Rước họa vì làm đẹp tại nhà, dùng đơn thuốc trên mạng

10/11/2022 - 05:55

PNO - Nhiều chị em phải cầu cứu bác sĩ bởi cả tin vào “tay nghề” của người thân, bạn bè, chấp nhận làm đẹp tại nhà và uống thuốc theo đơn… tải trên mạng.

Chịu đựng đau đớn vì ủng hộ người quen mở tiệm spa

Tháng trước, do muốn xóa nếp nhăn, trẻ hóa da, chị N.T.H. (29 tuổi, ở TPHCM) đến một cơ sở làm đẹp để tìm hiểu. Tại đây, chị được nhân viên tư vấn cấy chỉ căng da mặt. Nghe nhân viên nói cấy chỉ đơn giản chỉ với vài thủ thuật nên chị đồng ý. Sau cấy chỉ khoảng hai tuần, mặt chị H. bị phù, sưng đau, nơi cấy chỉ căng buốt.

Thanh silicon nâng mũi được lấy ra từ mũi chị X. - ẢNH: PHẠM AN
Thanh silicon nâng mũi được lấy ra từ mũi chị X. - ẢNH: PHẠM AN

Tuy nhiên, chủ tiệm spa cho rằng nhiễm trùng là do chị H. không vệ sinh mặt đúng cách. Chủ tiệm đã gửi một số tên thuốc yêu cầu chị tự ra tiệm thuốc mua uống rồi qua một cơ sở làm đẹp khác để rạch vết thương xử lý dịch mủ. Sợ sẹo, chị H. chỉ tìm mua các loại thuốc được chủ tiệm gửi qua điện thoại để uống. 

“Trong các loại thuốc đó có thuốc giảm đau, chống viêm, hai loại kháng sinh. Chủ tiệm nói tôi uống một tuần sẽ ổn. Thế nhưng, mặt tôi ngày càng sưng nên tôi ngưng thuốc, đến bệnh viện khám” - chị H. kể. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán chị H. bị nhiễm trùng nặng, dịch mủ rất nhiều ở hai bên hàm, cần phải phẫu thuật loại bỏ dịch mủ, lấy chỉ cấy ra ngoài.

Không có nhu cầu nâng mũi, nhưng vì muốn ủng hộ người bạn mới mở tiệm spa, chị T.M.X. (37 tuổi, ở tỉnh Bình Phước) đồng ý nâng mũi bằng thanh silicon giá 20 triệu đồng. Để tiện cho chủ tiệm, chị X. chấp nhận thực hiện nâng mũi tại nhà. Ngay khi vừa nâng mũi xong, chị đã cảm thấy đau nhói vùng mặt nhưng nghĩ là do mới phẫu thuật nên chị chỉ hỏi chủ tiệm về cách chăm sóc vết thương và đơn thuốc. Lúc này, chủ tiệm nói không có thuốc, chỉ cần chị X. vệ sinh sạch sẽ vùng mũi.

“Thấy tôi lo lắng, chị ấy lên mạng tải một đơn thuốc, phía dưới có kèm hướng dẫn chăm sóc vết thương rồi kêu tôi mua uống. Tuy nhiên, thấy toa thuốc đề “đơn thuốc độn cằm” nên tôi hỏi lại, chủ tiệm cho rằng làm thẩm mỹ đơn thuốc nào cũng như nhau. Lo lắng nên tôi không mua uống, và không làm theo hướng dẫn chăm sóc vết thương như hướng dẫn trên toa” - chị X. cho biết.

Đơn thuốc được chủ tiệm spa gửi cho chị X. - ẢNH: PHẠM AN
Đơn thuốc được chủ tiệm spa gửi cho chị X. - ẢNH: PHẠM AN

Chị nhớ lại, về đến nhà, máu tươi từ mũi chảy ra liên tục nhưng chủ tiệm khuyên nên bình tĩnh, vài ngày sẽ hết chảy máu. Đến ngày thứ bảy sau làm đẹp, mối chỉ khâu bị rớt ra, chị X. gọi điện thoại cho chủ tiệm, chị này tiếp tục gửi tên một loại huyết thanh, kêu chị đi mua uống rồi nói phải để thêm 10 ngày nữa mới lành. 
“Lúc này, tuy vết thương trong mũi đã lành nhưng các mấu chỉ thẩm mỹ đã đứt, sóng mũi như bị gãy ngang, chứa nhiều mủ dịch, thanh nâng có biểu hiện chui ra từ đầu mũi, làm xì dịch mủ ra ngoài. Chị chủ nói sẽ mời một bác sĩ đến tiệm phẫu thuật khắc phục mũi cho tôi nhưng tôi quá sợ. Tiền thuốc và vệ sinh vết thương đã gần 10 triệu đồng mà vẫn không giảm nên tôi đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM khám thay vì tiếp tục sửa” - chị X. kể.

Tại đây, bác sĩ chẩn đoán chị bị nhiễm trùng nặng, sưng tấy, phù nề do nâng mũi thẩm mỹ, thanh nâng silicon bị lệch khỏi sóng mũi, đẩy ra ngoài gây rỉ dịch chóp mũi, phải xử lý lấy thanh nâng ra ngoài, vệ sinh vùng mũi… Khả năng cao chị X. phải tiếp tục được phẫu thuật tái tạo mũi.

Tìm hiểu kỹ thông tin về cơ sở thẩm mỹ

Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Phó khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM - từ sau dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân bị tai biến do thẩm mỹ đang tăng lên. Nâng mũi đang ngày càng chiếm đa số trong thẩm mỹ vùng mặt, còn căng da mặt chiếm khoảng 5 - 10%. Hầu hết người bệnh thường cố gắng chịu đựng đau đớn cho đến khi vết thương nặng lên mới tới bệnh viện. Lúc này, vết thương đã nặng, biến dạng mặt, rất khó khăn trong điều trị.

“Nhiều người chần chừ, không nói tên chủ cơ sở thẩm mỹ do là người quen, người thân trong gia đình” - bác sĩ Anh Tuấn cho biết. Đáng lo hơn, mặc dù biết đơn thuốc chủ tiệm gửi là đơn thuốc trôi nổi trên mạng nhưng người bệnh vẫn uống. Có người uống kháng sinh trong thời gian dài mà không đến bệnh viện, dễ đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh sau này. Chưa kể, bất kỳ thủ thuật nào liên quan đến gây mê, gây tê đều tiềm ẩn nguy cơ sốc phản vệ, tình trạng sốc nặng hay nhẹ phụ thuộc vào cơ địa mỗi người và liều lượng thuốc sử dụng. 

Bác sĩ Anh Tuấn cho biết: “Người có tiền sử rối loạn đông máu, cao huyết áp, bệnh lý tim mạch, tiểu đường, dị ứng thuốc… càng phải đến bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để được bác sĩ tư vấn kỹ bởi nguy cơ sốc phản vệ ngay sau khi tiêm, hoặc sau 1-2 tiếng. Nếu nhẹ, có thể nổi mẩn đỏ, tê đầu lưỡi, phù quanh hốc mắt, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, tụt huyết áp… Nặng hơn, bệnh nhân sẽ khó thở, suy hô hấp và hôn mê, thậm chí tử vong. Vì vậy, chúng ta phải tìm cơ sở uy tín thay vì cả nể do chủ cơ sở là bạn, người thân, hoặc tin vào quảng cáo, khuyến mãi…”.

Để tránh rủi ro khi phẫu thuật thẩm mỹ, người có nhu cầu làm đẹp phải tìm hiểu kỹ thông tin về cơ sở để chọn lựa. Theo quy định của Bộ Y tế, bất kỳ cơ sở, viện thẩm mỹ nào cũng phải treo chứng chỉ hành nghề ở ngay trước cơ sở để khách hàng nhận biết. Tất cả cơ sở làm đẹp đều phải công khai danh mục, giá tiền… Khách hàng có quyền yêu cầu cơ sở làm đẹp đưa giấy phép, trong giấy phép phải có nội dung cơ sở được thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ thì nơi đây mới có thể can thiệp ngoại khoa. Tiếp theo, người làm đẹp phải xem bảng quy định các hạng mục kỹ thuật cơ sở này được phép thực hiện. 

Trong các hạng mục đó, bác sĩ nào được thực hiện kỹ thuật, nên kiểm tra thông tin về bác sĩ trên các website, phương tiện thông tin đại chúng, website của các hội thẩm mỹ… để xem xét về trình độ chuyên môn, tay nghề, giấy phép hành nghề của bác sĩ. Tránh nhầm lẫn giữa chứng chỉ chuyên môn và giấy phép hành nghề, không phải bác sĩ nào có chuyên môn cũng được phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.

“Điều quan trọng, trong tất cả can thiệp ngoại khoa, dù là thủ thuật đơn giản cũng cần phải vô trùng. Vì vậy, cần xem xét nơi làm đẹp có đầy đủ trang thiết bị, đáp ứng điều kiện vô trùng chưa. Bởi dù tay nghề bác sĩ phẫu thuật có giỏi đến đâu, nhưng nếu không đảm bảo an toàn về thiết bị, vệ sinh thì cũng rất dễ xảy ra tai biến” - bác sĩ Anh Tuấn nói thêm.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI