Sài Gòn trong Sài Gòn

02/11/2017 - 07:06

PNO - Sài Gòn là đất của người tứ xứ. Ai xa quê tới đây lập nghiệp mới thấu hiểu điều này.

Cuốn tản văn của tác giả trẻ Nguyễn Duy Quyền sẽ cho độc giả thêm một góc nhìn mới về Sài Gòn - thành phố phồn hoa rực rỡ, với những ồn ào tấp nập, và cả những phận người bé nhỏ mang đậm chất Sài Gòn.

Sai Gon trong Sai Gon

Đó là những phận người bé li ti - bé đến mức họ lướt qua giữa dòng người hối hả của Sài Gòn mà ta không hề nhận ra. Một bà già bán bánh mì đầu hẻm, đôi vợ chồng người bán xúp cua, người đàn bà bán rau ngoài chợ… Thậm chí, người đàn ông đi giao nước đá cũng xuất hiện trong sách.

Với giọng văn đậm chất Nam bộ - rất chân tình mà cũng đầy chua xót cho các nhân vật, đôi khi tác giả cũng tưng tửng qua từng con chữ, khiến người đọc cảm thấy day dứt, xót thương - thương họ và thương cho cả chính mình. Sài Gòn là đất của người tứ xứ. Ai xa quê tới đây lập nghiệp mới thấu hiểu điều này.

“Sài Gòn là vậy đó - gặp gỡ chớp nhoáng, chào hỏi vài câu, cười cười nói nói, rồi mạnh ai nấy đi. Đâu có ai đủ thời gian mà nói chuyện đời, nên muốn biết thì phải gặp nhau nhiều bận. Cũng như Sáu nước đá với hai đứa con trai, ngủ hầm canh nước đá chớ làm ấm lòng người ta mỗi lần bắt gặp trên phố” (Nước đá cũng còn thấy ấm).

Những câu chuyện giản dị nhưng thân quen như chính hơi thở hằng ngày của thành phố này vậy. Và ở đó tác giả còn cho ta thấy sự tinh tế của mình trong cách quan sát từng góc nhỏ của Sài Gòn. Dường như mỗi con đường Sài Gòn trong sách đều có những câu chuyện khác nhau rất giàu tình người.

“Khi ngồi viết những dòng này, tôi đang uống một tách cà phê. Sài Gòn đang ửng nắng sau một đêm mưa ngập lụt toàn thành phố. Mới hôm qua thôi, người ta còn xôn xao chạy mưa, kẹt xe, nghẹt đường; vậy mà sớm nay mọi thứ như chưa hề tồn tại. Ở Sài Gòn, người ta rất dễ quên. Chuyện gì cũng vậy, chỉ cần một thời gian, người ta sẽ quên mất, cũng giống như quên đi những câu chuyện tạt qua đời nhau” (Bánh mì cà phê làm nên Sài Gòn).

Chỉ có 23 tản văn ngắn trong Sài Gòn trong Sài Gòn, nhưng là 23 mảnh ghép để vẽ ra một Sài Gòn nhộn nhịp, nhiều niềm vui, lắm nỗi buồn và vô số xót thương chồng chất. Ở đó cũng nhắc đến những nghề truyền thống đang dần mai một, những luyến tiếc khi thiếu tiếng guốc mộc, những món đồ thủ công mây tre không còn là vật dụng thân quen của người thành phố. Và ở đó cũng có những tiệm áo dài nằm khép mình trong căn hẻm nhỏ phải đóng cửa vì không còn ai nối nghề.

Còn nhiều cảm xúc khác bạn có thể tìm thấy trong sách, vì Sài Gòn trong Sài Gòn đã được viết bằng sự tinh tế của một trái tim luôn biết lắng nghe và ghi nhận từng chi tiết nhỏ bé nhất. 

Trần Trà My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI