Sách giáo khoa mới tăng giá: Cần hỗ trợ học sinh khó khăn

02/05/2022 - 06:47

PNO - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa công bố giá sách giáo khoa mới của lớp 3, 7, 10 ở hai bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo, áp dụng từ năm học 2022 - 2023 có mức giá cao hơn từ 2 - 3 lần so với sách giáo khoa hiện hành. Việc tăng giá sách năm học tới sẽ là áp lực, thậm chí là gánh nặng cho không ít phụ huynh.

Phụ huynh thu nhập thấp băn khoăn tiền sách

Nhà có hai con, một sắp lên lớp 3 và một lên lớp 7, chị Nguyễn Thu Hương (H.Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) vô cùng lo lắng vì giá sách giáo khoa (SGK) “leo thang”. Chị chia sẻ: “Năm ngoái, con trai học lớp 6 của tôi cũng học sách chương trình mới, một bộ SGK cùng các sách tham khảo cũng lên đến gần 700.000 đồng. Đó là chưa kể chi phí vở viết, đồng phục. Năm học tới, giá sách mới lớp 3, 7 và 10 tăng gấp 2 - 3 lần sách cũ, tôi khá hoang mang. Bởi với hai con đều học chương trình mới, cộng lại mất cả triệu tiền mua sách trong khi thu nhập làm rẫy của vợ chồng tôi chỉ vỏn vẹn hơn một triệu đồng mỗi tháng. Trước kia, chúng tôi thường xin sách cũ của hàng xóm cho con học nhưng giờ học toàn sách mới, khó chồng khó”.

Sách giáo khoa mới tăng giá sẽ tạo thêm gánh nặng cho các phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn
Sách giáo khoa mới tăng giá sẽ tạo thêm gánh nặng cho các phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Đại Minh

Sinh sống tại TP.Hà Nội nhưng vợ bán nước vỉa hè còn chồng chạy xe ôm, gia đình anh Nguyễn Mạnh Cường (huyện Hoài Đức) cũng lo lắng trước thông tin SGK tăng giá. Anh cho hay: “SGK tăng giá tạo áp lực lớn cho các gia đình kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh hai năm qua. Tôi chỉ mong có cách nào trợ giá SGK cho học sinh nghèo. Vì rõ ràng, bỏ tiền triệu mua SGK và sách tham khảo là khó khăn với gia đình thu nhập thấp như chúng tôi”.

Thầy Hoàng Phúc Gọn, dạy lớp 3 Trường tiểu học Đàm Thủy (huyện Trung Khánh, tỉnh Cao Bằng), cho biết lớp của thầy có 13 học sinh, thì năm em thuộc diện nghèo, ba em cận nghèo, một em khuyết tật. “Tôi cho rằng việc SGK tăng giá quá cao gây khó khăn cho học sinh vùng cao, nhất là gia đình có hai con đang tuổi đến trường. Phụ huynh lớp tôi chủ yếu là người Tày, Nùng, đa số làm nông, đi bán củi thì mua SGK vài trăm ngàn đồng/bộ không phải điều đơn giản. Có học sinh ăn bán trú và nộp 44.000 đồng/tuần nhưng giáo viên phải vận động mãi phụ huynh mới có để nộp”, thầy Gọn nói. 

Nên trợ giá cho vùng khó khăn

Thầy Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), nhìn nhận đối với học sinh vùng cao, giá sách tăng sẽ khiến phụ huynh vô cùng khó khăn. “Năm ngoái, học sinh lớp Sáu trường tôi học chương trình mới, các em mua một bộ chưa đầy đủ, chỉ gồm những môn thiết yếu, là khoảng 430.000 đồng. Năm nay, những học sinh này lên lớp Bảy, học chương trình mới, lại mua sách mới. Trong khi quy định mỗi em phải có một bộ SGK, không học chung là vô tình đẩy áp lực về phía phụ huynh”, thầy Dũng nhấn mạnh.

Thầy Dũng kể, năm vừa rồi, nhà trường giúp học sinh mua SGK mới nhưng tiền phụ huynh cũng không trả hết được một lần. Nhà trường phải đứng ra xin công ty sách cho khất nợ, thu mãi đến hết một học kỳ mới trả xong. Phụ huynh chủ yếu làm nông, làm rừng nên rất khó khăn, có đến 70% học sinh thuộc diện nghèo. Vì thế, mua hộ SGK cho học sinh nhưng để thu được tiền SGK trả cho công ty sách cũng là nỗi khổ với các thầy cô vì phụ huynh vùng cao quá nghèo. Từ đó, thầy đề xuất: “Tôi kiến nghị nếu có thể thì giảm 50% giá để hỗ trợ học sinh nghèo. Ngoài ra, với các trường tại Mù Cang Chải chủ yếu học sinh học bán trú và nội trú. Nếu là học nội trú thì một phòng ở có ba học sinh cùng lớp, có thể học chung một bộ sách để tiết kiệm”. 

Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.Hà Nội cho rằng, việc cung cấp SGK cho học sinh nên đa dạng đầu mối, có thể giới thiệu cho phụ phuynh những kênh khác nhau để họ tiếp cận trực tiếp với nơi cung cấp SGK thay vì bắt buộc qua trường học. Ngoài ra, nên công khai đường link bản mềm của sách để những học sinh không có điều kiện tiếp cận bản giấy thì có thể tiếp cận các sách tham khảo qua bản mềm. Cũng không nên “đóng cứng” một bộ SGK gồm 13 hay 15 quyển mà nên để phụ huynh lựa chọn, sách gì thấy cần sẽ mua và không ép buộc mua sách tham khảo, điều này sẽ giúp giảm chi phí. Nên có chính sách trợ giá cho những vùng kinh tế khó khăn.

Xuất bản có quyền định giá, tăng giá theo thị trường thực tế nhưng với một sản phẩm vừa thiết yếu vừa đặc thù như SGK cho chương trình giáo dục phổ thông quốc dân thì cũng cần có những chính sách đặc thù. Không cào bằng, có chính sách trợ giá là đề xuất mà những nhà sư phạm “đặt hàng” với cơ quan quản lý và nhà xuất bản tính toán để đảm bảo quyền lợi cho người học. 

Đại Minh 
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI