Săn hàng đấu giá online: Canh giờ miệt mài, nhận về hàng... thúi

29/06/2017 - 00:05

PNO - Chưa hết vui mừng vì trở thành người đấu giá thắng trên mạng xã hội để sở hữu túi trái cây có giá mua chỉ bằng một nửa giá thị trường, chị Thùy An đã té ngửa khi 5 kg mít thì đến 3 kg bị hư, thúi.

Tranh mua hàng giá rẻ

Đấu giá vốn không xa lạ trên thế giới và tại Việt Nam cũng được biết đến từ các chương trình game, đấu giá ngược của các cửa hàng bán lẻ hàng công nghệ. Hình thức này vừa vui vừa có lợi cho đôi bên, người mua thì được mua hàng giá rẻ, người bán vừa giới thiệu được sản phẩm lại bán được hàng. Chính vì những ưu điểm trên mà đấu giá được các mẹ bỉm sữa nhanh chóng áp dụng vào việc bán hàng online của mình.

San hang dau gia online: Canh gio miet mai, nhan ve hang... thui
Đấu giá online được các mẹ bỉm sữa hào hứng tham gia

Chị Thanh Trâm (Q.Phú Nhuận) cho biết: “Lúc đầu thấy 1-2 mẹ chơi đấu giá thấy vui vui và hay nên tôi cũng bắt chước làm theo và thu được kết quả rất khả quan. Có nhiều mặt hàng lúc đầu đăng đầy chẳng ai quan tâm, thế nhưng khi mang ra đấu giá với mức khởi điểm thấp chỉ vài ngàn đồng, hoặc 0 đồng đã thu hút được sự quan tâm của các mẹ bỉm sữa. Vì thế, sản phẩm được bán ra, thu hồi vốn và có thêm khách mới”.

Sau 3 năm tham gia trên Hội đấu giá mẹ và bé, chị Trâm đã có một lượng khách quen đáng kể vì người mua được hàng rẻ, lại có chất lượng tốt nên trở thành khách hàng thân thiết. 

Tuy nhiên, theo chị Trâm chia sẻ, thời gian đầu ít người bán biết đến trò đấu giá nên chị bán rất được hàng. Một sản phẩm được đưa ra đấu giá thường sẽ bán được nhanh mà còn có giá tốt, có khi đấu được giá tốt hơn cả giá bán. Nhưng về sau, người mua có kinh nghiệm hơn nên bắt đầu biết canh giờ cuối và chỉ đấu khi mức giá rất thấp. Điều này dẫn đến mức giá bán cho các phiên đấu ngày càng thấp, huề và lỗ vốn là chuyện rất bình thường. Vì thế, người bán cũng dần ít chơi trò này hơn, chủ yếu để đẩy hàng tồn hoặc tìm khách mới chứ ít khi nghĩ đến việc kiếm lời khi đấu giá.

Còn chị Bích Trang, một thành viên lâu năm trên trang 5s cho biết, thời gian đấu giá trên trang 5s có khi 1-2 ngày, thậm chí cả tuần cho những sản phẩm cao cấp còn trên mạng xã hội thường 1 phiên đấu chỉ kéo dài vài tiếng, bởi dòng trạng thái rất dễ trôi và các mẹ bỉm sữa cũng rất “ki bo” khi mua sắm. 

San hang dau gia online: Canh gio miet mai, nhan ve hang... thui
Quần áo là sản phẩm thường được các "tiểu thương online" đem đấu giá.

Qua khảo sát, các mặt hàng dễ được đấu giá nhất là quần áo trẻ em, đồ ăn… giá rẻ. Các sản phẩm có mức giá khởi điểm cao rất ít khi được quan tâm bởi tâm lý của các mẹ bỉm sữa là thích mua hàng giá rẻ, lỡ có không xài được thì bỏ đi cũng không tiếc. 

Người mua, kẻ bán "tố" nhau 

Có thể nói, không nơi đâu mà việc đấu tố nhau nhiều như trên các hội đấu giá. Nhiều khách hàng đấu giá canh sít sao giờ chốt để “giành” cho được giá tốt khiến người bán chốt giá không kịp, dẫn đến cãi nhau là chuyện bình thường.

Không ít trường hợp đến khi chốt được người thắng thì người này lại lặn mất tăm, hoặc “xin lỗi không lấy nữa” vì trăm ngàn lý do khiến người bán "khóc không ra nước mắt". Đến nỗi quản trị viên của các hội đấu giá phải ra thông báo treo nick các thành viên chuyên "bùm" hàng kiểu này.

Chuyện dở khóc dở cười đằng sau những phiên đấu giá nhiều không kể hết. Chị Thùy An, ngụ quận 10 kể, hôm trước chị ngồi canh đấu được mấy kg mít và bơ với giá 90.000 đồng, thấy vui cả buổi sáng dù biết là loại bơ này cũng chỉ  chừng 20.000 - 25.000đ/kg. Thế nhưng khi chị lấy hàng về mới ngã ngửa, 5 kg mít thì hết 3kg bị thúi (dù sau khi đấu là người bán giao hàng luôn), nhạt nhẽo không ăn được, đành phải đi xay sinh tố.

"Cũng may 2 kg còn lại cũng tạm ổn. Còn bơ thì chờ 3 ngày chín đồng loạt ăn không kịp, thúi mất gần 1 nửa. Thế nhưng nghe bảo tôi vẫn còn hên vì bạn tôi cũng đấu giá người bán bơ đó thì mang về toàn bị chảy chỉ và hư khi chưa kịp chín", chị An phàn nàn.

San hang dau gia online: Canh gio miet mai, nhan ve hang... thui
Chị Thùy An khoe mình là người thắng cuộc đấu giá trên trang cá nhân, không ngờ 5 kg mít thì hết 3 kg đã bị hư thúi.

Cũng từng bị nhận phải hàng kém chất lượng, chị Thu Chơn cho biết, cách đây hơn sáu tháng chị đấu được set đồ mẹ và bé với giá chưa đến 100.000 đồng, không ngờ mang về thì hình mẫu một đằng còn sản phẩm thực tế thì một nẻo. 

Nhiều người mua sau vài lần tham gia đấu giá online đều ngán ngẩm, càng thấm thía câu “của rẻ là của ôi”. Vì vậy, sau 3 năm hoạt động, giờ các hội đấu giá đang ngày càng thưa thớt. Rất nhiều vụ đấu tố vì nhiều lỗi như: shop đăng đấu giá bán sản phẩm nhưng không được giá tốt như mong muốn thì xóa bài, không giao hàng hoặc giao hàng kém chất lượng. Ngược lại, nhiều khách đấu được giá tốt lại không lấy hàng hoặc khi giao hàng lại không nhận khiến shop vừa mất tiền oan vừa không bán được hàng. 

Tuy nhiên, là một trong những thành viên đầu tiên của các hội đấu giá online và cũng là người có thâm niên bán hàng trên hội, chị Uyên Phương, ngụ quận Tân Bình cho hay: “Tôi rất thích hình thức này, trên hội, tôi đã quen hàng trăm khách hàng của mình. Đấu giá online cũng chỉ là một trong những hình thức bán hàng thôi, quan trọng vẫn là thái độ phục vụ cũng như chất lượng hàng hóa".

Chị bảo, sau một thời gian thấy hội ngày càng thưa thớt thì chị quyết định đấu giá trên chính trang cá nhân của mình. Khách quen từ hội giờ chuyển sang đấu giá trên trang của chị khá đông vì đã biết uy tín chị trong thời gian dài. Nhờ thế, thời gian đầu việc đấu giá khá suôn sẻ, rất nhiều mẫu tồn kho đã được chị thanh lý gọn gàng.

Chị Phương phấn khởi khoe: "Tuy mức giá đấu không cao nhưng cũng đủ thu hồi vốn, quan trọng là vui và có sự tương tác trên trang của mình. Tuy nhiên, trò chơi nào cũng vui lúc mở đầu và dĩ nhiên sẽ dần trở nên nhàm chán nếu lạm dụng quá nhiều. Vì vậy, tôi cũng đang suy nghĩ các hình thức khác để tránh gây nhàm chán cho khách hàng’.

Phương Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI