạo diễn: Quỳnh Khôi). Vở có sự tham gia của các diễn viên nhí là con em nhiều nghệ sĩ cải lương, dự kiến ra mắt vào giữa tháng Sáu. 

Nhà hát Phương Nam cũng tái diễn vở kịch xiếc Ba Tư huyền bí và vở rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng và nhà hát thiếu nhi Nụ Cười diễn các chương trình rối nước và kịch rối thiếu nhi vào cuối tuần.

Đã nhiều hơn nhưng vẫn thiếu 

Sân khấu thiếu nhi hè 2023 đã xôm tụ hơn hẳn, nhưng để đáp ứng nhu cầu của gần 2 triệu thiếu nhi TPHCM thì chỉ như “muối bỏ bể”. Ngay như NXNX 33 lập kỷ lục cũng chỉ có thể cung cấp hơn 50.000 vé (có không ít khán giả người lớn) và gần như chỉ đến được với bộ phận rất nhỏ gia đình có điều kiện kinh tế khá giả ở nội thành.

Chương trình NXNX số 34 – vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai khai hè từ 27/5 và nhận được nhiều phản hồi rất tích cực.
Chương trình NXNX số 34 – vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai khai hè từ 27/5 và nhận được nhiều phản hồi rất tích cực.

Chị Mai Xuân (quận 4) cho biết, gia đình rất quan tâm đời sống tinh thần của con trẻ, đã cho các cháu xem sân khấu thiếu nhi từ nhỏ. “Nếu có thêm chương trình thiếu nhi chất lượng, phù hợp thì tôi sẵn sàng cho con đi xem. Nhưng tiếc là không có hoặc nếu có thì thông tin vẫn chưa lan tỏa. Gần đây, tôi mới biết có thêm 5B và nghệ sĩ Minh Nhí làm sân khấu thiếu nhi nhưng nhiều phụ huynh xung quanh tôi đều không biết” - chị Mai Xuân nói.

Trước đây, chị Thùy Trang (quận 1) cũng thường xuyên đưa gia đình đến xem xiếc vào cuối tuần tại công viên 23/9 nhưng thói quen này không còn khi rạp xiếc dời về công viên Gia Định (quận Gò Vấp). Điểm diễn xa khu vực trung tâm cũng làm đoàn xiếc (đã kết hợp với đoàn rối thành nhà hát Phương Nam) mất nhiều khán giả quen. Bù lại, thiếu nhi quận Gò Vấp và khu vực lân cận có điều kiện thuận lợi hơn để xem xiếc, rối nhưng nhu cầu vẫn còn rất nhiều.

Chưa kể, phần lớn chương trình sân khấu thiếu nhi hiện nay vẫn là diễn “theo mùa”, còn điểm diễn hằng tuần thì ngoài rối nước và kịch rối cho lứa tuổi tiểu học trở xuống thì gần như chỉ có sân khấu 5B duy trì được thời gian qua. “Đâu phải chỉ đến hè thiếu nhi mới cần coi sân khấu. Nhu cầu xem những vở diễn hay, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, vun đắp tình yêu nghệ thuật cho các bé luôn rất lớn. Quan trọng là có được những sản phẩm tốt, đáp ứng được yêu cầu của khán giả thiếu nhi và phụ huynh” - Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên - Giám đốc sân khấu 5B - chia sẻ.

Theo đạo diễn Hoàng Duẩn, các chương trình sân khấu kể trên cũng chủ yếu phục vụ thiếu nhi thành thị, gia đình khá giả. Còn lại sân khấu cho trẻ em thiệt thòi, thiếu nhi ngoại thành, ở các tỉnh, vùng sâu vùng xa… vẫn là khoảng trống mênh mông. “Tôi từng đề xuất TPHCM thành lập một nhà hát thiếu nhi. Đó không chỉ là nơi biểu diễn đa dạng các chương trình sân khấu phục vụ thiếu nhi nhiều lứa tuổi mà còn có nhiệm vụ mang sân khấu đến với các đối tượng thiếu nhi thiệt thòi, ở xa thông qua các đội hình biểu diễn lưu động. Hiện tại, chỉ có Nhà nước mới đủ lực làm được mà thôi” - đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ.

Ninh Lộc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI