Không thể thờ ơ với nhạc thiếu nhi

01/06/2023 - 07:18

PNO - “Khoảng trống” trong âm nhạc thiếu nhi về cả số lượng lẫn chất lượng là câu chuyện đã cũ, được nhắc đến trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện trong khi nhu cầu giải trí của trẻ em luôn có, thậm chí còn cao hơn trước.

Quanh đi quẩn lại chỉ một số bài

Đến giờ ăn của đứa cháu 3 tuổi, bà Phạm Thị Chương (62 tuổi, ngụ quận 9, TP Thủ Đức, TPHCM) mở kênh YouTube trên ti vi cho cháu xem ca nhạc. Như mọi lần, bà chọn bản Bống bống bang bang do ca sĩ nhí Bào Ngư thể hiện. Ca khúc hiện đạt hơn 537 triệu lượt xem sau 6 năm đăng tải. Hết Bống bống bang bang, kênh YouTube tự chạy đến nhiều ca khúc thiếu nhi khác, hầu hết đều quen thuộc với trẻ. Tuy nhiên, có clip hình ảnh phù hợp với trẻ 3 tuổi nhưng có clip thì không bởi âm nhạc lúc này được dùng để làm nền cho nhóm người lớn diễn tiểu phẩm hài.

Series Cùng con tập hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - một sản phẩm âm nhạc thiếu nhi phù hợp, chất lượng tốt hiện nay (ảnh chụp màn hình)
Series Cùng con tập hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - một sản phẩm âm nhạc thiếu nhi phù hợp, chất lượng tốt hiện nay (ảnh chụp màn hình)

Bà Phạm Thị Chương cho biết, từ thời chăm đứa cháu đầu tiên nay đã học lớp Một cho đến đứa thứ hai hiện 3 tuổi, bà mở YouTube cũng chỉ vài bài quen thuộc, không tìm thêm vì thấy cháu cũng chỉ thích những bài nhạc đó. Ngoài ra, bà sợ mở trúng các nội dung linh tinh, không phù hợp, ảnh hưởng đến nhận thức của cháu nên chỉ bật một số bài mà con trai và con dâu bà dặn.

Không riêng gia đình bà Chương, nhiều gia đình có trẻ em cũng thường xuyên mở nhạc hoặc các nội dung khác trên YouTube cho con trẻ xem. Khi thì ăn cơm, khi thì uống sữa hoặc trước khi ngủ, nhu cầu âm nhạc cho trẻ giải trí là vô cùng lớn. Nắm được tâm lý này, nhiều cá nhân, các công ty, tổ chức đã đầu tư vào việc sáng tạo nội dung dành cho trẻ em trên YouTube.

Xét riêng về hạng mục âm nhạc cho trẻ em, nguồn cung trên YouTube khá lớn nhưng không phải clip nào cũng chất lượng, được chọn lọc kỹ càng. Chưa kể, bên cạnh các bài hát thiếu nhi được hát đi hát lại, nhiều giọng ca nhí thể hiện lại (cover) ca khúc của người lớn, hoàn toàn không phù hợp độ tuổi như Xin má rước dâu do bé Sún thể hiện, ca khúc Bông đào là em qua giọng hát của bé Minh Vy hay cũng là bài hát này qua màn thể hiện của bé Mai Vy - tự xưng “thần đồng âm nhạc Việt Nam”...

Mới đây, series âm nhạc Mầm chồi lá do POPS thực hiện thống kê một số bài hát mùa hè được khán giả yêu thích. Trong danh sách này, đa phần là các bài đã quen với thiếu nhi nhiều thế hệ như Tiếng ve gọi hè, Bé yêu biển lắm, Trời nắng trời mưa, Những lá thuyền ước mơ, Mời lên tàu lửa... Đây cũng là những bài hát thường được mở tại các trường mầm non, tiểu học. Rất khó có thể tìm được bài hát thiếu nhi mới có chất lượng tốt.

Ca khúc Những lá thuyền ước mơ:

 

Ít nhạc sĩ mặn mà với nhạc thiếu nhi

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết chính các nhạc sĩ cũng nhận thấy tình trạng thiếu hụt những ca khúc thiếu nhi có chất lượng tốt. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói: “Nếu sáng tác nhạc người lớn và bán được, nhạc sĩ sẽ có một khoản thu nhập. Trường hợp bài hát đó thành bản hit, tên tuổi của nhạc sĩ càng được biết đến nhiều hơn và sẽ có không ít đơn đặt hàng. Tuy nhiên, với nhạc thiếu nhi, hiếm lắm mới có trường hợp giọng ca nhí mua bài hát, đa phần đều do nhạc sĩ sáng tác và phát hành miễn phí thậm chí còn mong các bé hát nhạc của mình. Cho nên, với việc khó thu lại lợi nhuận, nhạc sĩ không mặn mà sáng tác cho thiếu nhi cũng dễ hiểu”.

Bé Minh Vy trong MV Bông đào là em (ảnh chụp màn hình)
Bé Minh Vy trong MV Bông đào là em (ảnh chụp màn hình)

Cách đây 2 năm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung ra mắt tuyển tập 300 bài hát thiếu nhi, nhằm lấp vào “khoảng trống” bấy lâu của mảng âm nhạc này. Dự án tâm huyết của anh dành cho thiếu nhi được truyền thông chú ý, lan tỏa. Tuyển tập 300 bài hát thiếu nhi không dừng lại ở hình thức phát hành sách, thẻ nhạc có tích hợp công nghệ để sử dụng trên điện thoại mà đến nay, nam nhạc sĩ mở thêm kênh YouTube mang tên “300 bài hát thiếu nhi“ để cùng các bé tập hát. Series Cùng con tập hát trên kênh được đăng tải nội dung khá đều, hiện có gần 30 tập. Ở mỗi tập, ca sĩ Duyên Quỳnh sẽ hát mẫu, sau đó cô đàn và bắt nhịp cho từng câu để các bé hát theo. Với những từ khó, nữ ca sĩ sẽ giải thích để các bé hiểu rõ nội dung ca khúc.

“Nếu tính chi phí thực hiện đầy đủ 300 clip dạy hát 300 bài, con số hơn 1 tỉ đồng gồm tiền quay, dựng clip, hòa âm - phối khí, chi phí cho cô giáo... Con số này không hề nhỏ với một nhạc sĩ. Tuy nhiên, tôi may mắn có được nguồn thu tác quyền từ các bài hát viết cho người lớn nên có thể dành dụm, làm từ từ từng bước. Hiện tại, các kênh dành cho thiếu nhi bị YouTube hạn chế bật quảng cáo kiếm tiền vì sợ nội dung độc hại nên tôi cũng không hy vọng tìm thêm được nguồn thu từ YouTube để xây dựng kênh mà cứ làm theo khả năng hiện có” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

Chúng tôi đã liên hệ với Hội Âm nhạc TPHCM để tìm hiểu thêm về đời sống của âm nhạc thiếu nhi, cũng như ghi nhận những đánh giá của hội với dự án 300 bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Tuy nhiên khá bất ngờ là lãnh đạo hội nói không biết về dự án nên chưa thể nhận định. Trong 3 năm qua kể từ khi được giới thiệu, tuyển tập 300 bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là dự án hiếm hoi có đủ sức nặng cả về chất và lượng dành cho thiếu nhi, thậm chí có thể nói nam nhạc sĩ đang chọn lối độc hành, cần được động viên, chia sẻ.

Âm nhạc thiếu nhi rất cần được đầu tư. Nếu từ phía cá nhân các nhạc sĩ gặp khó khăn hay còn e ngại vì viết nhạc thiếu nhi không có “lời”, thì từ phía Hội Âm nhạc và các tổ chức liên quan cần động viên, mở lối bằng chính sách, các cuộc vận động để âm nhạc thiếu nhi có thêm các sáng tác mới, hay và ý nghĩa. Không thể cứ mãi thờ ơ với âm nhạc thiếu nhi như hiện tại. 

Diễm Mi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI